Được phát triển bởi cùng nhóm đứng sau trò chơi chuyển thể Blair Witch năm 2019, The Medium không phải là một trò có khái niệm quá đặc sắc. Ngay từ những tựa game Zelda thời kỳ đầu đã có gameplay liên quan đến thế giới bóng tối và ánh sáng.
Dù là vậy, The Medium được trình bày theo cách gần như hoàn hảo cho một trò chơi điện tử: bạn có thể lang thang trong cả hai thế giới cùng một lúc, điều khiển hai phiên bản của nhân vật như thể bạn đang chơi split screen co-op. Đây là một cách trải nghiệm câu chuyện thông minh và hấp dẫn. Kết hợp với bầu không khí thực sự ám ảnh, lối chơi này đã nâng cao trải nghiệm kinh dị tâm lý tương đối sáo mòn và lắt léo.
Marianne, nhân vật chính, là một cô đồng, người có thể giao tiếp với người chết và Thế giới Linh hồn mà họ cư trú. Vào ngày tang lễ của cha nuôi, cô nhận được một cuộc điện thoại từ một người tên "Thomas", người này tuyên bố rằng có thể giúp Marianne tìm ra bản chất thực sự của sức mạnh của cô. Vì tò mò, Marianne liền đến Niwa, nơi cô buộc phải sống sót và làm sáng tỏ bí ẩn đằng sau sự bỏ rơi của thành phố.
Về cơ bản, The Medium có gameplay giống như một trò chơi phiêu lưu góc nhìn thứ ba. Bạn khám phá các không gian nhỏ cực kỳ chi tiết, thu thập các vật phẩm và giải các câu đố. Đây là loại trò chơi mà hầu hết các cửa đều bị khóa hoặc thiếu tay cầm, vì vậy bạn sẽ không thể vượt qua cho đến khi tìm thấy đúng vật phẩm. The Medium có thể khiến cho bạn nhớ về những trò chơi Resident Evil đời đầu vì các câu đố tương đối đơn giản, số lượng vật phẩm có thể giữ trên người không nhiều và cách di chuyển có phần chậm chạp.
Mặc dù có kinh phí phát triển tương đối lớn, The Medium rất nhẹ về mảng hành động. Tuy bạn sẽ nhiều lần rơi vào nhiều tình huống nguy hiểm, trò chơi sẽ không cung cấp súng hoặc vũ khí khác để tự vệ.
Dù nghe có vẻ hơi khô khan, song The Medium sở hữu một vài yếu tố giúp nâng tầm gameplay. Đầu tiên là khái niệm thế giới kép. Đôi khi, bạn đang ở thế giới bình thường và những lúc khác, bạn sẽ ở cõi linh hồn. Đỉnh cao của trò chơi là khi bạn hoạt động ở cả hai. Hai thế giới là tấm gương phản chiếu của nhau: bố cục cơ bản giống nhau, nhưng rung cảm rất khác nhau. Một sảnh khách sạn thông thường có thể chứa đầy những xúc tu rung động trong thế giới linh hồn hoặc có thể có một cánh cửa làm từ da người.
Tuy hai không gian có phần lớn giống nhau, một số khác biệt nhỏ có tồn tại. Đây chính là nơi các câu đó xuất hiện. Bạn phải tìm ra cách vượt qua chướng ngại vật trong một thế giới để có thể đi tiếp trong cả hai. Ví dụ: một trong những câu đố đầu tiên yêu cầu bạn đã cố gắng lên tầng hai của một khách sạn mặc dù ở thế giới con người, cầu thang đã bị phá hủy và thang máy không hoạt động. Để làm được điều này, Marianne phải thu thập một số năng lượng từ cõi linh hồn và sử dụng nó để cung cấp năng lượng cho thang máy.
Các câu đố bắt đầu đơn giản như thế, nhưng chúng trở nên phức tạp hơn khi bạn đi sâu hơn vào game. Sau đó, bạn sẽ hoán đổi giữa các thế giới, sử dụng gương ma thuật và các vật thể thần bí khác để điều khiển không gian xung quanh.
The Medium cũng sử dụng màn hình split screen để khiến cho các đoạn cutscene thú vị hơn. Vì bạn có thể thấy câu chuyện diễn ra ở cả hai thế giới; có những lúc khi Marianne đối đầu với một linh hồn hoặc quái vật, avatar trong thế giới thực của cô ấy cũng thực hiện những hành động tương tự mà không có bất kỳ ai khác hiện diện, tương tư như Tyler Durden của Fight Club.
The Medium là một trò chơi có nhịp điệu tương đối chậm. Trong những giờ đầu tiên, trò chơi khá là bình thường, với một câu chuyện khó hiểu và những câu đố đơn giản. Nhưng khi câu chuyện bắt đầu hấp dẫn, trò chơi trở nên thú vị hơn nhiều. Marianne tìm hiểu thêm về quá khứ và nguồn gốc sức mạnh tâm linh của cô, và có rất nhiều khoảnh khắc mà bạn phải buộc miệng kêu lên "ah-ha!" những khoảnh khắc khi mọi thứ vào đúng vị trí. Tương tự như thế, các câu đố trở nên phức tạp hơn khi bạn thích nghi với thực tế của các thế giới song song.
Nhưng trong khi câu chuyện và câu đố mất một lúc để trở nên hấp dẫn, điểm nhất quán trong The Medium là bầu không khí lạnh lẽo của game. Đây không phải là một trò chơi hành động mà quái vật liên tục đuổi theo bạn. Thay vào đó, The Medium đem đến một nỗi sợ hãi cực độ hơn. Hầu hết các khu vực bạn sẽ khám phá đều nhỏ và ngột ngạt - ngay cả các phiên bản trong thế giới thực. Đó có thể là một ngôi nhà bị thiêu rụi với hàng đống những con búp bê có ngoại hình đáng sợ - hoặc một thế giới ngầm với những cơ thể xoắn chặt vào tường.
Việc lang thang xung quanh và xem hai thế giới khác nhau như thế nào là một điều rất thú vị, nhưng đôi khi hành động này cũng sẽ khiến cho bạn lạnh sống lưng. Bên cạnh cảm giác sợ hãi, kẻ thù duy nhất trong game là một con quái vật khổng lồ rình rập bạn trong suốt trò chơi, dẫn đến một số cảnh lén lút căng thẳng. Một đặc điểm khá đặc sắc đó là bạn có thể khiến Marianne nín thở bằng một nút bấm và nếu chơi bằng tay cầm, bạn có thể cảm nhận được nhịp tim của cô thông qua sự rung động.
The Medium kéo dài khoảng 10 tiếng đồng hồ. Đây là độ dài vừa phải để câu chuyện kết thúc tốt đẹp. Trò chơi thậm chí còn kết thúc theo kiểu Inception, nơi những gì thực sự xảy ra khá mơ hồ.
Về mặt ý tưởng gameplay, The Medium kết thúc khá đột ngột. Ngay khi tựa game bắt đầu tìm ra những cách thực sự thú vị để chơi với cấu trúc thế giới kép thì mọi chuyện đã kết thúc. Vài giờ cuối cùng là khoảng thời gian thú vị nhất, vượt trội hơn giai đoạn ban đầu.
Bối cảnh đa thế giới không hẳn là một yếu tố thực sự mới lạ, nhưng nó là sự bổ sung vừa đủ để khiến The Medium trở thành trò chơi kinh dị tâm lý không thể bỏ qua.