The Matrix: Ma trận là ảo, nhưng tại sao chết trong ma trận thì cũng "ngỏm" luôn trong thực tế?

DG  Pháp luật & Bạn đọc | 30/12/2020 04:59 PM

Trong The Matrix, Morpheus từng nói với Neo rằng cái chết trong ma trận có thể khiến con người bỏ mạng trong thực tế, nhưng đâu là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này?

Ở thời điểm hiện tại, khoa học - viễn tưởng (sci-fi) đã trở thành 1 dòng phim cực kỳ ăn khách và được nhiều studio tập trung khai thác trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, ngay cả khi số lượng, và thậm chí là chất lượng, phim sci-fi đang ngày càng tăng lên, thì The Matrix vẫn luôn là 1 trong những tác phẩm kinh điển, tiêu biểu nhất mỗi khi nhắc tới dòng phim này.

Ra mắt vào năm 1999, The Matrix lấy cảm hứng chủ yếu từ luận thuyết triết học của Jean Baudrillard xuất bản vào năm 1981 với tên gọi “Simulacra & Simulation” (tạm dịch: Vật thể giả tạo & Sự mô phỏng). Luận thuyết này tập trung giải thích khái niệm về các sự vật, hiện tượng thực tế khách quan bị thay thế bởi các ký hiệu, biểu tượng chủ quan, qua đó tạo ra “sa mạc của thực tế” - desert of the real.

The Matrix: Ma trận là ảo, nhưng tại sao chết trong ma trận thì cũng ngỏm luôn trong thực tế? - Ảnh 1.

The Matrix là 1 trong những bom tấn sci-fi lớn nhất thế giới tại thời điểm ra mắt, và đến nay vẫn là nguồn cảm hứng cho rất nhiều nhà sản xuất phim khác

Trong phần phim đầu tiên, những đặc vụ của Zion, cụ thể hơn là nhóm người của Morpheus, đã liên tục tìm cách xâm nhập vào ma trận để giúp giải thoát càng nhiều người càng tốt. Neo cũng nằm trong số đó. Sau khi được đưa lên tàu Nebuchadnezzar, anh đã được giải thích cặn kẽ về mối tương quan giữa thực tại và thế giới mô phỏng, đồng thời còn được hướng dẫn cách trở lại ma trận và “học” thêm nhiều kỹ năng mới chỉ trong nháy mắt. Lúc này, cơ thể thật của anh sẽ nằm lại ở thế giới thực tế với phần não được kết nối với máy tính để có thể tiến vào matrix.

Tuy nhiên, đây không phải 1 trò chơi điện tử mà chúng ta có thể ra vào 1 cách đơn giản và chơi đến khi nào “hết máu, hết mạng” thì khởi động lại. Những vết thương khi chiến đấu trong ma trận sẽ gây ảnh hưởng đến cơ thể ở bên ngoài thế giới thực. Điều đó đồng nghĩa với việc dù là trong thế giới giả lập hay trong thực tại, cái chết cũng không hề có sự khác biệt nào cả: Bỏ mạng trong ma trận sẽ dẫn đến cái chết trong thực tế.

The Matrix: Ma trận là ảo, nhưng tại sao chết trong ma trận thì cũng ngỏm luôn trong thực tế? - Ảnh 2.

Những vết thương, thậm chí là cái chết trong thế giới mô phỏng này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chính cơ thể ở thế giới thực

Đừng nghĩ cơ thể đã an toàn trong thực tại là bạn có thể muốn làm gì thì làm trong ma trận, bởi những vết thương, thậm chí là cái chết trong thế giới mô phỏng này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chính cơ thể của bạn.

Tại sao lại như vậy? Nguyên nhân chính là do phản ứng tâm lý bẩm sinh - kết quả tất yếu của quá trình kích thích tâm lý con người. Não bộ của họ được nuôi dưỡng và lớn lên trong ma trận trong suốt 1 thời gian dài và không thể ngay lập tức phân biệt được đâu là thật, đâu là giả khi thức tỉnh. Do đó, khi 1 người bị thương, hoặc bị giết trong ma trận, cơ thể của họ trong thực tế cũng bị ảnh hưởng trực tiếp theo phản ứng bản năng và không tự nguyện của não người.

Như đã nêu trên, khi xâm nhập vào ma trận, chúng ta sẽ phải cắm sâu các dây nối vào hệ thần kinh của mình khiến não bộ lúc này sẽ trở nên nhạy cảm hơn. Morpheus đã từng giải thích rằng “thực tế chính là những tín hiệu điện do não ghi nhận (trong quá trình nhìn, ngửi, nghe hay sờ) và truyền đạt lại đến cơ thể, khiến chúng ta có cảm thấy những gì đang tác động vào các giác quan của mình là có thật”.

The Matrix: Ma trận là ảo, nhưng tại sao chết trong ma trận thì cũng ngỏm luôn trong thực tế? - Ảnh 3.

Bộ não con người đã được huấn luyện rằng những gì xảy ra trong ma trận đều có thực và rất khó để có thể vượt qua cảm giác này, ngay cả với những người đã thức tỉnh hoàn toàn

Mối liên kết kỳ lạ này đã được nhắc lại rất nhiều lần trong 3 phần phim The Matrix và trong cả The Matrix Comics. Trong đó, những người đang kết nối với ma trận có thể thay đổi nhiệt độ cơ thể và huyết áp của mình, thậm chí còn xuất hiện cả những khối u trong nhiều tình huống cụ thể. Ngoài ra, tâm lý vốn đã được hình thành trong ma trận là 1 điều rất khó có thể vượt qua, ngay cả với những người đã thức tỉnh.

Cuối cùng, cũng cần phải lưu ý rằng thế giới nhân tạo trong The Matrix là 1 thế giới được thiết kế tỉ mỉ và vô cùng phức tạp. Nó là 1 thế giới phản ánh thực tế theo những cách rất khó chịu nhằm giam cầm và thao túng tâm trí con người.

Chính vì Neo có thể loại bỏ được ký ức sâu xa và phát triển vượt ra khỏi phản ứng tâm lý bản năng của chính mình, anh mới sở hữu khả năng làm chậm làn đạn hay trở về từ cõi chết. Não bộ của anh lúc này không “chơi” theo luật của matrix nữa, và điều đó đòi hỏi 1 nỗ lực tinh thần siêu phàm, cùng với sức mạnh đặc biệt của The One mới có thể chống lại chương trình máy tính này.

Sau gần 2 thập kỷ kể từ khi phần 3 của phim, The Matrix: Revolutions lên sóng, Warner Bros. đã bất ngờ công bố sẽ tiếp tục sản xuất phần 4 và dự kiến công chiếu vào năm 2021. Cả Keanu Reeves và Carrie-Anne Moss đều sẽ tái xuất với 2 vai diễn quen thuộc, Neo và Trinity, trong lần trở lại đình đám này. Được biết, quá trình bấm máy của The Matrix 4 mới hoàn tất vào tháng 11 vừa qua sau nhiều lần bị trì hoãn vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Theo ScreenRant