The Greatest Showman - Sức quyến rũ của những điều giản dị nhất

Minh Quân - Trí Thức Trẻ  - Theo Helino | 03/01/2018 10:06 AM

Mặc dù thiếu vắng nút thắt để đẩy bộ phim lên cao trào, "The Greatest Showman" vẫn ghi điểm trong lòng khán giả nhờ sự giản dị và niềm vui giải trí thuần thuý.

The Greatest Showman của đạo diễn Michael Gracey đã được 3 đề cử giải Quả Cầu Vàng, giải thưởng danh giá này được coi là sự khởi động cho giải thưởng Oscar của Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật điện ảnh. Điều này khiến cho nhiều người kỳ vọng vào tính hàn lâm và nghiêm túc của tác phẩm. Tuy nhiên, đến khi ra rạp, khán giả lại bất ngờ vì The Greatest Showman lại là một tiết mục giải trí thuần thuý với 11 ca khúc ngọt ngào hớp hồn người nghe được sản xuất bởi bộ đôi tài năng Benj Pasek và Justin Paul.

Có lẽ những lời thắc mắc này không khiến cho Michael Gracey phải phiền lòng nhiều vì một trong những thông điệp chính của The Greatest Showman là nghệ thuật đôi khi cũng chỉ là những niềm vui chân thành nhất. Trong một đoạn hội thoại giữa P.T. Barnum và nhà phê bình James Gordon Bennett (Paul Spark). Khi James nói anh không thể coi show diễn của gánh xiếc Barnum là nghệ thuật thì Barnum đáp lại rằng "tôi cũng không hề nghĩ như vậy".

Ở đây, lời diễn giải của James và Barnum về khái niệm nghệ thuật đã có một sự trái ngược. Trong khi James, với tư cách là một nhà phê bình khó tính luôn đòi hòi những yêu cầu cao từ màn trình diễn trên sân khấu thì Barnum đơn giản hơn, anh cho rằng một trong những niềm vui lớn nhất của người làm nghề trình diễn là đem đến hạnh phúc cho khán giả sau khi họ bước chân ra khỏi rạp. Và để thực hiện được nhiệm vụ đó, Barnum cũng chấp nhận việc mình làm không được coi là một sản phẩm nghệ thuật chân chính.

Khi còn nhỏ, Barnum là con trai của một thợ may nghèo khó. Anh luôn khao khát được đứng dưới ánh đèn sân khấu và toả sáng. Thanh mai trúc mã của Barnum - Charity (Michelle Williams) là thiên kim tiểu thư của một gia đình quý tộc danh giá. Việc bị gia chủ ngăn cấm đến gần với cô bạn tiểu thư khiến Barnum có trải nghiệm sâu sắc về sự phân biệt giai cấp.

Đến khi bố mất, Barnum lao ra đường kiếm sống bằng đủ mọi nghề, đường phố dạy anh các mánh khoé của cuộc đời và cũng dạy anh về tình thương và sự cảm thông. Trong một lần bị đánh vì tội ăn trộm bánh mì, một người phụ nữ có khuôn mặt kì dị đã đưa cho anh một quả táo để thoát đói. Khoảnh khắc này đã thúc đẩy Barnum trưởng thành và sử dụng hết tất cả những gì học được từ đường phố để xây dựng lên gánh xiếc Barnum, nơi tụ họp của những con người kỳ dị có tài năng đặc biệt và bị người đời xa lánh.

Gánh xiếc Barnum – nơi tụ họp của những con người bị xã hội xa lánh
Gánh xiếc Barnum – nơi tụ họp của những con người bị xã hội xa lánh

Gánh xiếc của Barnum là một cuộc cách mạng thực sự vì trước đó, hình thức văn nghệ này vẫn chưa hề được ra đời. Không ai có thể tưởng tượng rằng những con người kì dị nằm dưới lớp đáy của xã hội lại có thể lên sân khấu và trình diễn như các ngôi sao. Đó là vị trí mà tất cả đều mặc định là của những người có diện mạo xinh đẹp, những kẻ thừa kế được sinh ra trong nhung lụa.

Tuy nhiên, qua cử chỉ ấm áp của người phụ nữ kỳ dị ngày nọ, Barnum nghĩ rằng những con người này xứng đáng có cơ hội để thể hiện sự khác biệt và tài năng bên trong của mình. Không chỉ đơn giản là một rạp xiếc với các bài toán thương mại, Barnum tạo ra các tiết mục để xoá nhòa rào cản giai cấp, đưa họ gần trở lại với xã hội hơn và mặt khác cũng là để những con người này lấy được sự tự tin.

Dù bạn không cao nhưng người khác vẫn sẽ phải ngước nhìn. Dù bạn xấu xí nhưng người khác vẫn sẽ khóc khi nghe bạn hát. Dù bạn vẻ ngoài thô kệch nhưng người khác vẫn nhìn ra được những thứ lấp lánh bên trong. Phân đoạn đồng diễn của các thành viên đoàn xiếc Barnum với ca khúc "This is me" qua giọng ca giàu nội lực của Keala Settle đã hoàn toàn thể hiện được thông điệp này, khiến cho nhiều khán giả đồng cảm với hoàn cảnh của các nhân vật

Danh ca Jenny Lind dưới sự hoá thân của Rebecca Ferguson
Danh ca Jenny Lind dưới sự hoá thân của Rebecca Ferguson

Bản thân bộ phim The Greatest Showman thực ra cũng chẳng khác gánh xiếc của Barnum là bao. Bên cạnh This is me, hàng loạt các ca khúc đốn tim người nghe khác cũng được sử dụng với mục đích chính là để đem lại cảm xúc cho khán giả. Ca khúc "Rewrite the Star" của cặp đôi trẻ Zac Elfron và Zendaya trong vai kẻ thừa kế giàu có Carlyle và cô nghệ nhân xiếc Anne đã bù đắp lại cho sự chưa tới về mặt kịch bản bằng những ca từ lãng mạn, tha thiết mê đắm của hai kẻ đang yêu.

Phần hình ảnh cũng góp sức rất nhiều trong việc nâng đỡ cảm xúc. Khi Anne và Carlyle cùng nhau chao lượn trên sợi dây thừng, ta cảm tưởng như họ có thể cưỡi lên sợi tơ mành lửng lơ theo gió mùa thu và chẳng sợ ngã vì sự hư ảo của tình yêu. Chỉ có khát vọng thay đổi số phận, địa vị của cặp đôi Romeo và Juliet thời hiện đại là trĩu nặng.

Khoảnh khắc sét đánh của Carlyle và Anne
Khoảnh khắc "sét đánh" của Carlyle và Anne

Hugh Jackman và bạn diễn Michelle Williams cũng thành công khi hóa thân thành cặp vợ chồng thanh mai trúc mã. Bản song ca "A Million Dreams" đã theo chân họ từ những kỷ niệm vụng trộm và phá cách của thời niên thiếu cho đến những buổi đêm huyền diệu tuy nghèo nàn mà ấm cúng trên tầng thượng. A Million Dreams đại diện cho cả khát vọng được đổi đời, được sống với đam mê cũng như những mưu cầu hạnh phúc mà bất kỳ cá nhân giản dị nào cũng mưu cầu cho bản thân mình.

Niềm vui của cặp vợ chồng trên sân thượng của một căn nhà tồi tàn
Niềm vui của cặp vợ chồng trên sân thượng của một căn nhà tồi tàn

11 ca khúc là 11 bản nhạc pop lôi cuốn, 11 sắc màu khắc nhau tạo thành một bức tranh huyền diệu và ngây ngất, cực kỳ phù hợp với không khí mà đạo diễn Michael Gracey muốn đem lại. Bên cạnh đó, không thể phủ nhận tác dụng rất lớn của phần biên tập hình ảnh với những khung cảnh không quá rộng nhưng vẫn có những cảnh quay đẹp đến mức lặng người.

Những cảnh slow-motion được sử dụng đúng lúc, đúng chỗ, vừa phải để không bị lạm dụng mà nhấn mạnh những giây phút cảm xúc của bộ phim. Màu phim thể hiện độ tương phản cao, ánh sáng chan hoà của sân khấu kết hợp với những gam màu tối, lơ đãng mà ảm đạm, tạo sự đối lập giữa giấc mơ và thực tại, giữa phép màu và những điều cay đắng, khiến cho bộ phim như một bức tranh huyền bí hiện ra sau cú vẩy đũa phép của bà tiên trong truyện cổ tích.

Phải chăng, với thông điệp và những trau chuốt về mặt thẩm mỹ đó, đạo diễn Michael Gracey muốn nói rằng, đằng sau những thông điệp lớn lao, những giá trị hiện thực nặng nề, thì đôi khi, những người đứng trên sân khấu chỉ có một khát khao duy nhất là đem đến niềm vui cho khán giả, giúp họ hạnh phúc hơn sau mỗi lần bước chân ra khỏi rạp, cổ vũ họ hãy tự tin hơn, yêu đời hơn và mạnh mẽ hơn. Cũng như chính cây viết phê bình khó tính trong phim đã thừa nhận "tôi không thích màn trình diễn này, nhưng tôi thích cách khán giả yêu nó". Đôi khi, nghệ thuật cũng chỉ giản dị là những niềm vui thuần thuý.