Thế giới "Tịch Lịch" - Đệ nhất võ hiệp giả tưởng Đài Loan nhưng hiếm ai biết đến

Dr.Jackal  - Theo Trí Thức Trẻ | 02/12/2016 0:00 AM

Tại Đài Loan, người ta có biết đến một thế giới võ hiệp, huyền huyễn giả tưởng vô cùng hấp dẫn khác và có nét đặc trưng nhưng lại hiếm có ai biết đến, đó chính là: “Tịch Lịch”.

Nhắc đến võ hiệp cổ trang thời xưa, chắc hẳn ai ai đều nghĩ đến các sản phẩm văn học và phim ảnh chuyển thể từ danh tác của những nhà văn Kim Dung, Cổ Long hay Ôn Thụy An. Thời nay giới trẻ lại có phần đam mê thể loại tiên hiệp, kỳ huyễn với những cái tên nổi bật như "Tru Tiên", "Tinh Thần Biến" hoặc cũng có không ít người thích thú với truyện tranh Hồng Kông thông các tác phẩm tiêu biểu như "Long Hổ Môn", "Phong Vân", "Thiên Tử truyền Kỳ". Mỗi chủng loại đều có đặc điểm hay riêng, phong cách thể hiện khác biệt và phù hợp theo từng giai đoạn lịch sử phát triển của xã hội.

Tuy nhiên tại Đài Loan, người ta có biết đến một thế giới võ hiệp, huyền huyễn giả tưởng vô cùng hấp dẫn khác và có nét đặc trưng nhưng lại hiếm có ai biết đến, đó chính là: “Tịch Lịch”. Trong bài viết ngày hôm nay, ta sẽ cùng tìm hiểu sơ qua về “Tịch Lịch” và loại hình nghệ thuật làm phim gắn liền với nó.

Thông tin cơ bản

“Tịch Lịch Bố Đại Hí” (“Bố Đại Hí” là một loại hình nghệ thuật múa rối) hay ngắn gọn là “Tịch Lịch” là một thương hiệu phim truyền hình nổi tiếng ở Đài Loan, được sản xuất và phát hành bởi công ty Pili International Multimedia. Nó là sản phẩm tâm huyết của anh em nhà họ Hoàng với ông Hoàng Cường Hoa đảm nhiệm vai trò tổng biên kịch, còn ông Hoàng Văn Trạch đảm nhiệm vai trò “Bát Âm Tài Tử”, người lồng tiếng cho tất cả mọi nhân vật kiêm dẫn chuyện trong phim.

Lên sóng lần đầu từ năm 1984 với tác phẩm “Tịch Lịch Thành”, tuy nhiên cho đến khi thực sự phổ biến, định hình thế giới quan và lan truyền sang cả Trung Quốc thì phải kể đến “Tịch Lịch Kim Quang” ra mắt năm 1988 với sự xuất hiện của hai đại nhân vật chính là “Thanh Hương Bạch Liên” Tố Hoàn Chân và “Bách Thế Kinh Luân” Nhất Diệp Thư. Cho đến “Tịch Lịch Chí Tôn” năm 1989, nhân vật chính lớn thứ ba là “Đao Cuồng Kiếm Si” Diệp Tiểu Xoa lộ diện và cứ thế cốt truyện chính trong thế giới quan “Tịch Lịch” được diễn giải xoay quanh “Tam Đài Trụ” này.

Series “Tịch Lịch” bắt đầu tính từ “Tịch Lịch Kim Quang” cho tới phần mới nhất là “Tịch Lịch Thiên Mệnh Chi Tiên Ma Ngao Phong” đang lên sóng kể từ tháng 10 năm 2016, đã có tổng cộng hơn 2,000 tập với độ dài trung bình mỗi tập khoảng 60 - 70 phút, và dàn trải qua tất cả 67 bộ. Do cốt truyện có sự nối liền và cùng diễn ra trong một tổng thể thế giới quan nên số lượng nhân vật có tên tuổi và đóng góp một vai trò nào đó trong mạch truyện lên tới hàng nghìn người. Trong số tất cả các bộ từng lên sóng, ngắn nhất là “Tịch Lịch Ngoại Truyện Chi Diệp Tiểu Xoa Truyền Kỳ” năm 1996 có 6 tập và dài nhất là “Tịch Lịch Cuồng Đao” năm 1993 có 60 tập.

Điểm đặc sắc về nội dung

Series “Tịch Lịch” không chỉ khai thác những tình tiết cốt truyện theo phong cách võ hiệp/tiên hiệp truyền thống, kết hợp các thể thơ văn bay bổng và cả cách gây cười cổ điển, mà nó còn phát triển dần dần sang đủ các dạng nội dung giả tưởng Đông – Tây. Trong đó bao gồm đủ cả “thánh chiến vượt qua không gian thời gian”, ninja Nhật Bản, yêu ma quỷ quái, chiều không gian khác, thế giới khác, người ngoài hành tinh, vampire, người máy, người nhân tạo, …, và có đủ kiểu vũ khí từ cổ chí kim.

Hệ thống các nhân vật trong loại hình “Bố Đại Hí” đều có vai trò rất rõ ràng. Với quan niệm truyền thống của nghệ thuật biểu diễn Trung Quốc về những bài học giáo hóa xã hội đầy ý nghĩa, có sự phân chia rõ ràng thiện ác, nên các nhân vật cũng được thiết kế theo từng “nhóm loại”, có sự quy định về diện mạo, y phục, đầu tóc hay cách nói chuyện…, thể hiện một cách công phu trên con rối gỗ và chỉ cần xuất hiện là đủ khiến khán giả biết được ai là người tốt, ai là kẻ xấu. Đối với những phim “Bố Đại Hí” cổ, khán giả có thể dễ dàng nhận biết nhân vật chính phái thông qua diện mạo sáng sủa, đầu tóc gọn gàng, thần sắc uy dũng, còn phản phái thì hoàn toàn đối nghịch với vẻ y phục u tối, mặt mũi dị dạng, cử chỉ mờ ám.

Nhưng đối với “Tịch Lịch” thì mọi chuyện không hề đơn giản như thế, và các sự phân chia ranh giới thời xưa đều bị lu mờ hết cả. Theo dõi phim, khán giả có thể thường thấy một nhân vật xuất hiện ban đầu hết sức tuấn tú, y phục đẹp mắt và thậm chí có cái tên “hướng thiện” hoàn toàn, nhưng xem đến cuối lại phát hiện ra đó là một nhân vật phản phái, ví như Nhất Hương Hoa hay Thánh Hiền Giả, hoặc tiền bối như Cô Sầu Tiên Sinh. Trong đó không ít nhân vật xuất hiện với vẻ ngoài tà ma xấu xí, nhưng thực tế không hẳn là người xấu ví như Mệnh Thất Thiên. Chính vì lẽ này, cốt truyện và tình tiết của “Tịch Lịch” tỏ ra lôi cuốn người xem và khó đoán biết hơn.

Bên cạnh đó, “Tịch Lịch” cũng lược bỏ thủ pháp tạo “ấn tượng” cố định truyền thống, và có cách thể hiện mang tính chân thực, xã hội hóa giống với cuộc sống thường ngày của chúng ta hơn. Do vậy, số lượng phân loại nhân vật ngày một trở nên đa dạng, mỗi nhân vật đều có ít hoặc nhiều khuyết điểm nào đó giống như một con người bình thường trong thực tại. Một nhân vật trong “Tịch Lịch” sẽ không thể làm vừa ý tất cả mọi người, và đối với mỗi nhân vật, người ta cũng có nhiều cảm xúc khác nhau, có người thích từ cái nhìn đầu tiên, có kẻ ghét thì mang ra mổ xẻ phân tích, nhìn vào thế tục định mệnh của nhân vật mà nảy sinh hỉ, nộ, ái, ố tương tự với mối quan hệ con người dành cho nhau trong cuộc sống thực.

Trích đoạn "Đao Cuồng Kiếm Si" Diệp Tiểu Xoa đánh "Hắc Thủ" Đường Tuyệt - Phụ đề Việt

Thông qua mỗi một bộ mới, cốt truyện chính của “Tịch Lịch” ngày càng trở nên sâu rộng và mở ra thêm hàng loạt nhân vật mới, đồng thời vẫn sử dụng góc nhìn từ một số nhân vật mặc định để khiến mạch truyện được hoàn chỉnh, dựa vào một số nhân vật trọng điểm mà khiến các tình tiết chính có sự tiếp nối, và thông suốt. Mỗi một giai đoạn, mỗi một bộ đều là một chương độc lập nhưng lại có sự gắn kết với nhau, khiến cho toàn câu chuyện từ xưa cho tới nay trở thành một kết cấu đồng nhất, chủ yếu lấy các phương diện mưu quyền đấu trí, khắc họa nhân tính,…, làm điểm nhấn chính, kết hợp bối cảnh giả không vô hạn mà phát triển câu chuyện đã trở thành điển đặc sắc nhất của “Tịch Lịch”.

Một số nhân vật chính tiêu biểu

Trong suốt chiều dài 30 năm lịch sử hình thành và phát triển, số lượng nhân vật lớn nhỏ trong thế giới quan “Tịch Lịch” lên tới hàng nghìn người, không sao kể hết, nhưng trọng yếu xuyên suốt và mang tính biểu tượng có thể kể đến vài người sau:

Tố Hoàn Chân: Biệt hiệu “Thanh Hương Bạch Liên”, túc trí đa mưu, võ công thâm hậu, được vạn người trong thiên hạ nể phục, là nam chính số 1 của “Tịch Lịch”, và cũng là nhân vật được fan hâm mộ yêu mến nhất.

Nhất Diệp Thư: Biệt hiệu “Bách Thế Kinh Luân”, cùng với Tố Hoàn Chân và Diệp Tiểu Xoa trở thành “Tam Đài Trụ” của “Tịch Lịch”, luôn đứng trong hàng ngũ nhất đẳng cao thủ, khó ai so bì được.

Diệp Tiểu Xoa: Biệt hiệu “Đao Cuồng Kiếm Si”, là nhân vật có số phận bi thương nhất trong ba đại nhân vật chính, bởi người thân của y cứ lần lượt từ giã cõi đời, đến lúc ngộ ra chân lý, học được tuyệt thế thần công thì cũng phải đánh đổi bằng cách tự cắt lưỡi mình.

Tần Giả Tiên: Là một trong số các nhân vật kinh điển của “Tịch Lịch”, xuất hiện từ trước cả “Tam Đài Trụ”, tinh thông mọi chuyện lớn nhỏ trong võ lâm, võ công không cao nhưng tài nghệ “uốn ba tấc lưỡi” thì lợi hại vô cùng.

Ngạo Tiếu Hồng Trần: Là nhân vật chính nghĩa, hào khí ngất trời, sở hữu kiếm pháp cao thâm, không ngại mạo hiểm thân mình vì chuyện an nguy của thiên hạ.

Sơ Lâu Long Túc: Là người có diện mạo tuấn tú, hùng biện linh hoạt, thích lối sống tiêu diêu tự tại, mặc dù lời nói có vẻ bay bổng nhưng lại ẩn chứa sự cay nghiệt.

Kiếm Tử Tiên Tích: Là bạn thân của Sơ Lâu Long Túc, một con người chính trực, tâm tính vô vi, thẳng thắn rộng lượng, bên ngoài có vẻ không quan tâm đến chuyện đời, nhưng thực tế lại là người lo lắng nhất cho an nguy của thiên hạ.

Phật Kiếm Phân Thuyết: Cùng với Sơ Lâu Long Túc và Kiếm Tử Tiên Tích trở thành “Tam Tiên Thiên” hay “Tam Giáo Đỉnh Phong”, là người tu hành, sử dụng năng lực của mình vì khổ nạn của trần thế.

Cảm nhận cá nhân về “Tịch Lịch”

Có thể nói “Tịch Lịch” có độ phức tạp và chiều sâu về nội dung không hể thua kém những tác phẩm tương tự khác ở Trung Quốc hay Hồng Kông, tuy nhiên với cách thức triển khai bằng nghệ thuật múa rối đặc thù và sử dụng một thứ ngôn ngữ địa phương để dẫn chuyện đã trở thành một rào cản không nhỏ, khiến ít ai biết đến sự tồn tại của nó bên ngoài Đài Loan cho dù có lịch sử phát triển khá lâu.

Nhưng trong thời gian gần đây, “Tịch Lịch” ngày càng được nhiều người biết đến hơn bởi đội ngũ sáng tạo đã không ngừng nâng cao chất lượng kỹ thuật, “mỹ nam hóa” hệ thống nhân vật để thu hút sự chú ý của các thị trường nước ngoài. Tại Trung Quốc, số lượng người xem series phim truyền hình này ngày một tăng và thậm chí thu hút một lượng fan là nữ đông đảo, có khi hơn cả nam giới.

Đồng thời để tiến quân thị trường quốc tế, Pili International Multimedia cũng đã hợp tác với các hãng làm anime Nhật Bản và phát hành sản phẩm đầu tiên có tên “Đông Li Kiếm Du Kỷ” (tên tiếng Anh: “Thunderbolt Fantasy”) trong năm 2016 với phiên bản lồng tiếng Nhật Bản, trình chiếu rộng rãi trên sóng truyền hình nước này lẫn phiên bản phụ đề tiếng Anh cho Âu – Mỹ. “Đông Li Kiếm Du Kỷ” đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của khán giả, và được liệt vào hàng ngũ những “anime” độc đáo, đáng xem nhất trong năm nay.

Trích đoạn "Thunderbolt Fantasy" (Đông Li Kiếm Du Kỷ) - Tập 1 cảnh 1

Nếu chịu khó bỏ thời gian để tìm hiểu về “Tịch Lịch” và hình thức làm phim đặc sắc này, chắn chắn nó không làm bạn thất vọng và có thêm một món ngon mới lạ đấy.

20 hiệu ứng âm thanh game độc đáo để bạn làm nhạc chuông điện thoại