- Theo Helino | 21/03/2018 02:17 PM
Game thủ cũng có 5, 7 loại
Có thể chia game thủ thành 2 loại cơ bản: nghiệp dư và chuyên nghiệp. Game thủ nghiệp dư là những người chơi game chủ yếu để giết thời gian và giải trí. Có thể nói đa số mặt tiêu cực đều đến từ những đối tượng này. Vài người trong số đó không tự kiểm soát được thời gian và bản thân họ. Dẫn đến một số hậu quả không hay mà ta vẫn thường thấy trên các mặt báo và các đơn vị truyền thông khác. Từ đó người ta luôn có định kiến về game thủ nói chung.
Nhưng đó chỉ là số ít, vì cái gì cũng có 2 mặt tốt và xấu. Game thủ nghiệp dư cũng có những người chơi vì đam mê nhưng vì lý do nào đó họ không đủ khả năng để theo đuổi và chỉ xem đó như là một thú vui giải trí sau những giờ làm việc căng thẳng và mệt mỏi. Phải chăng chúng ta cần tôn trọng những con người như vậy, những con người dù có khó khăn nhưng vẫn luôn giữ được cái nhiệt huyết của mình.
Về game thủ chuyên nghiệp, họ là những người chơi game trình độ đã đat đến một mức nhất định để có thể được mời và chơi cho những đội có quy mô đầu tư lớn. Đối với họ, chơi game cũng như cái nghề để hái ra tiền. Có đồng lương nhất định, có chế độ tập luyện dưới một hệ thống được quản lý kỹ càng. Họ được huấn luyện để tham dự những giải đấu mang tầm quốc tế và châu lục. Game thủ chuyên nghiệp là một trong số những người may mắn khi có cả đam mê lẫn tài năng và điều kiện thích hợp để phát triển nó. Tất nhiên ở Việt Nam những mô hình như vậy không nhiều. Nhưng không phải vì vậy mà nó sẽ không được phát triển thêm nữa. Hiện nay có rất nhiều tổ chức đã và đang ra sức xây dựng một mô hình chuyên nghiệp về game. Quảng bá hình ảnh của game thủ rộng hơn để mọi người có cái nhìn rõ hơn, khách quan hơn.
eSports cũng xứng đáng được công nhận như những bộ môn thể thao khác
Nếu như chơi bóng đá được gọi là cầu thủ, thì người chơi game cũng được gọi là game thủ. Điều đó cho thấy bóng đá và game cũng là thể thao nói chung. Nhưng game được xếp vào một khái niệm mới – eSports. Vì vậy hãy nhìn những game thủ như cái cách mà chúng ta nhìn vào những Ronaldo, Messi, Neymar,… Họ đều là những con người chạy theo đam mê một cách tích cực nhất có thể. Và tất nhiên, nhờ vào những tài năng thiên phú hoặc do luyện tập, họ đều đã thành công. Họ được mọi người công nhận như những người thành đạt. Game thủ cũng đáng được như vậy. Họ hoàn toàn xứng đáng để nhận được sự công nhận của xã hội.
Chơi game chưa bao giờ là sai trong xã hội hiện đại
Nhiều ý kiến cho rằng chơi game là vô bổ và tốn thời gian. Ý kiến đó hoàn toàn không đúng. Chơi game sẽ rèn cho bạn sự nhanh nhạy, kiên nhẫn, khả năng ứng biến, …. Còn việc tốn thời gian hay không thì tùy vào ý thức của mỗi người. Nếu như bạn nghiêm túc với bản thân mình, bạn sẽ tự đặt ra được giới hạn cho bất kỳ một việc nào. Đối với việc chơi game cũng vậy, thật tốt nếu bạn đặt ra được thời gian nhất định để chơi và chơi trong bao lâu là đủ. Như vậy thì việc chơi game đã đúng với tính chất của nó, hoàn toàn không ảnh hưởng đến công việc cũng như sinh hoạt cá nhân.
Thậm chí có những ý kiến còn cho rằng việc chơi game sẽ dẫn đến những hậu quả về tâm thần, hành vi bạo lực,… Như đã nói, cái đó tùy thuộc vào rất nhiều lý do. Và tất nhiên là game không phải nguyên nhân chính dẫn đến những hậu quả đó. Những hậu quả đó phụ thuộc hoàn toàn vào yếu tố khách quan và chủ quan của mỗi người. Nếu một số game thủ có vấn đề về hành vi bạo lực, điều đầu tiên phải xét đến là liệu có phải hoàn toàn do game?
Cũng có thể do môi trường sống xung quang họ luôn phải chứng kiến những điều bạo lực, dẫn đến họ thấy điều đó là bình thường. Vô tình họ tìm đến game và người ta đổ lỗi cho nó. Tất nhiên cũng có một số trường hợp chủ quan, một số game có hình ảnh bạo lực. Nhưng hãy nhớ rằng, đối với những game như vậy, nhà phát hành luôn luôn giới hạn độ tuổi. Việc giới hạn độ tuổi đều đã có nghiên cứu kỹ càng để có thể bảo đảm được rằng người chơi sẽ nhận thức được đó chỉ là game và hoàn toàn không được áp dụng vào đời thực. Tuy nhiên, một số người lại không quan trọng vấn đề đó. Họ chơi game bất chấp đã được cảnh báo rõ ràng. Và điều tất yếu là tâm lý họ không đủ vững vàng để phân biệt được thật giả đúng sai. Dẫn đến hậu quả khó lường mà ta hay thấy trên các trang báo.
Dạy con cái chơi game đúng cách cũng là một biện pháp giáo dục tốt
Hơn ai hết, những bậc phụ huynh hiểu rõ việc cấm đoán trẻ làm theo sở thích, đam mê sẽ để lại những hậu quả như thế nào. Những đứa trẻ sẽ không bao giờ từ bỏ cái mà nó thích. Ngược lại, càng cấm thì chúng sẽ càng tò mò. Và như vậy vô tình nó lại có thái độ chống đối với bố mẹ nó. Tại sao lại cấm chơi game khi mà chúng ta có thể hướng dẫn con trẻ chơi đúng cách, đúng giờ. Điều đó hoàn toàn có ích cho trẻ. Chúng ta sẽ hướng trẻ đến những tựa game phù hợp với lứa tuổi.
Nếu chúng ta cấm đoán, trẻ sẽ tự mày mò và biết đâu chúng vô tình “mò” được những thứ không hay trên mạng Internet hiện nay. Điều đó gián tiếp dẫn đến việc trẻ không thể tự kiểm soát được tâm lý và dẫn đến hậu quả không tốt. Thay vào đó chúng ta nên chủ động hướng dẫn để tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra với trẻ. Hơn nữa, việc chúng ta giúp trẻ nhỏ phát triển sở thích sẽ khiến chúng thấy hứng thú hơn. Điều này sẽ tác động tích cực vào tình cảm giữa con cháu và bố mẹ. Và biết đâu được, một ngày nào đó, chúng sẽ trở thành một trong những game thủ nổi tiếng trên thế giới được nhiều người biết và ngưỡng mộ. Như cái cách mà những Dendi (DOTA 2), Faker (Liên Minh Huyền Thoại),… đã làm được.