- Theo Trí Thức Trẻ | 23/06/2022 04:09 PM
Metaverse được coi là phiên bản vật lý của Internet, nơi mọi người tương tác thông qua hình đại diện và công nghệ thực tế ảo đang được các hãng công nghệ và nhiều chuyên gia trong ngành ca ngợi là tương lai của công việc, các cuộc họp… Khái niệm về metaverse được biết đến nhiều hơn kể từ khi Facebook được đổi tên thành Meta vào năm 2021.
Mới đây, một thử nghiệm đã được tiến hành để đánh giá tác động của quá trình làm việc trong thế giới ảo trong thời gian dài và điều này khác với làm việc trong môi trường vật lý như thế nào.
18 nhân viên của một trường đại học đã tham gia thử nghiệm. Họ đã đăng nhập vào metaverse và dành cả năm ngày làm việc trong tuần trong một văn phòng thực tế ảo được tái tạo lại. Thời gian làm việc mỗi ngày kéo dài 8 giờ một ngày, với 45 phút nghỉ trưa. Hết giờ làm việc, những người tham gia có thể dành thời gian cho thế giới thực.
Những người tham gia có thể tự do kiểm soát ngày làm việc của mình chứ không được giao bất kỳ nhiệm vụ nào cả. Tất cả người tham gia đều được cung cấp các thiết bị giống hệt nhau.
Chỉ sau vài giờ, 2 trong số 18 người tham gia đã gặp phải tình trạng buồn nôn do một tác dụng phụ phổ biến của trải nghiệm thực tế ảo, lo lắng và đau nửa đầu nguyên nhân một phần là do trọng lượng của tai nghe Oculus Quest 2 khá nặng.
Số còn tiếp tục thử nghiệm trong những ngày tiếp theo. Kết quả những người này cho biết mức độ thất vọng của họ tăng trung bình 42%, việc mỏi mắt tăng 48%, mức độ hạnh phúc bị giảm 20% vào giữa tuần so với môi trường làm việc thực tế.
Những người tham gia chia sẻ thêm rằng, họ cảm thấy trải nghiệm dần kém hiệu quả hơn, điển hình là việc tiến hành ghi chú khi ở trong thực tế ảo là điều khá khó khăn.
Tóm lại là kết quả của thử nghiệm này cho thấy metaverse vẫn còn một khoảng cách xa so với thực tế.
Các nhà nghiên cứu cho biết, nhiều vấn đề có thể biến mất khi công nghệ được cải tiến và mọi người quen với việc sử dụng công nghệ này.
Báo cáo cũng lưu ý rằng kết quả của nghiên cứu tương đối nhỏ, bởi nó phụ thuộc vào kinh nghiệm chủ quan của từng cá nhân khi tham gia thử nghiệm.
(Tham khảo QTM).