Thành bại của nước Thục và thế cục của Tam Quốc hóa ra đến từ 3 nguyên nhân cốt lõi này

Tiến Zeus  - Theo Helino | 16/03/2019 05:00 PM

Thục Hán của Lưu Bị là một thế lực rộng lớn và mạnh mẽ ở cuối thời Tam quốc. Trong giai đoạn loạn thế kéo dài gần trăm năm này, nước Thục đã trải qua rất nhiều thăng trầm. Tuy nhiên, duy chỉ có 3 sự kiện dưới đây được cho là ảnh hưởng nhiều nhất đến thành bại của Thục Hán nói riêng và cả thế cục của Tam quốc nói chung.

Lời từ biệt của Từ Thứ

Thành bại của nước Thục và thế cục của Tam Quốc hóa ra đến từ 3 nguyên nhân cốt lõi này - Ảnh 1.

Từ Thứ có tên tự là Nguyên Trực, người quận Dĩnh Xuyên. Thời trẻ, ông thích học đánh kiếm. Khoảng những năm 190-193, Từ Thứ cùng bạn là Thạch Thao, (tức Thạch Quảng Nguyên) đi về phía nam đến Kinh Châu, kết bạn với Gia Cát Lượng và Bàng Thống. Ông là mưu sĩ của Lưu Bị, lúc đó còn đang nương nhờ Kinh châu của Lưu Biểu.

Là một người tinh tường binh pháp, ông đã hiến kế giúp Lưu Bị đánh phá được trận của Tào Nhân. Tào Tháo lúc bấy giờ ghen tức với Lưu Bị vì có được một nhân tài kiệt xuất, bèn lập kế kéo Nguyên Trực về phe mình. Trong một lần công thành, Tào Tháo đã bắt được mẹ của Từ Thứ. Ông liền nhờ bà ấy viết thư chiêu dụ con trai về tay mình. Do bản tính trọng hiếu đạo, Từ Thứ sau đó đã từ biệt Lưu Bị mà quay về đầu quân họ Tào (Trong "Tam quốc diễn nghĩa", La Quán Trung nói rằng Từ Thứ hứa với Lưu Bị khi cứu được mẹ thề sẽ không hiến bất cứ kế nào cho họ Tào nữa).

Khi từ biệt Lưu Bị, đi được một quãng đường, Từ Thứ lại không quên quay về và đề cử cho Lưu Bị một nhân tài và cũng là bạn của ông, Gia Cát Lượng. Có thể nói, tuy rằng chia tay, nhưng Từ Thứ đã để lại cho Lưu Bị một cơ hội lớn, một quân sư, một nhân tài kiệt xuất mà sau này chính y là người đảm đương trọng trách gánh vác nước Thục. Nhờ đó chúng ta có điển tích "Tam cố thảo lư" nổi tiếng.

Cái chết của Bàng Thống tạo tiền đề thành lập nên nhà Thục

Thành bại của nước Thục và thế cục của Tam Quốc hóa ra đến từ 3 nguyên nhân cốt lõi này - Ảnh 2.

Bàng Thống, (178-214 đoản mệnh 36 tuổi), tự là Sĩ Nguyên, hiệu là Phượng Sồ là mưu sĩ của Lưu Bị thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Ông thường được người đời sau so sánh là tài năng ngang với Khổng Minh, người sống cùng thời với ông.

Sau trận Xích Bích, do không được Đông Ngô trọng dụng, ông đã sang đầu quân cho Lưu Bị. Bấy giờ, Lưu Bị vẫn chưa có được một chỗ để "an cư". Cả ông và Gia Cát Lượng đều dòm ngó vùng đất Tây Xuyên của Lưu Chương. Đó là nơi trọng yếu trong chiến lược Long Trung đối sách của quân sư họ Gia Cát. Tuy nhiên, vì mang tiếng trung nghĩa, Lưu Bị không thể vô cớ mà đem quân sang đánh Lưu Chương, vì cả 2 người đều mang dòng dõi Hán thất. Hơn nữa, nếu vô cớ đánh chiếm Tây Xuyên, Lưu Bị sợ sẽ không được long dân. Thấu hiểu tâm tư của chủ công, Bàng Thống bèn lập ra mưu kế khiến Lưu Chương phục kích mình ở gò Lạc Phượng. Ông đã hi sinh thân mình và không quên dặn dò Lưu Bị hãy lấy cớ trả thù cho mình mà đem quân đánh Lưu Chương. Không lâu sau khi chiếm được vùng đất Tây Xuyên, Lưu Bị quyết định lên ngôi xưng đế, lập nên nhà Thục.

Có thể nói, tuy khoảng thời gian phục vụ nước Thục không lâu như đồng hữu Gia Cát Lượng, nhưng ông có công rất lớn trong việc dựng nước. Ông là người tạo tiền đề cho sự hưng thịnh của nước Thục sau này.

Quan Vũ bị chém để lại hậu quả nặng nề cho nước Thục

Thành bại của nước Thục và thế cục của Tam Quốc hóa ra đến từ 3 nguyên nhân cốt lõi này - Ảnh 3.

Quan Vũ là một trong những vị tướng oai hùng nhất thời Tam quốc. Sinh thời, ông dường như không có đối thủ. Phải dựa vào mưu trí hơn người của Lữ Mông và sự giúp sức của Lục Tốn, thêm vào đó sự tự cao khinh địch của chính mình đã khiến Quan Vũ phải bỏ mạng nơi chiến trường. Lúc bấy giờ, Quan Vũ đang đảm đương trọng trách trấn giữ một huyện Kinh châu quan trọng. Cái chết của Quan Vũ khiến người đại ca Lưu Bị nổi cơn lôi đình.

Để báo thù cho vị nhị đệ của mình, Lưu Bị quyết tâm đem quân sang đánh Đông Ngô, mặc cho Triệu Vân và Gia Cát Lượng đã hết long can ngăn. Quyết định này của Lưu Bị đã để lại hai hậu quả nặng nề khiến nước Thục diệt vong không lâu sau đó. Thứ nhất, bấy giờ cả ba nước Ngụy – Thục – Ngô đang giữ thế giằng co, không ai dám tiến công trước vì sợ bên còn lại sẽ chơi trò "ngư ông đắc lợi". Gia Cát Lượng từng nói rằng muốn lập nên cơ đồ thì trước tiên phải giữ hòa khí với Đông Ngô và cùng nhau chống lại thế lực Tào Ngụy hùng mạnh phương Bắc.

Việc Lưu Bị mang quân sang đánh Đông Ngô đã khiến cho Tôn Quyền khiếp sợ, vội sai sứ sang xưng thần với Tào Ngụy. Điều này không những khiến liên minh Tôn – Lưu sụp đổ, mà nó còn khiến cho Ngụy Quốc thêm phần tự tin. Qua đó, việc Tào Ngụy thảo phạt hai nước còn lại chỉ là vấn đề thời gian. Thứ hai, Lưu Bị mang quân sang Đông Ngô với một tâm thế cực kỳ bất ổn. Khi đi đánh Đông Ngô, có thể nói, ngoài binh lính ra ông chỉ mang theo mình một cơn thịnh nộ mất kiểm soát. Việc ông bỏ qua lời can gián của Khổng Minh và Triệu vân lại sai càng thêm sai. Do đó, kết quả thất bại nặng nề là điều không tránh khỏi.

Lưu Bị do uất ức và cảm thấy hối hận quá độ nên sau đó đã lâm bệnh nặng mà qua đời ở thành Bạch Đế. Để lại cho nước Thục một vị vua thiếu sự anh minh và sáng suốt. Thục Hán sau thất bại Di Lăng đó đã tổn thất nặng nề cả về kinh tế lẫn quân sự. Điều này làm Gia Cát Lượng phải tốn thêm gần chục năm nữa để khôi phục lại sự ổn định của đất nước. Tất cả những chuyện này âu cũng là bắt nguồn từ sự kiêu ngạo của Quan Vũ mà ra.