- Theo Trí thức trẻ / Helino | 21/12/2019 05:00 PM
Năm 221, Lưu Bị phát động cuộc chiến tranh tiến đánh Đông Ngô. Thế nhưng chỉ một năm sau đó, kết cục của trận đại chiến này đã ngã ngũ khi Thục Hán nhận lại thất bại nặng nề ở Di Lăng.
Tuy nhiên thực tế ngay cả khi đã dành chiến thắng trước đối thủ này, quân chủ Đông Ngô là Tôn Quyền chẳng những không nhân cơ hội đó để thâu tóm Thục Hán mà còn chủ động giảng hòa.
Có ý kiến cho rằng, trong thời đại quần hùng tranh bá, cá lớn nuốt cá bé như giai đoạn Tam Quốc, một vị quân chủ tham vọng như Tôn Quyền có lẽ từ lâu đã có dã tâm thôn tính thế lực của Lưu Bị.
Vậy liệu rằng đâu là lý do khiến ông từ bỏ cơ hội ngàn năm có một vào năm ấy?
Theo quan điểm của chuyên trang phân tích lịch sử Qulishi (Trung Quốc), việc Tôn Quyền phải "cắn răng" buông tha cho miếng mồi béo bở là Thục Hán xuất phát từ hai nguyên nhân chủ chốt dưới đây.
Nguyên nhân thứ nhất: Thục Hán dù bại trận nhưng vẫn còn đủ thực lực phòng thủ
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Đầu tiên, cần khẳng định rằng thế lực của Lưu Bị mặc dù thảm bại ở Di Lăng nhưng vẫn có đủ năng lực để phòng thủ ở Tây Xuyên. Vì vậy Tôn Quyền muốn thôn tính tập đoàn chính trị này vốn không phải là chuyện dễ dàng.
Trong trận đại chiến tại Di Lăng, Lưu Bị thực tế đã tổn thất hàng vạn binh mã, thậm chí còn mất đi nhiều văn thần, mãnh tướng như Mã Lương, Phùng Tập, Trương Nam… Thế nhưng Thục Hán khi ấy chẳng qua chỉ là mất đi năng lực tấn công chứ vẫn còn đủ thực lực để trụ lại trên võ đài lịch sử.
Bởi lẽ vào thời điểm bấy giờ, dưới trướng Lưu Bị vẫn còn hàng loạt các nhân vật không thể xem thường, tiêu biểu là Gia Cát Lượng, Triệu Vân, Ngụy Diên, Mã Đại… Hơn nữa đội quân tinh nhuệ trú đóng tại Vĩnh An vẫn còn đó, nên Thục Hán vẫn có đủ khả năng trấn giữ cửa vào Tây Xuyên.
Bên cạnh những nhân vật đáng gờm nói trên, đội quân trấn thủ Tây Xuyên của tập đoàn chính trị này cũng nổi tiếng lợi hại.
Sau này ở vào thời điểm Thục Hán sắp diệt vong, người thủ thành Vĩnh An khi ấy là La Hiến chỉ dùng mấy ngàn tinh binh liền có thể kìm chân đại quân hàng chục ngàn binh mã của tướng Đông Ngô là Lục Kháng suốt hơn nửa năm dài.
Huống chi vào thời điểm vừa mới bại trận ở Di Lăng, "linh hồn" của Thục Hán là Lưu Bị cùng với các trợ thủ đắc lực như Gia Cát Lượng, Triệu Vân, Ngụy Diên... vẫn còn đó.
Vì thế dù cho Tôn Quyền muốn thừa thắng mà nuốt chửng miếng mồi ngon này cũng không phải chuyện muốn là có thể làm được.
Nguyên nhân thứ hai: Đông Ngô vẫn cần đề cao cảnh giác với Tào Ngụy
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Xuất phát từ lý do dễ nhận thấy nói trên, Tôn Quyền ngay sau khi hay tin Lưu Bị lui về thành Bạch Đế đã vội vàng phái sứ giá tới cầu hòa.
Vị quân chủ khôn ngoan của Đông Ngô khi ấy hiểu rõ hơn ai hết một sự thật: Chiến thắng tại Di Lăng đã giúp ông giải trừ mối uy hiếp đến từ Thục Hán, thế nhưng tiếp tục đối kháng với Lưu Bị lại không phải là quyết định sáng suất.
Bởi lẽ, Tôn Quyền cũng như Đông Ngô ở vào thời điểm ấy càng cần cảnh giác hơn cả với đối thủ lớn mạnh nhất và nguy hiểm nhất. Đó chính là tập đoàn chính trị Tào Ngụy.
Bấy giờ, Tào Ngụy ở phương Bắc từ sớm đã theo dõi nhất cử nhất động của Thục – Ngô, mục đích là chỉ chờ hai thế lực này lưỡng bãi câu thương để nhúng tay vào thu lợi.
Tôn Quyền vì vậy càng coi trọng việc đề phòng Tào Ngụy đánh lén hơn là thừa thắng tiêu diệt Thục Hán.
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Hơn nữa trước trận chiến Di Lăng, thế chân vạc của cục diện Tam Quốc về cơ bản đã hình thành. Trong đó, Tào Ngụy là thế lực cường đại nhất. Vì thế cả Đông Ngô và Thục Hán nếu muốn trụ lại trên võ đài lịch sử thì chỉ có con đường duy nhất là liên minh kháng Tào.
Điểm đáng nói hơn còn nằm ở chỗ, Tào Ngụy đã xem Đông Ngô là mục tiêu tấn công chủ chốt.
Thực tế lịch sử đã chứng minh, năm xưa khi vừa mới xưng đế, Tào Phi liền đem binh đánh dẹp Tôn Quyền. Vị quân chủ này khi ấy thức thời lấy lui làm tiến, xưng thần cầu hòa, nhờ vậy mới có thể tạm thời ổn định mối quan hệ với đối thủ.
Chưa dừng lại ở đó, vào thời điểm diễn ra trận Di Lăng, Tào Phi đã từng đưa đề cập yêu cầu để Tôn Quyền đưa con trai tới Lạc Dương làm con tin, đồng thời cũng điều động binh mã tập trung dọc bên bờ Trường An để bình tĩnh xem thế cục.
Do đó, việc Tôn Quyền một mực lo lắng đề phòng Tào Ngụy cũng không phải là không có lý do. Vì vậy nên ngay sau khi giành chiến thắng tại Di Lăng, ông đã vội vã thu quân và tức tốc điều động binh mã về Trường Giang để đối phó.
Thiết nghĩ nếu như lúc đó Tôn Quyền thừa thắng tiếp tục đánh chiếm Thục Hán, như vậy Tào Phi chắc chắn sẽ đánh lén Đông Ngô.
Nếu tình thế diễn ra theo chiều hướng này, tập đoàn chính trị của Tôn Quyền sẽ rơi vào cảnh hai đầu chiến tuyến đều là địch, cục diện vô cùng bất lợi, hậu quả càng khó có thể tưởng tượng nổi.
Vì vậy có thể nói, việc Tôn Quyền chủ động cầu hòa cùng Thục Hán ngay cả khi đã giành chiến thắng ở trận Di Lăng chung quy vẫn là một quyết định hết sức thức thời và sáng suốt.
*Theo quan điểm của Qulishi