Thảm kịch kinh hoàng làm đứa trẻ Việt Nam thiệt mạng ở trường quay Hollywood, phẫn nộ đỉnh điểm là cách xử lý và cái kết của cả đoàn phim

HIEUTHUBA  Trí thức trẻ | 20/07/2021 10:46 AM

Tai nạn máy bay dã man đã cướp đi sinh mạng của 3 diễn viên trên trường quay bộ phim này, bao gồm 1 đứa trẻ Việt Nam.

Vào ngày 23/7/1982, một chiếc máy bay trực thăng đã gặp vấn đề và rơi xuống đất trong quá trình thực hiện bộ phim kinh dị viễn tưởng Twilight Zone: The Movie. Thảm kịch kinh hoàng này đã khiến 6 người trên trực thăng bị thương và cướp đi sinh mệnh của 3 diễn viên trên mặt đất. Trong 3 diễn viên đó có 2 trẻ em là Myca Dinh Le người Việt Nam và Renee Shin-Yi Chen người Trung Quốc. Vụ tai nạn này sau đó đã dẫn tới vụ kiện kéo dài đằng đẵng hàng năm trời, tuy nhiên kết cục lại khiến nhiều người không khỏi bức xúc.

Thảm kịch kinh hoàng làm đứa trẻ Việt Nam thiệt mạng ở trường quay Hollywood, phẫn nộ đỉnh điểm là cách xử lý và cái kết của cả đoàn phim - Ảnh 1.

Trong cảnh phim gây tai nạn, nhân vật Bill Connor (diễn viên Vic Morrow) được đưa về quá khứ về giữa chiến tranh Việt Nam. Lúc này, ông biến thành một người đàn ông Việt Nam đang bảo vệ 2 đứa trẻ nhỏ khỏi quân lính Mỹ.

Đạo diễn John Landis đã vi phạm luật lao động trẻ em của bang California khi thuê Myca Dinh Le 7 tuổi và Renee Shin-Yi Chen 6 tuổi để tham gia bộ phim mà không có giấy phép. Đạo diễn John Landis biết được rằng việc xin giấy phép sẽ rất khó khăn vì có cảnh quay với chất gây nổ nên đã thuê lậu 2 diễn viên nhí. Người tuyển chọn 2 bé cũng không hề biết được rằng diễn viên nhí sẽ phải tiếp xúc gần với chất cháy nổ hay máy bay trực thăng. Đồng thời, theo luật lao động thì trẻ em cũng không được phép bị bắt làm việc vào ban đêm - một điều nữa mà đoàn làm phim Twilight Zone vi phạm.

Thảm kịch kinh hoàng làm đứa trẻ Việt Nam thiệt mạng ở trường quay Hollywood, phẫn nộ đỉnh điểm là cách xử lý và cái kết của cả đoàn phim - Ảnh 2.

Cảnh phim định mệnh được quay tại Indian Dunes ở California. Trong cảnh này, nhân vật của diễn viên Vic Murrow đang bế 2 đứa trẻ ra khỏi một ngôi làng bị bỏ không và đi qua một con sông nông nước, đằng sau bị đuổi theo bởi các lính Mỹ và có trực thăng bay trên đầu. Chiếc trực thăng được lái bởi cựu lính Mỹ từng chiến đấu tại Việt Nam - Dorcey Wingo.

Thảm kịch kinh hoàng làm đứa trẻ Việt Nam thiệt mạng ở trường quay Hollywood, phẫn nộ đỉnh điểm là cách xử lý và cái kết của cả đoàn phim - Ảnh 3.

Trong quá trình quay phim, Dorcey Wingo đã điều khiển để trực thăng bay cách mặt đất khoảng 7,6 mét, lơ lửng gần một kíp nổ lớn. Khi quay chiếc trực thăng 180 độ cho cảnh tiếp theo, kíp nổ đã bị kích hoạt trong khi cánh quạt đuôi của máy bay vẫn ở phía trên. Vụ nổ khiến cánh quạt bị hỏng và tách ra khỏi đuôi, còn chiếc trực thăng bay thấp mất kiểm soát.

Cùng lúc đó, Vic Morrow thả Renee Shin-Yi Chen xuống nước. Nam diễn viên đang đưa tay ra để đỡ lấy cô bé thì chiếc trực thăng rơi trúng đầu anh và hai đứa trẻ. Hậu quả đầy đau đớn là Vic Morrow cùng với Myca Dinh Le bị chém đứt lìa cổ bởi cánh quạt của máy bay trực thăng, trong khi cô bé Renee Shin-Yi Chen thì bị máy bay đè chết.

Thảm kịch kinh hoàng làm đứa trẻ Việt Nam thiệt mạng ở trường quay Hollywood, phẫn nộ đỉnh điểm là cách xử lý và cái kết của cả đoàn phim - Ảnh 4.

Tại phiên tòa, người bào chữa cho rằng kíp nổ đã bị kích hoạt không đúng thời điểm. Có nhân chứng nói với tòa rằng giám đốc sản xuất Dan Allingham đã nói với Dorcey Wingo rằng hãy bay ra khỏi đó khi kíp nổ bị kích hoạt, tuy nhiên đạo diễn John Landis lại hét lên qua radio, yêu cầu máy bay hạ xuống thấp hơn nữa. Sau đó, máy bay trực thăng mất kiểm soát.

Một nhân viên quay phim tên Stephen Lydecker cũng làm chứng rằng John Landis trước đó đã "nhún vai" trước các cảnh báo về tai nạn này, thậm chí còn có vẻ đùa cợt rằng mất trực thăng thì cũng không sao.

Vụ tai nạn này dẫn đến các vụ kiện dân sự và hình sự chống lại các thành viên trong ekip làm phim, kéo dài suốt một thập kỷ. Bố của Myca Dinh Le - ông Daniel Lee đã làm chứng rằng ông nghe thấy đạo diễn John Landis yêu cầu máy bay trực thăng phải bay xuống thấp hơn nữa khi vụ nổ diễn ra. Cả 4 vị phụ huynh của 2 em nhỏ đều làm chứng rằng họ không hề được nói trước về việc sẽ có cháy nổ hay trực thăng tại trường quay.

Thảm kịch kinh hoàng làm đứa trẻ Việt Nam thiệt mạng ở trường quay Hollywood, phẫn nộ đỉnh điểm là cách xử lý và cái kết của cả đoàn phim - Ảnh 5.

Đạo diễn John Landis chia sẻ vào năm 1996: "Tôi nghĩ về thảm kịch ấy mỗi ngày. Nó có ảnh hưởng rất lớn tới sự nghiệp của tôi"

Mặc dù nhiều bằng chứng đều hướng đến sự tắc trách của đạo diễn John Landis, điều khiến công chúng tức giận chính là việc không ai bị kết án hay phải chịu trách nhiệm về cái chết của các diễn viên do tai nạn này. Đạo diễn John Landis, Dorcey Wingo và một vài người khác đã bị xét xử và tuyên trắng án vì tội ngộ sát trong một phiên tòa kéo dài 9 tháng vào năm 1986 và 1987. Gia đình của 2 đứa trẻ được bồi thường hàng triệu USD vì tai nạn này.

Nguồn ảnh: Tổng hợp