- Theo Helino | 28/01/2019 04:00 PM
Trấn Nguyên Tử là ai?
Theo Đạo giáo Trung Hoa, Trấn Nguyên Tử hay Trấn Nguyên Đại Tiên là một trong ba vị đại tiên của Địa Liệt Tam Tôn. Ngài cũng được xem là ông tổ của dòng địa tiên, tức các vị tiên đã tu hành, đạt được quả vị nhưng ngụ ở mặt đất chứ không lên trời. Với thân thế như vậy, Trấn Nguyên Tử là một vị chân nhân đạo gia có đạo hạnh thâm sâu, địa vị không nhỏ.
Kiếp nạn của thầy trò Đường Tăng tại Ngũ Quán Trang
Đây là kiếp nạn tốn khá nhiều giấy mực trong tiểu thuyết gốc, tác giả Ngô Thừa Ân đã phải dành đến 3 hồi (từ hồi thứ 24 đến hồi thứ 26) để nói về kiếp nạn này.
Câu chuyện bắt đầu khi 5 thầy trò Đường Tăng đến đất Tây Ngưu Hạ Châu và nghỉ lại ở Ngũ Quán Trang trên núi Vạn Thọ của Trấn Nguyên đại tiên. Nơi này có một cây tiên rất quý, được sinh ra từ thời càn khôn còn hỗn độn, mịt mờ, được gọi là "Vạn Thọ thảo hoàn đơn" hay "quả nhân sâm."
Vì nghe lời Trư Bát Giới xúi bẩy nên Tôn Ngộ Không đã ăn trộm quả nhân sâm, rồi đánh đổ cây quý khiến Trấn Nguyên đại tiên nổi giận. Sau khi giao chiến, vận đủ tài phép mà vẫn không thắng được vị đại tiên, Tôn Ngộ Không đành đi khắp trên trời dưới đất để cầu cứu các tiên nhân khác ra tay cứu sống lại cây nhân sâm đã bị đánh đổ lúc trước. Nhưng không ai đủ phép thuật để giúp nên Tôn Ngộ Không đành tìm đến Quan Âm liền bị quở trách:
"Cái con khỉ này, không biết phải trái, cây nhân sâm đó là cây thiêng từ thuở khai thiên lập địa; Trấn Nguyên Tử lại là tổ địa tiên, đến ta cũng phải nhân nhượng 3 phần"
Chữ "nhượng" này rất dễ hiểu nhầm, rất nhiều người lý giải thành "ta cũng phải sợ ông ta 3 phần" và đi đến kết luận rằng vị đại tiên Trấn Nguyên này có sức mạnh ngang hàng với Phật Tổ Như Lai, vì chỉ thế mới đủ khiến Quan Âm "nhượng 3 phần".
Tuy nhiên, đây là một hiểu lầm nghiêm trọng, chữ "nhượng" này nên được hiểu theo nghĩa "tôn trọng" thay vì "sợ". Ngụ ý rằng Quan Âm khiêm tốn, tự nhận mình nể trọng đại tiên. Bởi nếu đọc kỹ hơn nguyên tác, khi Quan Âm đến Ngũ Quán Trang, Trấn Nguyên đại tiên không những đích thân đón tiếp mà còn khom lưng cúi chào mà nói: "Công việc của tiểu khả, đâu dám phiền lão bồ tát hạ giáng".
Đây hoàn toàn là lễ tiết của kẻ dưới với người trên. Từ đó có thể suy ra rằng, trên thực tế Trấn Nguyên đại tiên có sức mạnh không sánh bằng được với Quan Âm. Hơn nữa, Quan Âm lại là đệ tử của Phật Tổ Như Lai, như vậy đủ để thấy sức mạnh của Trấn Nguyên đại tiên còn kém hơn Phật Tổ Như Lai vài phần.