Thế giới trẻ | 03/09/2019 04:03 PM
Trong Tây Du Ký, Đường Tăng phải trải qua 81 kiếp nạn, mới lấy được chân kinh và tu thành chính quả. Những kiếp nạn đó phần nhiều là bị yêu quái rình rập ăn thịt. Lũ yêu ma đều cho rằng nếu ăn thịt được Đường Tăng thì sẽ trường sinh bất lão.
Nhưng có một điều kỳ lạ là dù bắt được Đường Tăng, song chúng lại không ăn thịt luôn, mà phải đưa "con mồi" về động, tắm rửa sạch sẽ rồi mới nghĩ cách làm thịt. Kết cục, yêu quái không những không thực hiện được ý đồ mà còn bị Tôn Ngộ Không đánh cho tơi bời.
Đường Tăng dù nhiều lần bị yêu quái bắt được nhưng vẫn thoát nạn một cách thần kỳ.
Vậy tại sao lũ yêu lại phải "mất công" đến vậy để ăn thịt Đường Tăng? Chẳng phải chúng là những kẻ thích ăn tươi nuốt sống hay sao? Dưới đây là một số lý giải thú vị cho câu hỏi này.
Yêu quái phải nghĩ cách để phân chia báu vật "trường sinh bất lão"
Đường Tăng kiếp trước vốn là Kim Thiền Tử, đệ tử của Phật Tổ Như Lai. Do ngủ gật trong giờ giảng kinh nên ông bị phạt đày xuống trần gian tu 10 kiếp. Do thân phận đặc biệt của Đường Tăng, nên lũ yêu quái truyền tai nhau rằng ăn thịt ông sẽ trường sinh bất lão.
Vì là báu vật "trường sinh bất lão", nên Đường Tăng là món mồi bị rất nhiều yêu quái dòm ngó thèm thuồng. Do đó, khi một con yêu quái nào đó bắt được ông, chúng không thể chiếm lấy một mình, mà phải phân chia cho đồng bọn nếu muốn sống an ổn.
Việc phân chia này không hề dễ dàng, bởi chúng còn có thân thích, bạn bè, cấp trên, cấp dưới... Ví dụ như khi bắt được Đường Tăng, Hồng Hài Nhi sai người chờ cha mẹ là Ngưu Ma Vương và Thiến Phiến công chúa đến cùng thưởng thức; hay hai tên yêu quái Kim Giác và Ngân Giác phải đi mời mẹ nuôi... Ai trong số đó cũng phải chia phần cho thỏa đáng, nên cần nhiều thời gian suy nghĩ.
Ngoài ra, nếu ăn thịt được Đường Tăng và trường sinh bất lão, thì yêu quái rất có thể sẽ trở thành "đối tượng tiếp theo" bị những kẻ khác rình rập ăn thịt. Vì thế, chúng phải suy xét thiệt hơn xem liệu có nên "mạo hiểm" như vậy hay không?
Nhờ đó, Tôn Ngộ Không có thời gian để cứu được sư phụ và trừng trị yêu quái, khiến chúng không thể thực hiện ý đồ dù đã tiến tới bước cuối cùng.
Yêu quái phải chờ động tĩnh từ Thiên đình và Tây thiên mới dám ăn thịt Đường Tăng
Khi đã luyện thành tinh, yêu quái hẳn chẳng phải kẻ ngu ngốc. Chúng thừa hiểu Đường Tăng không phải người bình thường, mà có thân thế rất đặc biệt. Thế nên khi bắt được ông, chúng cũng phải chờ phản ứng của Tây Thiên và Thiên đình mới dám ăn thịt.
Nếu bề trên không có động tĩnh gì thì yêu quái mới có thể an tâm thưởng thức "con mồi". Còn một khi Tây Thiên và Thiên đình nổi giận, chúng bắt buộc phải thả Đường Tăng thì mới bảo toàn được tính mạng.
Yêu quái chỉ là "màn kịch" do trời phật sắp đặt
Nhiều con yêu quái trong "Tây Du Ký" là vật nuôi của các vị bồ tát, thần tiên. Nhân lúc chủ nhân không để ý, chúng trốn xuống hạ giới tác quai tác quái. Khi biết ăn thịt Đường Tăng sẽ trường sinh bất lão, chúng liền tìm cách bắt ông.
Nhưng tại sao vật nuôi ở trên trời lại có thế dễ dàng trốn xuống hạ giới được như vậy? Nhân gian rộng lớn là thế tại sao chúng nhất định phải xuất hiện trên đường thỉnh kỉnh của Đường Tăng? Khi bị mất vật nuôi, các vị bồ tát, thần tiên sao không gấp gáp đi tìm?
Nguyên do rất có thể là vì các vị bồ tát, thần tiên cố ý thả chúng xuống nhân gian để khiến con đường thỉnh kinh của Đường Tăng trở nên khó khăn, gian nan hơn. Vì khi phải trải qua nhiều kiếp nạn, Đường Tăng mới thấu hiểu và quý trọng chân kinh.
Những con yêu quái giống như "màn kịch" được trời phật sắp đặt để thử lòng Đường Tăng mà thôi.
Do đó, khi bắt được Đường Tăng, chúng không ăn thịt ông, mà chỉ phụ giúp chủ nhân “diễn kịch”, chờ đợi đến khi được đón về.