Tạp chí game Việt Nam, hồn ở đâu bây giờ?

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 12/05/2016 06:21 PM

Hồi cáo chung của những tờ tạp chí game Việt Nam cuối cùng đã đến vài năm trước khi không thể cạnh tranh được với sự phát triển quá mạnh mẽ của các trang tin game điện tử

Đã từng có thời kỳ, những cậu bé còn học cấp ba như chúng tôi, cứ mỗi tháng lại dành ra vài nghìn lẻ mua tờ tạp chí Thế Giới Game, hồi đó vẫn còn là ấn bản hàng tháng của tạp chí công nghệ máy tính nổi danh tại Việt Nam, Thế Giới Vi Tính (PCWorld).

Xuất hiện từ cuối tháng 11/2003, Thế Giới Game trở thành tạp chí trò chơi điện tử bài bản đầu tiên của người Việt. Gần như ngay lập tức nó nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt từ phía game thủ (thực ra trước đó Game đã là một chuyên mục trong PCWorld nhưng chưa phong phú và tách biệt). Bất chấp giá cả không phải là rẻ so với lúc bấy giờ (7.000 VNĐ) nhưng cứ đến ngày 25 hàng tháng là cư dân mạng lại tấp nập tới sạp báo "săn hàng".


Đây là gia tài theo nghĩa đen của chúng tôi một thời.

Đây là "gia tài" theo nghĩa đen của chúng tôi một thời.

"Hàng tháng mình chỉ chờ đến ngày phát hành TGG để ra hiệu sách mua báo về, đôi khi báo về trễ vài ngày nhưng cứ mua được là quên hết mọi thứ phiền toái... Mình coi TGG như một người bạn thân thiết, mỗi khi ngồi rỗi là lại đem ra đọc, cứ nhìn thấy thùng báo cũ là bao nhiêu kỉ niệm tuổi học trò tràn về...", một game thủ tâm sự, đây cũng là suy nghĩ của hàng vạn tín đồ ảo khác.

Những ngày đầu tiên khi Võ Lâm Truyền Kỳ về Việt Nam, chính loạt bài giới thiệu trên Thế Giới Game đã góp một phần lớn khiến lượng CCU đăng nhập vô cùng khủng khiếp (năm 2004 chưa có mấy báo mạng nên báo giấy là cách duy nhất để gamer nghe ngóng về game mới). Sau này trong hồi ký của mình, ông Lê Hồng Minh - Tổng GĐ VNG - cũng phải thừa nhận điều này và gửi lời tri ân những người bạn thân thiết tại tòa soạn Bút Trẻ.

Tới năm 2006, tạp chí Việt Game ra đời và trở thành đối thủ trực tiếp của Thế Giới Game. Từ phong cách viết bài cho tới phong cách trình bày khiến nó có được lượng fan hâm mộ có phần còn đông đảo hơn đàn anh đi trước. Khi đó giá một số Việt Game cao hơn nhiều (15.000 VNĐ) nhưng lại dày hơn, nhiều thông tin hơn.

Sau này vài năm, khi các trang tin về game liên tục chào đời, 2 tạp chí trên vẫn có chỗ đứng tương đối vững chắc, nguyên nhân chính là vì các bài review, preview công phu. Hơn thế nữa, nó tạo cảm giác hưng phấn hơn hẳn cho người đọc khi cầm trên tay số báo mà mình vẫn yêu thích nhiều năm qua. "Đến giờ mình vẫn mua báo viết hàng tháng, đơn giản vì khi đọc báo viết, cầm tờ báo nó hay hơn là khi chỉ đọc trên màn hình. Có thể báo mạng update nhanh thông tin, review nhanh hơn báo viết, nhưng mình thích cầm đọc hơn vì thích cái cảm giác sở hữu nó", nhiều thành viên trên diễn đàn chia sẻ.

Cái gì thuộc về xu thế, chẳng sớm thì muộn cũng sẽ xảy ra. Mỗi tháng ra một số, thì làm sao cạnh tranh được nổi với những trang tin điện tử, thông tin mới lên hàng ngày, thậm chí hàng giờ. Mọi chuyển động của thị trường, của làng game đều được cập nhật đến từng chi tiết. Thậm chí với sự đe dọa của các trang tin điện tử, nội dung của Thế Giới Game cũng có nhiều thay đổi về mặt căn bản, giờ đây số lượng các bài nhận xét, đánh giá game giảm xuống thay thế bằng... chuyên mục phim ảnh. Rất nhiều fan hâm mộ tỏ ra tiếc nuối dẫu họ biết rằng chính bản thân tòa soạn báo này cũng không muốn như vậy mà chỉ vì "xu thế chung" mà thôi.

Hồi cáo chung của những tờ tạp chí game Việt Nam cuối cùng đã đến, khi tạp chí Việt Game phải ngừng xuất bản vô thời hạn từ ngày 20/08/2010. Cũng trong thời gian này, Thế Giới Game cũng sống lay lắt và cuối cùng phải tạm biệt độc giả vào mùa xuân năm 2013.

Vậy đâu là lý do?

Việt Nam từ năm 2007 trở đi thì mạng internet đã không còn là thứ gì đó quá xa vời với phần đông giới trẻ, và dĩ nhiên người ta bắt đầu tìm đến báo mạng để được cập nhật tin tức nhanh hơn, dễ hơn, ít tốn kém hơn. Báo mạng có đặc trưng là thông tin được cập nhật liên tục, hình ảnh phong phú chứ không bị bó buộc như tạp chí giấy. Trong khi đó cả Thế Giới Game lẫn Việt Game không có chuyển biến gì lớn trong hướng đi, họ thường vẫn tập trung vào mảng game offline với các bài review, preview đồ sộ để thỏa mãn người đọc trung thành chứ khó mở rộng ra lứa game thủ sau này.

Ngay cả nỗ lực phát triển sang mảng game online cũng rất khó khăn vì từ năm 2011 trở về đây số lượng đầu game ở Việt Nam tuy nhiều nhưng chất lượng thấp hoặc trung bình, có muốn phân tích hoặc đánh giá sâu cũng không được. Việc bán quảng cáo trên báo lại càng khó khăn vì luật cấm quảng bá cho MMO chưa có giấy phép, đó là chưa kể nhiều yếu tố bị coi là bạo lực nên buộc phải giới hạn tối đa (Việt Game đóng cửa cũng vì vậy).

Đây không phải tình trạng riêng ở Việt Nam. Rất nhiều ấn bản giấy từng rất nổi danh ở thị trường nước ngoài như EGM, hay Nintendo Gamer cũng phải dừng bước trong cùng khoảng thời gian này, một phần cũng "nhờ công lớn" của các trang tin game thời kỳ internet bùng nổ. Một phần văn hóa mà chúng tôi, cũng như các bạn từng được trải nghiệm cũng từ đó mà biến mất mãi mãi, chỉ còn lại những kỷ niệm, những trang tạp chí cũ sờn bìa gáy được xếp ở một góc, tuy khong phải lúc nào cũng được lôi ra nhưng vẫn sẽ là một trong những thứ được tri ân nhất trong cuộc đời mỗi game thủ.

"Những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ?..."