- Theo Helino | 07/02/2018 12:59 PM
(Bài viết có tiết lộ nội dung phim, cần cân nhắc trước khi đọc)
Trong danh sách những tựa phim được đề cử trong mùa Oscar 2018, The Shape of Water nổi lên như một “viên ngọc thô” với nhiều sắc cạnh kỳ bí khiến tín đồ điện ảnh phải mê mẩn. Không chỉ là một chuyện tình “vượt mọi rào cản” thuần túy, tác phẩm còn được đạo diễn Guillermo del Toro cùng tổ biên kịch khéo léo cài cắm nhiều yếu tố lịch sử, chính trị, điển tích hấp dẫn.
1. Người cá đến từ đâu?
Trong The Shape of Water, ranh giới giữa yếu tố thực tế và sự kỳ ảo gần như bị xóa nhòa. Phim được đặt trong một mốc thời gian có thực trong lịch sử - Cuộc Chiến tranh Lạnh, song sự góp mặt của một sinh vật nửa người nửa cá lại là một tình tiết tưởng chỉ xuất hiện trong chuyện cổ tích.
Phim giải thích rằng Đại tá Richard Strickland (Michael Shannon) tìm thấy Người cá tại vùng sông Amazon, Nam Mỹ. Tại đây, với quyền năng trị thương của mình, Người cá được các bộ lạc tôn kính như thần thánh.
Đồng thời, xuyên suốt phim, chính Strickland cũng trích dẫn nhiều điển tích Kinh Thánh, với thái độ ngạo mạn rằng dẫu có là “thần” thì cũng phải khuất phục trước người Mỹ. Có thể thấy rõ rằng Guillermo del Toro đặt ra hai lối suy nghĩ, và cho phép khán giả lựa chọn lối suy nghĩ nào mà họ cho rằng phù hợp nhất: Thứ nhất, Người cá chỉ đơn thuần là một sinh vật biển đến bây giờ mới được phát hiện. Hoặc, bản thân Người cá chính là Thủy thần, một thực thể cổ xưa có quyền uy chi phối mặt nước.
Hoặc đối với các fan của hai phần phim điện ảnh Hellboy cũng do Del Toro làm đạo diễn, Người cá chính là Abe Sabien, người cộng sự luôn hỗ trợ “chàng quỷ” Hellboy. Tính đến việc mốc thời gian của Hellboy diễn ra vài chục năm sau sự kiện của The Shape of Water, cũng như việc Người cá không ngừng học hỏi tri thức của nhân loại, giả thuyết này hoàn toàn hợp lý. Chưa kể, việc Người cá gọi nữ chính là “Công chúa câm” cũng gợi nhắc phần nào mối tình buồn giữa Abe và nàng công chúa Tiên tộc trong Hellboy: The Golden Army (2008).
2. Quá khứ của Elisa
Thế nhưng có một nhân vật sở hữu quá khứ còn bí ẩn hơn cả Người cá, chính là “nàng thơ” của chàng - Elisa (Sally Hawkins). Người ta chỉ biết cô như một nữ lao công bị câm, thuần túy và không nổi bật. Song trong cảnh đầu tiên tại phòng tắm, chúng ta thoáng thấy những vết sẹo trên cổ của cô - chi tiết này đến cuối phim cũng không được làm rõ.
Theo lời kể của nhân vật Zelda, Elisa vốn là trẻ mồ côi được tìm thấy tại một bờ sông. Đại tá Strickland cho rằng vết sẹo là kết quả của một vụ tai nạn đã ảnh hưởng đến thanh quản Elisa, khiến cô bị câm. Tuy nhiên, vào cuối phim, chính Người cá đã biến những vết sẹo thành mang, giúp cô có thể thở tự do dưới nước.
Như vậy, phải chăng mối liên kết giữa Elisa và Người cá thần kỳ hơn chúng ta vẫn tưởng? Phải chăng nàng cũng là một sinh vật dưới lòng biển sâu, vì sống ở xã hội con người từ nhỏ nên mất dần hình thể ban đầu của mình? Nếu là tín đồ của những câu chuyện cổ tích, hẳn khán giả sẽ nhận ra rằng câu chuyện của Elisa khá giống nàng tiên cá trong chuyện cổ The Little Mermaid của Hans Christian Andersen: Nàng tiên vì phải lòng hoàng tử, mà chấp nhận hy sinh chiếc đuôi và giọng nói để có thể lên bờ cùng chàng.
Điều này có vẻ hợp lý hơn, khi năng lực mà Người cá phô diễn xuyên suốt phim là khả năng chữa lành vết thương, chứ không phải thay đổi cấu trúc cơ thể người. Có thể chàng chỉ chữa lành vết thương và mang nàng trở lại dáng hình ngày trước, một “dáng hình của nước”.
3. Tình yêu của Guillermo del Toro dành cho điện ảnh
The Shape of Water mang nhiều tri ân đến các tựa phim kinh điển trong thời kỳ hoàng kim của Hollywood, dễ thấy nhất là hai tác phẩm Creature From the Black Lagoon và Beauty and the Beast. Trong Creature From the Black Lagoon, con quái vật biển bị đạn bắn liên tiếp, phải chìm xuống lòng nước sâu và bất lực nhìn cô gái mà hắn có tình cảm bỏ chạy cùng những con người khác. Trong The Shape of Water, Người cá cũng chịu đau đớn tương tự, song anh may mắn hơn khi người phụ nữ anh yêu cũng chìm xuống lòng nước sâu cùng mình.
Thông qua việc này, Del Toro cũng đồng thời “mỉa mai” những công thức thường thấy trong truyện cổ tích. Đối với Beauty and the Beast, tình yêu của Giai nhân đã biến Quái thú trở lại thành người. Theo một chuẩn mực rập khuôn, việc “được biến thành người” luôn là một phép màu, song The Shape of Water đi theo một hướng hoàn toàn ngược lại.
Ở cảnh cuối phim, chính tình yêu của Người cá đã biến Elisa trở thành một giống loài gần gũi với mình hơn. Họ có một tình yêu mới, bền chặt và không còn lệ thuộc vào cái thế giới tàn độc ngoài kia. Đối với Guillermo del Toro, đó mới thực sự là một cái kết của hậu dành cho câu chuyện “Người đẹp và Quái thú” kinh điển.
Đồng thời, Del Toro cũng thể hiện rõ “sự nổi loạn” của mình, khi để quái vật làm người hùng, còn một gã da trắng lại là kẻ phản diện. Trong nhiều điển tích thần thoại cũng như văn học hiện đại, người hùng luôn là con người, trải qua nhiều thử thách để giết quái vật và cứu người đẹp. Song trong câu chuyện của The Shape of Water, con người lại là những kẻ tồi tệ nhất, và chỉ có tình yêu giữa Elisa và Người cá mới thực sự thuần khiết, trong lành.
3. Gợi nhắc điển tích tôn giáo
Xuyên suốt The Shape of Water, Strickland nhiều lần dẫn điển tích về Samson và Delilah trong Kinh thánh. Theo truyền thuyết, Samson là một người hùng có sức mạnh to lớn hơn bất kỳ người trần nào. Chàng phải lòng Delilah, nhưng lại bị chính cô phản bội và tiết lộ bí mật về sức mạnh của Samson cho những kẻ thù của chàng. Trong lúc bị bủa vây, Samson đã cầu xin Thượng đế hãy một lần nữa trả lại sức mạnh cho chàng. Vì lòng căm thù, Samson đã sử dụng quyền năng được ban để giật sập chiếc đền nơi chàng đang đứng, tiêu diệt kẻ thù và cùng mất mạng.
Qua cách nhân vật kể chuyện, người xem nhận rằng đối với Strickland, sự trả thù dẫu phải hy sinh tính mạng bản thân cũng là một hành động cao cả. Và nếu Samson là một người hùng kiểu mẫu, thì tạo hình và tính cách của Strickland cũng chính là đặc tính của những người hùng trong văn học nghệ thuật Mỹ.
Thật mỉa mai, khi số phận của Strickland cũng giống với Samson. Hắn bị lôi cuốn bởi Elisa, và cũng chính cô là kẻ đã phản bội hắn. Hắn có niềm tin mạnh mẽ vào chủ nghĩa anh hùng và vai trò của phái mạnh trong xã hội, nhưng lại quá mù quáng nên đã bị một nữ lao công “dắt mũi”.
Ở cảnh cao trào, Strickland đối mặt với Người cá, chỉ để đau đớn nhận ra thứ mà hắn đối mặt không phải là một kẻ thù tầm thường, mà chính là “thần”. Chính những đức tin đã biến Strickland trở thành một kẻ quyền uy, và cũng chính những đức tin này đã khiến hắn phải trả giá bằng mạng sống của mình.