- Theo Nhịp Sống Việt | 17/03/2020 07:00 PM
Lã Bố hay còn gọi là Lữ Bố tự là Phụng Tiên, là tướng nhà Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc. Người đời biết đến Lã Bố chủ yếu qua tác phẩm Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung. Ông được đánh giá là một trong những vị tướng dũng mãnh nhất trong thời Tam quốc. Ông đã tham gia cuộc chiến quân phiệt cuối thời Đông Hán và cuối cùng bị thất bại và chết dưới tay của Tào Tháo.
Lã Bố được mệnh danh là "Chiến Thần" thời Tam quốc.
Lã Bố trong tay có Phương thiên họa kích, lại sở hữu ngựa quý Xích Thố, từng được mệnh danh là đệ nhất danh tướng thời bấy giờ. Khi nhắc tới võ lực xuất chúng của nhân vật này, dân gian còn từng lưu truyền câu nói: "Nhất Lữ, nhị Triệu, tam Điển Vi, tứ Quan, ngũ Mã, lục Trương Phi", ý nói rằng trong số các dũng tướng nổi tiếng đương thời như Triệu Vân, Điển Vi, Quan Vũ, Mã Siêu hay Trương Phi, thì Lư Bố vẫn được xếp hàng thứ nhất.
Bên cạnh đó, ông còn được miêu tả là "nhân trung Lã Bố, mã trung Xích Thố" (ý nói Người có Lã Bố, ngựa có Xích Thố để tôn vinh 2 cực phẩm nhân gian này).
Ông xuất hiện từ hồi 3 đến hồi 19 trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, Lã Bố được mệnh danh là "Chiến Thần’, được xem là vị tướng dũng mãnh nhất thời Tam quốc, hơn cả các nhân vật Triệu Vân, Quan Vũ, Trương Phi, Hứa Chử, Mã Siêu.
Theo Tam quốc diễn nghĩa, Lã Bố không phải là chưa từng bại trận, nhưng đó là bại về mặt chiến thuật khi hai quân giao chiến, còn đơn đả độc đấu thì chưa từng có ghi nhận thất bại, hai người duy nhất có thể giao chiến với ông mà bất phân thắng bại chỉ có Trương Phi và Hứa Chử.
Tuy nhiên, trong truyền thuyết dân gian lại có nói đến một cao thủ kiếm thuật có thể khiến cho Lã Bố không thể đánh bại, trong khi giao đấu còn đã xuống phong độ, đó chính là Vương Việt.
Vương Việt là một kiếm khách thời kì cuối Đông Hán, những ghi chép về nhân vật này cũng rất ít ỏi, bất luận là trong Tam quốc chí hay Hậu Hán thư đều không nhắc tới cái tên này, ông chỉ xuất hiện duy nhất trong cuốn Điển luận của Tào Phi.
Khoảng thời gian Hán Hiến Đế, Hán Linh Đế tại vị, Hổ Bôn tướng quân Vương Việt vì giỏi kiếm thuật, trong kinh thành, được xưng là Đế sư.
Trong chính sử, võ công của Vương Việt vô cùng cao cường, nhưng ông lại là một người ham danh lợi, luôn muốn làm quan to. Trong loạn Thập thường thị, ông đã giết chết không biết bao nhiêu quan binh để bảo vệ Hán Hiến Đế.
Trong truyền thuyết dân gian, Vương Việt còn từng giao đấu với Lã Bố, hai người đánh chưa được mấy chiêu, Lã Bố đã xuống phong độ, tiếc rằng sau đó một loạt quan binh chạy tới nên Vương Việt chỉ đành chạy thoát thân.
Lã Bố từng giao chiến tới 50 hiệp bất phân thắng bại với Trương Phi.
Về phần Trương Phi, hồi thứ 5 của Tam quốc diễn nghĩa có đoạn viết: "Lã Bố lại kéo quân đến thách đánh. Công Tôn Toản vác ngọn giáo nhảy ra đánh Lã Bố, mới được vài hiệp, Công Tôn Toản thua chạy.
Lã Bố thúc ngựa xích thố sấn lại đuổi, ngựa này chạy nhanh như bay. Lã Bố gần đuổi kịp Toản thì ở bên rìa đường, Trương Phi quát lớn: "Thằng đầy tớ ba họ kia đừng chạy nữa! Có Trương Phi người đất Yên đây!" Lã Bố thấy thế bỏ Công Tôn Toản, đánh nhau với Trương Phi.
Trương Phi hăng hái cố đánh Lã Bố. Hai người đánh nhau được hơn 50 hiệp chưa rõ bên nào thua bên nào được. Quan Vũ đứng ngoài thấy thế cầm thanh long yển nguyệt đến cùng đánh".
Chi tiết này đã khẳng định Trương Phi là một trong số những người hiếm hoi có khả năng đánh tay ngang với Lã Bố - võ tướng mang danh là "vô địch thiên hạ" một thời. Còn Hứa Chử chỉ giao chiến với Lã Bố được 20 hiệp bất phân thắng bại trước khi Tào Tháo sai 5 tướng khác ra trợ chiến.