- Theo Helino | 28/04/2019 10:21 AM
Hẳn tuổi thơ của ai trong chúng ta cũng đã một lần được biết đến câu chuyện cổ tích dân gian về “Tấm Cám”. Trong đó, chúng ta luôn được kể rằng nàng Tấm là một thiếu nữ hiền thục, siêng năng và chịu khó, luôn bị mẹ con Cám ức hiếp đến đáng thương. Nhưng sự thật đằng sau đó thì có mấy ai để ý đến, đã bao giờ bạn nghĩ rằng thật ra Tấm cũng ác không khác gì mẹ con Cám hay không?
Truyện cổ tích “Tấm Cám” thật ra có rất nhiều kết thúc khác nhau. Nguyên nhân là do các nhà biên soạn liên tục thay đổi đoạn kết của truyện để phù hợp hơn với thời đại. Trong đó, có một cái kết được cho là nguyên bản gốc, và cũng là kinh dị nhất.
Chuyện là sau khi được cho vào cung, Cám thấy Tấm nó làn da trắng trẻo, hồng hào và đẹp hơn mình nên cố ý gặng hỏi. Tấm thấy vậy bèn bày cho Cám đào một cái hố rồi nhảy xuống. Sau khi Cám đã ở dưới hố, Tấm liền sai quân hầu dội nước sôi vào hố. Sau khi Cám chết, Tấm đem xác làm mắm và gửi cho mụ dì ghẻ. Mẹ Cám tưởng là quà của con thật, lấy làm sung sướng, ngày nào mụ cũng giở mắm ra ăn, khen lấy khen để.
Nếu xét kỹ lại, chúng ta sẽ thấy Tấm ác như thế nào. Ai đời chị em trong nhà lại đi giết hại lẫn nhau, rồi còn làm mắm sống nữa thì lại thêm phần kinh dị. Nếu có một trái tim nhân ái thì sẽ không ai dám làm chuyện như vậy cả. Đồng ý rằng cái kết này mang lại sự hả hê, nhưng nó lại đi ngược với truyền thống dân tộc. Hiếm có một câu truyện cổ tích nào có một cái kết kinh hãi như bản gốc của “Tấm Cám”.
Ngoài ra, còn một số dị bản cho thấy Tấm không hẳn là một người hiền lành như ta tưởng. Chắc bạn chưa bao giờ nghe một câu chuyện mà ở đó Tấm được miêu tả là một thế lực hắc ám tàn độc. Tấm trong mẩu truyện đó biết điều khiển được sâu bọ, giun đất. Thậm chí, cô còn có mối quan hệ với một con thủy quái, được gọi là Bống.
Hoặc chúng ta cũng đã từng xem qua bộ phim “Tấm Cám chuyện chưa kể” của Ngô Thanh Vân, hoặc gần đây nhất là MV của nữ ca sĩ Chi Pu về câu chuyện cổ tích này. Qua đó có thể thấy được “Tấm Cám” là một câu chuyện cổ tích hiếm thấy của Việt Nam khi nó được biến tấu khá nhiều. Và mặc nhiên hình tượng cô Tấm lúc nào cũng hiền thục, giỏi giang và tháo vát. Nhưng thật sự khi đi sâu vào phân tích, chúng ta lúc nào cũng thấy được những mặt tối xung quanh nàng Tấm.
Xét cho cùng, cổ tích dân gian là những mẩu truyện được truyền miệng từ người này qua người khác nên rất dễ có nhiều dị bản khác nhau. Vấn đề là ở chỗ thật ra nàng Tấm có hiền như người ta vẫn hay đồn thổi. Nhiều ý kiến cho rằng Tấm chính là hiện thân của xã hội thời cổ của văn hóa dân tộc ta. Và việc trả thù một cách man rợ như trên cũng là một điều bình thường theo người Việt xưa.
Thật khó hiểu khi từ nhỏ chúng ta đã được nghe qua câu chuyện một nàng Tấm hiền thục giết người chị em của mình và sau đó là cảnh tượng mẹ ăn thịt con. Quả là cái kết quá man rợ cho một câu chuyện cổ tích trẻ em. Tuy nhiên, chúng ta không hề để ý đến điều đó. Tất cả mọi người đều mặc định rằng Tấm luôn luôn hiền và chịu khó. Mãi sau này khi lớn lên và ngẫm lại câu chuyện, người ta mới thấy được sự tàn bạo, ác độc của cô nàng Tấm ngày nào.
Vậy các bạn nghĩ sao về con người thực sự của cô Tấm? Liệu cô là một người con gái hiền lành, nết na hay là một con người bị tha hóa nhân cách và cuốn vào vòng xoáy trả thù để rồi trở thành một kẻ độc ác?