- Theo Trí Thức Trẻ | 31/10/2016 06:48 PM
Như vậy là Sony đã giữ đúng lời hứa của họ với cộng đồng game thủ hâm mộ cỗ máy PlayStation 3. Quay ngược thời gian trở về năm 2005, giám đốc Kenny Kutaragi của Sony Entertainment lúc ấy tuyên bố hãng điện tử Nhật Bản hướng tới vòng đời 10 năm dành cho PS3, điều mà chưa có bất kỳ chiếc máy chơi game nào làm được vào thời điểm đó trừ Gameboy. Với việc Sony giới thiệu PS3 vào năm 2007 tại Úc và Châu Âu (Mỹ và Châu Á phát hành từ cuối năm 2006); hãng điện tử Nhật Bản đã hoàn thành lời hứa của mình về việc hỗ trợ cho chiếc máy console từng gây sóng gió một thời.
Và MLB The Show 16 đã trở thành trò chơi cuối cùng mà Sony phát triển cho PS3, phiên bản mới MLB The Show 17 sẽ chỉ phát hành cho PS4.
Dù rằng không thể nào so sánh với huyền thoại PS2 với những bản hit gắn liền với tuổi thơ biết bao thế hệ game thủ Việt như Final Fantasy X, GTA Vice City, Metal Gear Solid 3..., thế nhưng PS3 vẫn có một chỗ đứng vô cùng vững chãi trong lòng những cậu bé mê game mãi không bao giờ chịu lớn mà trong đó có cả tôi nữa. Phải khẳng định lại một điều, dù những tựa game độc quyền trên PS3 không có sức hút bằng những siêu phẩm của cỗ máy Xbox 360, với lực lượng hùng hậu hơn hẳn, nhưng chính series PES đã giúp cho PS3 vẫn có được một thị trường bùng nổ, với vô vàn các quán game mọc lên trên khắp mọi miền Tổ quốc.
Chiếc Xbox 360 ra đời mở đầu cho sự xuất hiện của loạt console thế hệ thứ 7 vào năm 2005, đi kèm theo đó là mạng Xbox Live giúp sản phẩm của Microsoft đạt được những thành quả lớn. PlayStation 3 thì phải đến tháng 11/2006 mới được tung ra thị trường dù Sony giới thiệu nó tại triển lãm CES 2005. Không may, ở thời gian đầu PS3 gặp vấn đề về sản xuất, đặc biệt còn vướng thêm việc chuẩn đĩa Blu-ray chưa được hỗ trợ rộng rãi.
PS3 còn gặp một trở ngại khác trong việc tiếp cận thị trường: Đó chính là giá bán. Dù có sức mạnh đến đâu đi chăng nữa, dàn game độc quyền của Sony cũng như mức giá tương đối cao cũng khiến cho nhiều game thủ nước ngoài cảm thấy chùn tay, và đó cũng chính là lý do khiến cho Xbox 360 với nền tảng chơi mạng Xbox Live thống trị thị trường máy chơi game thế hệ thứ 7.
Nhưng đó là chuyện ở nước ngoài. Trong mắt game thủ Việt, kể từ khi có điện tử đĩa (PS1), hễ nhắc tới máy chơi game console, trong đầu chúng ta sẽ nghĩ ngay tới Sony, và PlayStation. Dù rằng thời kỳ PS3 ra mắt, PS2 cùng tựa game PES 6 "thần thánh", với thời kỳ đỉnh cao của những danh thủ quốc tế như Patrick Vieira, Rio Ferdinand hay "hoàng đế" Adriano vẫn còn đang thống trị làng game Việt, nhưng điều đó không khiến cho bước chuyển mình giữa hai hệ máy gặp phải những "vòng vèo, chùng chình", đơn giản vì game thủ Việt rất thích những thứ mới mẻ.
Còn nhớ lần đầu tiên được chơi PS3 của tôi là ngày bà cô chủ quán PS2 "ruột" cất công bỏ hơn chục triệu mang PS3 về quán. Những cậu bé đang mải đá PES chỉ biết há hốc mồm trầm trồ thán phục. Nhưng khi đó PS3 chưa có PES, mãi về sau PES 2008 ra mắt, chúng tôi mới được há hốc mồm kinh ngạc vì giữa PS2 và PS3 là một khoảng cách quá xa về đồ họa, ấy là chưa kể đang chơi màn hình 21 inch chuyển lên màn 32 inch "siêu mỏng" hình nét chẳng khác gì xem bóng đá trực tiếp trên VTV3 cả!
Tôi vốn không mê PES như nhiều cậu bạn cùng lớp, vì thế mới có thời gian tìm hiểu và biết tới những cái tên như Heavenly Sword, God of War 3, và sau này là Metal Gear Solid 4. Đã rất nhiều lần tôi kể với các bạn rằng tôi là fan trung thành của series game hành động bí mật được nhào nặn dưới bàn tay của Hideo Kojima, và cũng giống như PES, bước chuyển từ MGS3 lên MGS4 phải nói là quá sức ấn tượng, từ gameplay, cắt cảnh cho tới hình ảnh, dù rằng phải công nhận một điều là về sau không thể so sánh cốt truyện của phần 4 với phần 3 được.
Lúc này, để được chơi PS3, game thủ sẽ phải bỏ ra 15 nghìn 1 tiếng. Con số này về sau giảm xuống còn 10 nghìn, rồi 8 nghìn, thậm chí còn có nơi chỉ có 7 nghìn Đồng một tiếng, vì áp lực cạnh tranh. Nhưng về sau, giá điện tăng lên, dịch vụ cũng phải làm tương xứng để hút khách, nhưng cùng lúc lại vẫn phải cạnh tranh với "quán game cuối phố", thế là những ông chủ quán PS3 cũng chẳng khác gì anh em làm net cỏ, cứ luẩn quẩn cái vòng hạ giá, hút khách và cạnh tranh...
Rồi PS4 ra mắt. Thời điểm này mua bán dễ hơn, máy xách tay cũng về Việt Nam sớm hơn so với 10 năm về trước. Giờ đây những quán game có PS4 là vô cùng bình thường, với đồ họa đẹp hơn, game cũng mượt mà hơn hẳn so với trước. Nhưng nói gì thì nói, một cỗ máy mới ở đầu vòng đời của nó, với số lượng game chất lượng chưa nhiều, vẫn không thể so sánh được PS3 với một thư viện đồ sộ những tuyệt phẩm mà nếu chưa chơi thử, bạn sẽ phải tặc lưỡi trong luyến tiếc vì nhiều cái tên trong số chúng thậm chí còn không lên PC, như Red Dead Redemption hay Heavy Rain, và cuối cùng là cả The Last of Us nữa.
Giờ đây dù có PS4, tôi vẫn thi thoảng bật chiếc máy PS3 đã phủ bụi ở gầm bàn lên để tận hưởng chút cảm giác trước đây, để chơi lại những tựa game mà chưa có thời gian phá đảo. Rồi cũng sẽ đến lúc, cỗ máy không thể khởi động nữa, nhưng cho đến khi đó, nó vẫn sẽ được tôi chăm chút.
Tạm biệt, PlayStation 3.