- Theo Trí Thức Trẻ | 12/10/2016 05:23 PM
Năm Kiến An thứ hai (197 sau công nguyên), tháng Giêng, Tào Tháo nam chinh. Trương Tú đóng quân tại Uyển Thành (nay là thành phố Nam Dương, tỉnh Hà Nam) đầu hàng Tháo. Mới thực thi phụng thiên tử nhi lệnh bất thần được 2 tháng, vừa ra trận đã thắng lợi giòn giã, Tào Tháo đâm chủ quan, phạm phải 2 sai lầm tai hại.
Trong lịch sử phát triển game chiến thuật Tam Quốc, Tào Tháo là nhân vật luôn xuất hiện trong hầu hết các trò chơi và được nhiều game thủ yêu thích. Tháng 10 này, Tào Tháo Truyện Mobile sẽ một lần nữa tái hiện những trận chiến vang danh của nhân vật nổi tiếng Tào Tháo một cách chân thực và thú vị nhất trong game dành cho smartphone. Game thủ quan tâm có thể tham gia fanpage tại: https://www.facebook.com/TaoThaoTruyenVN/
Tào Ngang thế mạng cho cha
Theo Tam quốc chí. Trương Tú truyện, Bùi Tùng Chi dẫn “Truyện tử”, sai lầm thứ nhất là ép chị dâu Trương Tú (vợ Trương Tế) vào hầu ngủ, khiến Trương Tú cảm thấy vô cùng nhục nhã; Hai là, lôi kéo Hồ Xa Nhi - bộ tướng thân cận của Trương Tú, khiến Trương Tú cảm thấy bất an (nghi Thái tổ dục nhân tả hứu thích chi).
Tào Tháo thấy Trương Tú bất mãn, liền có ý giết Tú (Thái tổ văn kỳ bất duyệt, mật hứu sát Tú chi kế), nhưng không hiểu do đâu cơ mưu bị lộ (kế lậu). Vậy là Trương Tú trở mặt, Tào Tháo bị Tú đánh cho tơi bời khói lửa. Con cả là Tào Ngang (Tháo rất yêu, chọn làm người kế nghiệp), tướng giỏi Điển Vi (Đội trượng cảnh vệ của Tháo), cháu Tháo là Tào An Dân đều chết trong trận này. Bản thân Tháo bị trúng tên, suýt toi mạng. Chuyện này ám ảnh Tháo suốt đời, vậy nên mới có câu nói trước khi nhắm mắt như phần đầu chuyên mục Tào Tháo đã đề cập.
Người vạch kế hoạch trong trận này là Giả Hủ, mưu sĩ của Trương Tú. Giả Hủ, tự Văn Hòa, người Vũ Uy, tài năng ngang ngửa Trương Lương, Trần Bình, được coi là quái kiệt nhất nhì trong Tam quốc. Tên là Văn Hòa, nhưng tính cách chẳng ôn hoà (lời của nhà văn nổi tiếng Chu Trạch Hùng) Tam quốc chí. Giả Hủ truyện có kể lại những chuyện động trời của Giả Hủ trước đó. Tỉ như chuyện Lý Giác và Quách Tự cầm tù nhà vua, là do Giả Hủ xúi giục.
Sau khi Đổng Trác bị Vương Doãn và Lã Bố giết, Lý Giác và Quách Tự thấy tình thế bất lợi, đã toan giải tán quân đội, bỏ về quê. Giả Hủ can ngăn, nói bây giờ hai người thân cô thế cô, chỉ một viên đình trưởng cũng thừa sức bắt giữ. Chi bằng đem quân đánh vào Tràng An, báo thù cho Đổng Trác. Thành công thì hai người trở thành lương đống quốc gia, chinh phạt thiên hạ. Thất bại thì bỏ đi cũng chưa muộn. Lý Giác và Quách Tự nghe có lý, liền đánh trở lại Tràng An, khiến đất nước và nhà vua gặp họa lần nữa. Nhưng Giả Hủ là kẻ khôn ngoan, Lý Giác và Quách Tự định phong cho y tước Hầu, y không nhận, nói rằng cái công cứu mạng đó không đáng kể (thử cứu mạng chi kế, hà công chi hữu?).
Lý Giác và Quách Tự định đề bạt y làm Thượng thư bộc xạ, Giả Hủ nói y không phải con người nổi tiếng, e thiên hạ không phục (Hủ danh bất tố trọng, phi sở dĩ phục nhân dã). Lý Giác và Quách Tự vừa kính nể vừa sợ y. Giả Hủ cũng cảm thấy mình có tội, nên lợi dụng ảnh hưởng bản thân, kiềm chế Lý Giác và Quách Tự, cứu thoát rất nhiều đại thần. Ông ta lấy công chuộc tội.
Sau khi nhà vua tới Tràng An, Giả Hủ rời bỏ chức vụ, theo Trương Tú. Trương Tú coi Hủ như bậc đàn anh. Kế hoạch tập kích Tào Tháo, là do Giả Hủ thiết kế. Theo Tam quốc chí. Giả Hủ truyện, Bùi Tùng Chi dẫn Ngô thư, Trương Tú theo kế của Giả Hủ, bẩm với Tháo rằng, Tú chuyển quân sang một địa điểm gần đấy, nhưng xe cộ thiếu, lại chở nặng, xin cho quân sĩ mặc nguyên giáp trụ, cầm theo binh khí khi di chuyển. Tào Tháo không nghi ngờ gì, đồng ý. Vậy là khi đi qua doanh trại Tào, Tú phát động cuộc công kích. Tháo không kịp trở tay, hốt hoảng bỏ chạy, nếu không được Tào Ngang nhường ngựa, chắc chắn mất mạng.
Tào Tháo nhận lỗi
Vậy mà sau khi thua trận, Tào Tháo không đổ lỗi cho ai, kể cả với người khuyên Tháo nên cho Tú đầu hàng. Tháo tự nhận lỗi về mình. Tam quốc chí. Vũ đế kỷ chép, Tháo nói đã biết mình sai ở chỗ nào, lần sau sẽ không tái phạm nữa. Đương nhiên, Tháo kiểm điểm không đến nơi đến chốn. Ông ta bảo nguyên nhân thua trận lần này là do không bắt lớn bé già trẻ nhà Trương Tú làm con tin (thất bất tiện thủ kỳ chất). Nhưng đó chỉ là ngụy biện. Bị Trương Tú phản thùng là có nguyên nhân như ta đã biết. Tháo không đổ lỗi cho ai là tiến bộ lắm rồi.
Tháng 11 năm Kiến An thứ hai (197 sau công nguyên), Tào Tháo cất quân đánh Trương Tú, lần này toàn thắng. Trương Tú bỏ chạy về Nhương Thành (nay là Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam). Nhưng sự việc không chỉ có thuận. Năm Kiến An thứ hai đời Hán Hiến đế (198 sau công nguyên), Tào Tháo cất quân đánh Trương Tú lần thứ ba. Lần này có nhiều người can ngăn. Theo Tam quốc chí. Tuân Du truyện, khi ấy quân sư Tế tửu là Tuân Du nói với Tháo rằng, giờ đây Trương Tú liên minh với Lưu Biểu là do Giả Hủ sắp đặt. Nhưng hai người này không phải cùng cạ. Trương Tú dựa vào Lưu Biểu để có lương thảo mà Lưu Biểu lại không có khả năng cung cấp, vì vậy sớm muộn sẽ chia tay. Tháo hãy gắng đợi, chúng sẽ không đánh mà tự tan (bất như hoãn quân dĩ đại chi, khả dụ nhi chí dã). Nếu dồn Tú vào ngõ cụt, chắc chắn Lưu Biểu sẽ đem quân đến cứu. Tiếc rằng Tào Tháo không nghe, quả nhiên bị vây khốn ở Nhương Thành. Lưu Biểu cất quân chi viện cho Tú. Tháo chỉ còn cách rút quân.
(Còn tiếp)
Theo Giadinh.net