Nếu bạn từng thấy một chú chim tìm cách trộm thức ăn của bạn, hay một con chim sáo lục túi rác để tìm thực phẩm còn sót lại, bạn có lẽ sẽ nhận ra loài chim đang học được phương thức mới để kiếm ăn. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy sự thông minh vượt bậc của chúng.
Nhưng có lẽ không phải giống chim nào cũng tháo vát đến vậy. Từ lâu, các nhà khoa học đã tự hỏi tại sao một số loài chim nhất định lại thông minh, sáng tạo hơn những loài khác. Chúng không chỉ sáng tạo phương thức kiếm ăn, mà còn biết chế tác công cụ, thậm chí nhận diện các bức tranh của Monet và Picasso. Liệu sự khác biệt não bộ có thể là câu trả lời duy nhất cho việc này hay không?
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng một kỹ thuật mới để ước tính số lượng tế bào neuron thần kinh phân bố tập trung ở một phần trong não chim, phần này có tên là pallium. Pallium ở chim có thể so sánh với vỏ não của con người hay động vật có vú, là phần não liên quan đến trí nhớ, học tập, khả năng lập luận và giải quyết vấn đề.
Mặc dù phần pallium của chim thiếu các lớp vỏ não giống động vật có vú, nhưng chúng được kết nối với nhau một cách có tổ chức, dẫn đến việc loài lông vũ và thú có vú có khả năng nhận thức tương đương nhau.
Nghiên cứu chỉ ra chim chóc và thú có vú có mức độ nhận thức tương đương nhau
Khi nhóm nghiên cứu của Đại học McGill, Canada tiến hành nghiên cứu trên 111 giống chim và thu thập thông tin từ hơn 4000 phương thức kiếm ăn khác nhau, họ nhận thấy loài chim nào có số lượng tế bào neuron tập trung cao ở khu vực pallium là những loài có khả năng sáng tạo nhất.
Thông thường, các loài chim sẽ rời tổ sau khoảng 2-6 tuần, một số loài chim săn mồi thì có thể ở trong tổ từ 8-10 tuần. Có loài chim thì “mạnh dạn” hơn hẳn, chỉ cần vài ngày hoặc vài giờ để theo chim mẹ tìm thức ăn. Chúng được gọi là các giống chim có thể sống độc lập sau khi sinh (precocial bird), một số ví dụ có thể kể đến vịt, chim cun cút, hoặc chim sâm cầm. Tuy nhiên, thời gian sống trong tổ càng lâu thì giống chim đó càng thông minh.
Giáo sư danh dự Louis Lefebvre của Đại học McGill đã dành hơn 20 năm để thu thập về các hình thức, tập tính kiếm ăn mới của chim. Ông nhận định khoảng thời gian chim non ở trong tổ cũng góp phần định hình, phát triển trí thông minh về sau.
Đôi khi, quạ "ăn bám" bố mẹ hơn 2 tháng trời
Quạ và vẹt là những loài chim rất thông minh, một phần nhờ vào thời gian chúng sống trong tổ. Những con vẹt non ở Amazon được bố mẹ "nuông chiều" đến 8 tuần mới rời tổ. Quạ chỉ mất khoảng 2-3 tuần là đủ khả năng bay đi, nhưng đôi khi, chim mẹ có thể vẫn nuôi dưỡng và cho chim con ăn tiếp trong 2 tháng tới.
Đó là lý do vì sao khi quạ quyết định "tự lập", cơ thể chúng đã gần đạt đến kích thước trưởng thành. Thời gian ở trong tổ lâu hơn cho phép não có nhiều thời gian để phát triển và tích lũy các tế bào neuron trong vùng pallial.
Vẹt cũng được bố mẹ "nuông chiều" khá lâu
Andreas Nieder, nhà sinh lý học thần kinh tại Đại học Tübingen, đã quan sát não của những con quạ ăn thịt (corvus corrone) khi chúng phản ứng với các tín hiệu khác nhau. Chúng được mệnh danh là “những con vượn có lông vũ” nhờ trí thông minh vượt bậc so với các anh em họ hàng khác. Khi thực hiện các thí nghiệm liên quan đến hành vi, Andreas cũng khám phá ra não của loài chim này phản ứng thần kinh một cách có ý thức y hệt loài linh trưởng.
Ngoài khả năng tận dụng công cụ có sẵn để lấy thức ăn hay nhớ mặt người, quạ còn có ý thức lên kế hoạch cho các sự kiện tương lai giống như con người. Đây một đặc điểm mà không loài động vật nào có. Trong một nghiên cứu công bố trên tờ National Georaphic, nếu quạ phát hiện ra một công cụ bất kỳ giúp chúng lấy được thức ăn, chúng sẽ cất công cụ đó đi. Khi hộp đựng thức ăn xuất hiện ở những lần kế tiếp, quạ lại lấy “bảo bối” ra để sử dụng.
Hay chúng ta có thể nhìn vào một loài chim khác ít “nổi tiếng” hơn là chim giẻ cùi (jay), một loài chim cũng thuộc họ Qụa. Gần đây, đại học Cambridge vừa công bố nghiên cứu cho thấy khả năng kiềm chế bản thân của chim giẻ cùi không thua gì loài người.
Cụ thể, trong thí nghiệm, chim giẻ cùi được phục vụ các món ăn khác nhau, nhưng để ăn được nhiều món ngon (sâu), chúng phải bỏ qua những món ít ngon hơn (bánh mì), đồng thời phải đợi lâu hơn. Sau khi nhận ra chúng sẽ được phần thưởng lớn nếu “chịu khó” chờ lâu hơn, loài chim này đã chấp nhận thử thách.
Chim giẻ cùi cũng biết kiềm chế và kiểm soát bản thân
Các thí nghiệm trong tương lai có thể giúp xác định trí thông minh của loài chim sẽ tiến hóa như thế nào, nhưng về cơ bản thì những phát hiện này cho thấy con người có thể không độc nhất như chúng ta vẫn nghĩ. Biết đâu, trong tương lai, quạ hay vẹt mới là những sinh vật thống trị nhân loại?
Nguồn: Sciencedaily, National Geographic, Science