Tri Thức Trẻ | 25/09/2020 11:54 AM
Tại sao bạn phải ủ mì gói trong 3 phút?
Trên thực tế, cái gọi là "3 phút" được tạo lập bởi chính Momofuku Ando, người sáng lập ra món mì ăn liền.
Năm 1958, Momofuku Ando phát minh ra mì ăn liền, sau khi liên tục thử nghiệm, ông nhận thấy rằng 3 phút là thời gian phù hợp nhất, vì vậy tiêu chuẩn cho ngành công nghiệp sản xuất mì ăn liều là ủ 3 phút rồi ăn đã được thiết lập.
Thành thật mà nói, 3 phút chờ đợi mì chín là khoảng thời gian đợi chờ mòn mỏi.
Nhưng theo các phân tích chuyên ngành, khoảng thời gian 3 phút này đã khéo léo nắm bắt đúng đặc điểm tâm lý của con người. Đó là khi đối diện với món ăn, dưới sự kích thích của hương thơm, thời gian chờ đợi sẽ làm tăng cảm giác thèm ăn lên rất nhiều. Và kết quả là mọi người sẽ cảm thấy ngon miệng hơn khi ăn.
Mì ăn liền được làm bằng dầu thải?
Trên thực tế, mì ăn liền tuy là món chiên nhưng không sử dụng dầu dùng rồi, loại dầu ăn đã bị tất cả các cơ quan chức năng cấm, và sản phẩm tạo ra từ các loại dầu ăn không đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm chắc chắn sẽ không thể tiến vào thị trường.
Mì ăn liền chứa 6 chất dinh dưỡng chính cần thiết cho cơ thể con người là carbohydrate, protein, chất béo, khoáng chất, vitamin và nước, có giá trị dinh dưỡng nhất định nên nó cũng không phải là một loại đồ ăn vặt.
Nhưng mì ăn liền chỉ nên ăn với lượng vừa phải, vì hàm lượng chất béo trong mì tương đối cao, ăn nhiều có thể dẫn đến béo phì.
Mì ăn liều đều có chất bảo quản?
Trước hết, nhiều người nghĩ rằng tất cả thực phẩm có thêm chất bảo quản đều có hại cho cơ thể con người. Bản thân nhận thức này là sai lầm.
Thực ra chất bảo quản rất phổ biến trong cuộc sống hàng ngày, ví dụ như giấm, đường, muối... đều có thể dùng để bảo quản. Ngoài ra còn có một số chất bảo quản tổng hợp hóa học, miễn là chúng được thêm vào trong phạm vi liều lượng cho phép, nó sẽ giúp thực phẩm an toàn hơn.
Thứ hai, loại mì ăn liền mà mọi người quan tâm thực chất không được thêm chất bảo quản. Điều này liên quan đến quá trình sản xuất của nó.
Mì ăn liền không chiên được sấy khô bằng công nghệ sấy không khí nóng, thường sấy ở nhiệt độ 80 độ C trong hơn 30 phút. Trong khi mì gói đã chiên thì độ ẩm trong mì ăn liền sẽ giảm xuống giá trị thấp hơn, nói chung vào khoảng 3-6%.
Mì ăn liền theo cả hai kỹ thuật chế biến khác nhau này đều sẽ rất khô, việc thiếu ẩm sẽ ức chế sự phát triển và sinh sản của vi sinh vật. Do đó, sử dụng nhiều chất bảo quản chỉ làm tăng chi phí không cần thiết nên không cần thêm chất bảo quản.
Còn gia vị và gói nước phụ gia đi kèm, được đóng gói kín sau khi tiệt trùng ở nhiệt độ cao hoặc khử trùng bằng chiếu xạ, cũng không cần thêm chất bảo quản.
Có sáp parafin trên cốc mì ăn liền, nếu ăn phải sẽ bị ung thư dạ dày?
Một số tin đồn nói rằng có một lớp sáp parafin bám vào lớp trong của cốc mì ăn liền, khi ăn vào cơ thể, dạ dày của chúng ta không thể tiêu hóa và phân hủy parafin, hoặc bài tiết ra ngoài, parafin sẽ bám vào màng ống tiêu hóa, thậm chí gây ung thư dạ dày trong trường hợp nặng.
Quả thực có một lớp màng trên các cốc mì ăn liền để ngăn ngấm nước, nhưng nó không phải là parafin. Từ các tính chất vật lý của sáp parafin, điểm nóng chảy của nó thường không quá 60 độ C. Còn nhiệt độ của nước sôi dùng cho mì ăn liền thường vượt quá 90 độ C. Nếu có sáp parafin bên trong cốc mì ăn liền, nó sẽ chảy ra khi đun nóng và cốc đựng mì ăn liền có thể bị rò rỉ nước. Điều này không xảy ra, do đó giả thuyết trên là sai.
Màng trên cốc chứa mì ăn liền thường là màng polyetylen, không chỉ có tác dụng ngăn nước mà còn có ưu điểm chịu được nhiệt độ cao.
Không thể tiêu hóa hết một gói mì ăn liền trong ba tháng?
Tin đồn này là phản khoa học, không có thức ăn nào là không tiêu hóa được trong ba tháng.
Ngay cả khi mì ăn liền được chiên rồi, bản chất của nó vẫn là bột mì và thời gian tiêu hóa các loại ngũ cốc trong cơ thể người tương đối ngắn, nhìn chung chỉ 1,5 tới 3 giờ.
Khi ăn mì gói cần chú ý điều gì?
Khách quan mà nói, mì ăn liền quả thực không đủ tốt cho sức khỏe. Mì ăn liền chứa nhiều chất béo, hàm lượng muối cao, thiếu chất dinh dưỡng. Vậy khi ăn mì gói chúng ta cần lưu ý những gì?
1. Chọn mì gói loại không chiên
Do công nghệ chế biến mì ăn liền không chiên sử dụng biện pháp sấy khô bằng không khí nóng và không sử dụng dầu nên hàm lượng chất béo trong mì giảm đáng kể, do đó nó tương đối tốt cho sức khỏe hơn loại có chiên bằng dầu.
2. Kết hợp ủ, sau đó đun sôi
Chỉ cần chần mì qua nước để giảm lượng dầu và muối trong mì, sau đó cho mì vào nồi và nấu chín.
Mì được luộc sẽ mềm hơn mì ngâm đơn giản và cơ thể sẽ dễ tiêu hóa cùng hấp thụ hơn.
3. Ăn kèm với thịt và rau
Trong trường hợp bình thường, hàm lượng chất xơ và protein trong mì ăn liền không đủ để cung cấp năng lượng cho cơ thể con người. Hãy thêm một số thịt, rau và các thành phần nguyên liệu khác để có thể bù đắp những thiếu sót này.
4. Cho vào một nửa túi nước sốt
Để mì gói được đậm đà hơn khi ăn, các gói gia vị thường rất lớn, cho hết vào sẽ làm cho bát mì nhiều dầu và muối. Vì vậy, chỉ cần cho một nửa là đủ.
5. Uống ít nước nấu mì
Sau khi luộc hoặc ủ mì, muối và chất béo sẽ tập trung nhiều hơn trong nước lèo. Do đó, bạn nên uống ít nước mì hơn.
Nên nhớ, mì ăn liền không phải là đồ ăn vặt, nó cũng có giá trị dinh dưỡng nhất định. Chỉ cần chú ý đến cân bằng dinh dưỡng khi ăn là được.
Chúc các bạn ăn mì ngon miệng.