Thể thao văn hóa | 30/01/2023 11:14 AM
Mới đây, France Inter đã phỏng vấn Hajime Isayama - tác giả của loạt manga/anime nổi tiếng toàn cầu Shingeki no Kyojin (Attack on Titan). Cuộc phỏng vấn đã được ghi lại thành một tập podcast, trong khuôn khổ sự tham gia của Hajime Isayama với tư cách là khách mời tại Lễ hội truyện tranh quốc tế Angouleme 2023. Trong đó, một đoạn trả lời của tác giả đã gây chấn động với cộng đồng người hâm mộ Attack on Titan.
Trong các tuyên bố với phương tiện truyền thông, Hajime Isayama nói rằng khi anh bắt đầu viết, anh hy vọng rằng "anh sẽ ở lại nửa chừng", rằng "anh không tưởng tượng được mình có thể sống cả đời để viết manga". Nam họa sĩ còn nói thêm: "Chỉ riêng điều đó thôi đã là thành công trong mắt tôi rồi". Hajime Isayama cũng khẳng định rằng Shingeki no Kyojin (Attack on Titan) sẽ không bao giờ có phần tiếp theo, bởi vì: "Nó là một tác phẩm hoàn chỉnh".
Trước thông tin này, những người hâm mộ bộ truyện tranh Attack on Titan đã rất thất vọng vì không còn cơ hội nào được thưởng thức câu chuyện tiếp theo của tác phẩm mình yêu thích nữa.
Kể từ khi được xuất bản lần đầu tiên vào năm 2009, manga Attack on Titan đã tạo nên cơn địa chấn toàn cầu. Tác phẩm đã được chuyển thể thành anime khiến nhiều người yêu thích và có một số phiên bản trò chơi điện tử.
Khi được hỏi về tiểu sử các nhân vật trong Attack on Titan và đặc biệt là người anh hùng của anh - Eren Yeager, Hajime Isayama chia sẻ: "Tôi khá lạc quan, tôi nghĩ rằng con người được hình thành từ những sai lầm. Tôi tự nhủ rằng một anh hùng hoàn hảo sẽ không thú vị. Nhân vật này phản ánh phần xấu trong tôi, và toàn bộ câu chuyện là về việc chôn vùi những phần xấu đó trong tôi".
Hajime Isayama còn kể về việc anh lớn lên ở một vùng núi hẻo lánh và quá trình học hỏi như thế nào. Anh nói: "Tôi học chữ rất tệ, thậm chí đến bây giờ tôi vẫn không giỏi lắm. Mỗi khi phải viết, tôi lại nhìn vào chiếc điện thoại thông minh của mình. Khi tôi còn trẻ, tôi cảm thấy mình như một thằng ngốc. Và ngay cả ngày nay, có những việc tôi biết làm và những việc tôi không biết làm, và khoảng cách giữa hai điều đó là rất lớn".
Anh cho biết thêm: "Ở Nhật Bản có sự cạnh tranh thực sự đáng kinh ngạc trong lĩnh vực này và nhờ đó chúng tôi có thể tạo ra những tác phẩm đáng kinh ngạc".