Phụ nữ số | 18/11/2024 12:24 PM
Bài viết này sẽ phân tích lý do Kim Dung không dám viết tiếp câu chuyện về Quách Tĩnh và Dương Quá sau tác phẩm Thần Điêu Hiệp Lữ.
Đối với những độc giả yêu thích kiếm hiệp Kim Dung, xét một cách nghiêm túc, Ỷ Thiên Đồ Long Ký không phải là phần tiếp theo của Thần Điêu Hiệp Lữ. Không chỉ Quách Tĩnh và Dương Quá không xuất hiện trong thời đại Ỷ Thiên, Kim Dung còn cố tình bỏ qua gần trăm năm, để bối cảnh giang hồ trong tác phẩm này chuyển thẳng đến thời kỳ cuối triều Nguyên.
Chúng ta biết rằng Thần Điêu Hiệp Lữ có kết nối liền mạch với Anh Hùng Xạ Điêu. Sau cái chết của Dương Khang, con trai ông là Dương Quá bắt đầu nổi danh trên giang hồ. Còn Quách Tĩnh, dù đã nhường vị trí nam chính cho Dương Quá, nhưng vẫn giữ vai trò quan trọng trong thời đại Thần Điêu, với nhiều phân đoạn đáng nhớ.
Tại sao Kim Dung không viết tiếp câu chuyện về Quách Tĩnh và Dương Quá? Thật vậy, vào cuối Thần Điêu, Quách Tĩnh và Dương Quá đều đang ở độ tuổi sung sức. Kim Dung hoàn toàn có thể phát huy trí tưởng tượng phong phú của mình, kể về việc Dương Quá đã đi đâu sau khi lui về ở ẩn, hay Quách Tĩnh đã chiến đấu anh dũng như thế nào ở thành Tương Dương, cuối cùng hy sinh vì nước.
Về phần Dương Quá, Kim Dung đã khéo léo mượn lời của Hoàng Sam Nữ Tử để nói một câu "Chung Nam sơn hạ - Hoạt tử nhân mộ - Thần điêu hiệp lữ - Tuyệt tích giang hồ" (Tạm dịch: Phía sau nơi núi Sơn Nam - Ngôi mộ người sống - Thần điêu hiệp lữ - Xa mãi chốn hồng trần), cũng coi như là một lời giải thích ngắn gọn về Dương Quá.
Thực ra, việc Kim Dung không dám viết tiếp Thần Điêu Hiệp Lữ cũng có nỗi khổ tâm của ông, như chính ông đã viết trong nguyên tác: "Vào thời nhà Nguyên, Trung Nguyên rơi vào tay dị tộc, bách tính rên xiết dưới vó ngựa Mông Cổ, lầm than trong cảnh nước sôi lửa bỏng. Để chống lại sự tàn bạo của quan lại, người dân phải tự bảo vệ mình...".
Trong lịch sử thực tế, thành Tương Dương thực sự đã bị quân Mông Cổ san bằng, sau đó toàn bộ Trung Nguyên rơi vào tay Hốt Tất Liệt. Nếu thực sự viết tiếp Thần Điêu Hiệp Lữ, chắc chắn sẽ phải tái hiện lại thời kỳ đen tối này. Như vậy, tiểu thuyết võ hiệp sẽ không còn mang lại cảm giác hào sảng cho độc giả, mà thay vào đó là sự ngột ngạt, bởi vì người Mông Cổ đã chiếm được thiên hạ, các môn phái giang hồ chỉ có thể "tự bảo vệ mình". Như vậy, một tiểu thuyết võ hiệp sẽ không còn thể hiện được hai chữ "hiệp nghĩa". Hơn nữa, nếu thực sự viết phần tiếp theo của thời kỳ Thần Điêu Hiệp Lữ, độc giả sẽ buộc phải chứng kiến cảnh tượng thê lương của Quách Tĩnh trước khi chết.
Vào cuối Thần Điêu, Dương Quá khi 36 tuổi đã trở thành một trong những cao thủ của Ngũ Tuyệt, ngang hàng với các bậc tiền bối như Quách Tĩnh, Hoàng Dược Sư, Nhất Đăng đại sư và Chu Bá Thông. Thế nhưng, khi chàng vừa mới được mệnh danh là Tây Cuồng, Dương Quá đã cùng Tiểu Long Nữ chắp tay từ biệt quần hùng, lui về ở ẩn. Dương Quá đi rồi, hoàn toàn mất tích, khiến Quách Tương phải mất 24 năm tìm kiếm.
Có thể dự đoán rằng, khi thành Tương Dương lại nổ ra chiến tranh, Dương Quá đã cùng Tiểu Long Nữ sống ở một nơi cách biệt với thế giới bên ngoài. Cặp đôi này thực sự không biết được Quách Tĩnh đang dũng cảm chiến đấu.
Ngoài ra, Quách Phù, Võ Đôn Nho, Võ Tu Văn tuy theo Quách Tĩnh nhiều năm nhưng lại có tư chất kém cỏi. Tu luyện nhiều năm mà vẫn chỉ là nhân vật hạng ba, không phải cao thủ, chỉ có thể đánh tay đôi với binh lính bình thường. Gia Luật Tề đã trở thành bang chủ mới của Cái Bang. Tư chất của chàng cũng khá tốt nhưng thời gian tiếp quản Cái Bang quá ngắn ngủi. Đặc biệt là bốn chiêu cuối cùng của Hàng Long Thập Bát Chưởng chưa kịp lĩnh ngộ, chỉ có thể liều mình xông pha trận mạc. Vì vậy, Gia Luật Tề cũng không thể được coi là cao thủ hàng đầu.
Nhìn sang các cao thủ khác như Chu Bá Thông, Nhất Đăng đại sư, Hoàng Dược Sư, thì cuối Thần Điêu, họ đều đã gần trăm tuổi. Khi Hốt Tất Liệt dẫn 10 vạn thiết kỵ trở lại, đã là nhiều năm sau. Lúc này, Chu Bá Thông đã cùng Nhất Đăng đại sư và Anh Cô trở về với cát bụi tại Bách Hoa Cốc. Không có gì lạ khi Kim Dung trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký viết một câu "Vạn hoa ao hoa lạc vô thanh", với hàm ý ám chỉ sự ra đi lặng lẽ của các cao thủ tiền bối đó.
Vậy khi Dương Quá cùng Tiểu Long Nữ rời Hoa Sơn, liệu Hoàng Dược Sư có cùng Quách Tĩnh và Hoàng Dung trở về thành Tương Dương không? Câu trả lời là không, Hoàng Dược Sư có lẽ đã tiếp tục chu du khắp nơi, cuối cùng chết già ở một nơi sơn thủy hữu tình. Như vậy, so với trận đại chiến thành Tương Dương lần trước, bên cạnh Quách Tĩnh không chỉ thiếu Dương Quá, Tiểu Long Nữ mà còn thiếu cả các cao thủ tiền bối như Hoàng Dược Sư, Nhất Đăng đại sư, Chu Bá Thông và Anh Cô.
Mặc dù vậy, Quách Tĩnh vẫn còn ba cao thủ cùng chiến đấu. Ba cao thủ này là Hoàng Dung, Trình Anh và Lục Vô Song. Hoàng Dung cũng đã có được toàn bộ Cửu Âm Chân Kinh, cộng thêm môn Đả Cẩu Bổng Pháp biến hóa khôn lường, Hoàng Dung xứng đáng là một cao thủ hàng đầu.
Về phần Trình Anh, nàng đã luyện thành Đàn Chỉ Thần Công, và có lẽ cũng được Hoàng Dược Sư truyền thụ toàn bộ Cửu Âm Chân Kinh. Trình Anh thông minh lanh lợi, chỉ trong vài năm đã thông thạo 2 tuyệt kỹ, từ đó trở thành cao thủ hàng đầu trong giang hồ.
Còn Lục Vô Song, tuy bị què một chân nhưng lại được Dương Quá truyền thụ Ngọc Nữ Tâm Kinh. Thêm vào đó, các cao thủ trong Ngũ Tuyệt người thì lui về ở ẩn, người thì qua đời, võ học ngày càng suy vi. Trong giang hồ hậu thế này, Lục Vô Song lại trở thành cao thủ đương thời.
Thế nhưng, dù có sự hỗ trợ của ba cao thủ Hoàng Dung, Trình Anh và Lục Vô Song, nhưng Quách Tĩnh vẫn cảm thấy lực bất tòng tâm. Võ công của Quách Tĩnh tuy cao nhưng rốt cuộc cũng chỉ là thân xác thịt, trong khi đó, quân Mông Cổ hùng hậu ào ạt kéo đến, trong thành chỉ còn những binh lính già yếu bệnh tật, có thể tưởng tượng được nỗi đau khổ trong lòng Quách Tĩnh.
Đến đây ta có thể hiểu được nỗi khổ tâm của Kim Dung, thay vì viết tiếp Thần Điêu Hiệp Lữ mà mang tiếng vẽ rắn thêm chân, chi bằng cứ để cái chết của Quách Tĩnh dừng lại ở đó, để độc giả tự tưởng tượng, tự bổ sung những tình tiết còn thiếu.
Tổng hợp