- Theo Helino | 13/04/2019 11:59 AM
Đầu tháng 4/2019, trên mạng xã hội và một số trang tin đã xuất hiện câu chuyện gây sốc: một nữ y tá sắp qua đời đã thú nhận bà đã đánh tráo đến 5000 đứa trẻ trong quá trình làm việc.
Câu chuyện có nguồn gốc từ trang Zambian Observer, nói về Elizabeth Bwalya Mwewa - một nữ y tá từng làm việc tại bệnh viện nhi của ĐH Teaching (Zambia). Vào thời khắc gần đất xa trời, bà đã đưa ra bức thư sám hối với một bí mật gây chấn động: trong giai đoạn 1983 - 1995 làm việc tại nhà hộ sinh của bệnh viện, bà đã đánh tráo gần 5000 trẻ, cố tình đưa con cho "nhầm" cha mẹ với mục đích là để... giải trí.
Người phụ nữ được cho là đã tráo đến 5000 đứa trẻ
Thông tin này thật sự gây hoang mang dư luận, thậm chí cơ quan chức năng phải vào cuộc điều tra. Và trong quá trình tìm hiểu, câu chuyện đã để lộ ra rất nhiều vấn đề được trang Snope (trang chuyên "bóc mẽ" các bản tin fakes bị lan truyền) đưa ra.
Đầu tiên, nhiều người đã nhận thấy câu chuyện có một điểm rất vô lý nằm ở số lượng trẻ bị đánh tráo. Với hơn 5000 đứa trẻ trong 13 năm, điều này có nghĩa rằng mỗi ngày bà phải tráo đến hơn 1 đứa trẻ. Đó là chưa kể bức thư còn tỏ ra hối lỗi khi "có vô số cặp vợ chồng phải ly dị sau khi xét nghiệm ADN".
Tần suất tráo đổi lớn, tỉ lệ ly dị cao, vậy mà sau ngần ấy năm không một ai lên tiếng? Và bất ngờ thay, người phụ nữ có tên Elizabeth Bwalya Mwewa mà trang Zambian Observer đưa tin thậm chí còn... không tồn tại.
Và ngay sau đó, chính trang tin này đã phải đăng tải một bài viết "tự giải mã" chính thông tin mà mình đăng trước đó.
Thông báo chính thức của Hội đồng điều dưỡng Zambia
Theo trang Snope, Zambian Observer không phải là một nguồn tin đáng tin cậy. Ngoài ra thì chỉ sau bản tin trên ít ngày, Zambian Observer cũng sử dụng chính bức ảnh của "Elizabeth Bwalya Mwewa" cho một vụ đánh tráo trẻ em khác tại bệnh viện Ndola Teaching (cũng thuộc Zambia).
Lần này, cái tên xuất hiện là Ma Sedaye, được mô tả là người Zimbabwe đang sống tại Columbus (Ohio). Bản tin sau đó được xác nhận là đúng sự thật.
Zambian Observer cũng sử dụng hình ảnh của người phụ nữ này trong một vụ án khác sau đó ít ngày
Tóm lại, thông tin về bức thư và người phụ nữ tráo 5000 đứa trẻ là hoàn toàn SAI SỰ THẬT. Đây cũng là bài học cảnh tỉnh cho chúng ta trước khi tin tưởng và lan truyền một luồng thông tin nào đó: cần phải có bằng chứng rõ ràng và đáng tin cậy.
Tham khảo: Snope, AFP Fact Check