- Theo Helino | 26/09/2019 09:20 PM
Trải qua nhiều giai đoạn phát triển, ngành công nghiệp game hiện nay đang rất phong phú. Có rất nhiều cách để các nhà phát triển game làm ra sản phẩm hằng năm. Có những công ty sẽ tập trung phát triển sản phẩm mới, cũng sẽ có những công ty chỉ tập trung phát triển những bản remake, remaster hoặc reboot. Vậy, giữa những khái niệm đó có gì khác nhau?
Reboot có nghĩa là tái khởi động. Nghĩa là một sản phẩm sẽ được làm lại mà không cần phải tuân theo một cốt truyện, nhân vật mà trước đó nó đã xây dựng nên. Việc reboot lại một tựa game góp phần tạo cho game thủ có một cảm giác mới mẻ, hứng thú trên một câu chuyện hoàn toàn khác với những chất liệu đã quen thuộc từ rất lâu. Có thể, một bản reboot sẽ khiến tựa game đó có phần thích hợp với thời đại hơn, dễ gần hơn và thậm chí là tạo một bước nhảy xa hơn nữa. Một ví dụ điển hình về reboot chính là tựa game "Prince of Persia: The Sands of Time". Nó đã thay đổi cả lối chơi, thiết kế và nhân vật chính của chuỗi Prince of Persia.
Remaster là một loại hình tái bản các sản phẩm của các công ty phát hành game với phiên bản tối ưu hơn. Các nhà phát hành game sẽ phát triển những tựa game cũ của mình trên các hệ thống mới và có hiệu suất tốt hơn rõ rệt. Họ sẽ chỉ tác động để cải thiện kết cấu và khung hình, trong khi đó, cố gắng giữ cho trò chơi gần như nguyên vẹn. Thường thì họ làm điều đó bằng cách cố gắng sử dụng càng nhiều mã gốc càng tốt. Để nâng cao trải nghiệm và tối ưu hóa, các nhà phát hành game hoàn toàn có thể cân nhắc việc bổ sung một số DLC. Một ví dụ về bản remaster là Final Fantasy X và X-2 cho PS4.
Remake là một khái niệm khá dễ nhầm lẫn với remaster. Nó đơn giản chỉ là bản dựng lại của một tựa game nào đó để cập nhật thêm các hệ thống hiện đại hơn. Các bản remake thường cố gắng trung thành với bản gốc nhất có thể. Một ví dụ về bản remake là "Crash Bandicoot N Sane Trilogy".
Port là một khái niệm không mấy phổ biến với các game thủ. Nó được hiểu nôm na là khi các nhà phát hành game phát triển sản phẩm của mình từ hệ thống ban đầu sang một nền tảng mới. Port hiện nay đã dần phổ biến hơn khi công nghệ ngày càng phát triển. Hiện nay, game thủ đã có thể chơi game trên nhiều nền tảng khác nhau như: Play Station, Nintendo, PC, và thậm chí là các thiệt bị di động.
Điều này thúc đẩy các nhà phát hành game phải liên tục cho ra những bản port cho các sản phẩm của mình để tạo được sự phong phú trong nền tảng chơi game. Từ đó mang lại sự tối ưu về doanh thu của sản phẩm góp phần mang về lợi nhuận tối đa. Một ví dụ về một bản port là "Ni No Kuni: Wrath of the White Witch" được chuyển từ PS3 sang Nintendo Switch.