Sự khác biệt giữa các thể loại phim: Sequel, Reboot, Spinoff ...

Dr.Jackal  - Theo Trí Thức Trẻ | 15/08/2016 0:00 AM

Đối với một franchise, phần phim tiếp theo có thể được thực hiện theo nhiều kiểu khác nhau như: sequel, prequel, crossover, reboot, remake, và spinoff.

Để làm nên một franchise (thương hiệu phim nhiều phần) phim thành công và được nhiều người biết đến không phải là chuyện dễ dàng, vậy nên suốt nhiều thập kỷ qua, khán giả đã không còn xa lạ với cách làm phim “mì ăn liền” dựa trên các franchise nổi tiếng sẵn của Hollywood. Suy cho cùng, đó chính là cách “hái ra tiền” hiệu quả nhất – trong số 10 bộ phim ăn khách nhất năm 2015, có 8 cái tên là thuộc một franchise. Mặc dù có không ít fan hâm mộ than phiền về sự “lười sáng tạo” này, tuy nhiên khi mà tiền vẫn cứ đổ ầm ầm vào túi của các studio thì chắc chắn các fan đó sẽ bị “ngó lơ” mà thôi.

Đối với một franchise, phần phim tiếp theo có thể được thực hiện theo nhiều kiểu khác nhau như: sequel, prequel, crossover, reboot, remake, và spinoff.

Định nghĩa chính xác từng khái niệm trên không phải là một công việc dễ dàng, đặc biệt là khi các phương tiện truyền thông vẫn thường sử dụng chúng một cách qua loa, đôi khi … chồng chéo lên nhau. Danh sách dưới đây sẽ giúp các “mọt phim” hiểu rõ hơn về từng thể loại trong franchise và bớt “gà mờ” hơn khi luyên thuyên với đám bạn trước khi vào rạp.

1. Sequel (nôm na là hậu truyện)

Sequel là cách thông dụng nhất để xây dựng một franchise của Hollywood. Định nghĩa chính xác của nó là phần nối tiếp của bộ phim trước – ví dụ như “Jaws 2” (1978) tiếp tục câu chuyện của “Jaws” (1975), “Back to the Future Part II” (1989) nối tiếp diễn biến của “Back to the Future” (1985). Bạn có thể sẽ gặp lại hầu hết (hoặc tất cả) những diễn viên cũ tiếp tục thể hiện vai diễn quen thuộc của họ, và thông thường thì sequel sẽ có cùng đội ngũ sáng tạo với phần phim trước đó.

Trong một vài trường hợp, thể loại của phim sequel có thể chệch đi đôi chút so với bộ phim gốc. Vì dụ như “Terminator 2: Judgment Day” (1991) thiên về phim hành động hơn người tiền nhiệm thuộc thể loại sci-fi/thriller – “The Terminator” (1984).

2. Prequel (nôm na là tiền truyện)

Trong khi nội dung của sequel xảy ra ngay sau bộ phim gốc để tiếp tục câu chuyện, thì prequel diễn ra trước bộ phim gốc để phát triển backstory (tiền truyện). Thuật ngữ này gắn liền với “Star Wars Prequel Trilogy”, bộ ba phim phát hành từ năm 1999-2005 này lại nói về những sự kiện xảy ra hàng thập kỷ trước hiện thực của “Star Wars Trilogy” gốc (1977-1983), đưa chúng ta trở về quá khứ của những nhân vật kinh điển nhất trong series này. Tương tự như vậy, sự kiện trong “Indiana Jones and the Temple of Doom” (1984) xảy ra một năm trước “Raiders of the Lost Ark” (1981).

Có lẽ thử thách lớn nhất của các bộ phim prequel là khán giả đã biết được kết cục cuối cùng của các nhân vật, vậy nên nhà sản xuất phải tìm cách nào đó để chắc chắn rằng họ vẫn sẽ bị bất ngờ và thu hút theo cách riêng biệt. Ngoài ra việc các diễn viên phải đóng làm … phiên bản trẻ hơn của họ cũng không phải là chuyện đơn giản gì, ví như trường hợp diễn viên Anthony Hopkins trong vai Hannibal Lecter ở phim “Red Dragon” (2002) và “The Silence of the Lambs” (1991).

3. Crossover (nôm na là đan xen)

Một bộ phim có thể là sequel của hai hay thậm chí nhiều bộ phim khác. Các studio làm như vậy để tập hợp những nhân vật được yêu thích từ nhiều bộ phim khác nhau của mình. Có lẽ bộ phim crossover đầu tiên được thực hiện là “Frankenstein Meets the Wolf Man” (1943) của Universal Studios. Sau đó họ tiếp tục với “House of Frankenstein” (1944) – bổ sung thêm một con quái vật khác là Dracula, rồi đến “House of Dracula” (1945) và thành công nhất là “Abbott and Costello Meet Frankenstein” (1948).

Thể loại crossover đã thực sự trở thành “bom tấn” của Hollywood với thành công bùng nổ của “The Avengers” (2012), bộ phim tập hợp mọi siêu anh hùng của Marvel Studios, giúp Vũ trụ Điện ảnh Marvel trở thành series phim ăn khách nhất mọi thời đại.

4. Reboot (nôm na là tái khởi động)

Reboot là khi một studio quyết định thực hiện một phiên bản hoàn toàn mới của một bộ phim cũ, tái khởi động lại mọi thứ vẫn với ý tưởng gốc nhưng không có bất cứ sự kết nối nào với phiên bản gốc. Mọi hiện thực trong phiên bản cũ đều bị xóa bỏ. “Batman Begins” (2005) chính là một bản reboot của “Batman” (1989) – mặc dù vẫn sử dụng cùng những nhân vật và bối cảnh đó, song câu chuyện diễn ra ở một hiện thực hoàn toàn khác. “Ghostbusters” năm 2016 cũng là một bản reboot của “Ghostbusters” năm 1984 bởi lẽ nó diễn ra trong một thế giới mà phiên bản gốc chưa bao giờ tồn tại.

Điều tách biệt reboot với sequel hay spinoff là nó giống như mọi thứ đang diễn ra ở một vũ trụ song song, cùng ý tưởng bối cảnh và nhân vật đó, nhưng cách triển khai là hoàn toàn khác nhau.

5. Remake (nôm na là làm lại)

Xét trên nhiều khía cạnh, hai khái niệm remake và reboot là tương đối giống nhau. Cả hai đều là một phiên bản mới toanh của bộ phim gốc. Tuy nhiên, “reboot” thường được sử dụng cho cả một franchise phim, trong khi “remake” là thuật ngữ dành cho những bộ phim đơn lẻ. Ví dụ,” Scarface” (1983) là bản remake của “Scarface” (1932), và “The Departed” (2006) là bản remake của bộ phim Hồng Kông “Vô Gian Đạo”(2002).

Đôi khi những bản remake có thể tình cờ trở thành một franchise. Đó chính là trường hợp của “Ocean’s Eleven” (2001) – bản remake của “Ocean’s 11” (1960), sau đó vì quá thành công nên đã sản xuất thêm 2 phần sequel nữa là “Ocean’s Twelve” (2004) và “Ocean’s Thirteen” (2007).

6. Spinoff (nôm na là riêng lẻ)

Trong một bộ phim, không phải lúc nào nhân vật chính cũng được khán giả yêu thích nhất, mà thỉnh thoảng còn bị một nhân vật phụ “vượt mặt”. Khi đó, studio có thể chuyển hướng phát triển của franchise nếu cảm thấy sẽ thu được nhiều lợi nhuận hơn. Nhờ vậy, nhân vật phụ này có thể trở thành vai chính trong bộ phim của riêng mình – một spinoff.

Lấy ví dụ như Mèo đi Hia là một nhân vật nổi bật trong “Shrek 2” (2004) và sau đó đã có bộ phim riêng của mình vào năm 2011. Đây được coi là một spinoff bởi lẽ những nhân vật chính trong franchise “Shrek” không xuất hiện, mà thay vào đó nội dung tập trung vào Mèo đi Hia. Spinoff có thể là sequel hoặc prequel cho bộ phim gốc, tùy vào thời điểm mà câu chuyện trong đó diễn ra.

Theo about

10 nam diễn viên nổi tiếng từng lồng tiếng nhân vật video game