- Theo Trí Thức Trẻ | 11/07/2020 01:07 PM
Mới đây, streamer nổi tiếng bậc nhất thế giới Tyler "Ninja" Belvins đã tuyên bố anh sẽ xóa tài khoản TikTok của mình và không sử dụng nền tảng chia sẻ video hiện đang nổi đình nổi đám này nữa vì những lý do liên quan đến bảo mật và quyền lợi người dùng.
Chia sẻ trên tài khoản Twitter sở hữu hơn 6 triệu lượt theo dõi, Ninja cho biết: "Tôi đã xóa ứng dụng TikTok khỏi toàn bộ thiết bị của mình. Hy vọng rằng công ty khác ít can thiệp vào dữ liệu người dùng hơn và không thuộc sở hữu của Trung Quốc, có thể tái tạo lại concept chia sẻ video này. Đây là cách tuyệt vời để các influencer chia sẻ những nội dung hài hước và độc đáo của mình".
Streamer đình đám bậc nhất thế giới Ninja đã tuyên bố sẽ "nghỉ chơi" TikTok vì những lo ngại liên quan đến vấn đề bảo mật.
Nếu như bạn chưa biết, Ninja từng là streamer có lượt người xem khủng nhất trên Twitch - nền tảng livestream thuộc sở hữu của Amazon. Tuy nhiên, vào tháng 8/2019, chàng trai tài năng này đã bỏ lại tất cả để ký hợp đồng mới với Microsoft để hoạt động trên nền tảng Mixer.
Đến ngày 22/6, Microsoft đã bất ngờ đóng cửa nền tảng này và giải phóng hợp đồng cho Ninja. Điều đó buộc anh phải cân nhắc lại hướng đi trong thời gian tới, trong đó bao gồm cả phương án quay trở lại với "mảnh đất cũ" YouTube.
Trở lại với vấn đề chính, hành động tẩy chay TikTok của Ninja là hoàn toàn có cơ sở và anh cũng không hề quá lời khi chỉ trích ứng dụng này đang can thiệp quá sâu vào dữ liệu người dùng hơn những mạng xã hội khác như Facebook hay Twitter. Đầu tuần vừa qua, chính phủ Mỹ cũng đã tuyên bố họ đang xem xét đến khả năng cấm TikTok tại quốc gia này, giống như những gì Ấn Độ đã thực hiện trước đó.
Sau Ấn Độ, đến lượt Mỹ cũng đang xem xét khả năng cấm cửa TikTok tại quốc gia này.
Chia sẻ với Fox News trong buổi phỏng vấn vào ngày 6/7, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo khẳng định chắc chắn sẽ cấm cửa TikTok để ngăn chặn những mối đe dọa liên quan đến an ninh quốc gia. Ông cũng cảnh báo người dân nên thận trọng khi tải về và sử dụng ứng dụng này, bởi dữ liệu của họ hoàn toàn có thể bị Trung Quốc thu thập và theo dõi.
Sau đó, tổng thống Mỹ Donald Trump lên tiếng nhưng không liên quan cho lắm: Hành động cấm TikTok tại Mỹ được xem là đòn trừng phạt dành cho Trung Quốc vì đại dịch liên quan đến virus Corona.
Mặt khác, TikTok đã lên tiếng phủ nhận những cáo buộc liên quan đến vấn đề thu thập dữ liệu người dùng. Đồng thời, ứng dụng này cũng đang tìm cách để trở nên độc lập hơn, khác biệt hơn so với phiên bản gốc ở Trung Quốc (Douyin).
Đại diện của TikTok cho biết: "TikTok được dẫn dắt bởi CEO người Mỹ với hàng trăm nhân viên, lãnh đạo luôn tuân thủ các quy tắc bảo mật, sản phẩm và chính sách công cộng tại quốc gia này. Mục tiêu tối cao của chúng tôi là tạo ra môi trường, trải nghiệm an toàn cho người dùng. Chúng tôi chưa từng và sẽ không bao giờ cung cấp dữ liệu của họ cho chính phủ Trung Quốc, ngay cả khi họ có yêu cầu chúng tôi làm vậy".
Mặc dù không hoạt động ở Trung Quốc, nhưng TikTok vẫn được xem là phiên bản quốc tế của Douyin - ứng dụng đang làm mưa làm gió tại quốc gia đông dân nhất thế giới.
Theo BusinessInsider