Status đắng nhưng thật của một bình luận viên game nổi tiếng tại Việt Nam

Hoàng Hôn  - Theo Trí Thức Trẻ | 10/05/2016 03:25 PM

Chúng ta hãy cùng đến với những trải lòng về nghề caster tại Việt Nam từ 2 năm trước của PewPew - bình luận viên DOTA 2 được yêu mến nhất tại Việt Nam.

Có lẽ cái tên PewPew đã trở nên quen thuộc đối với cộng đồng game thủ DOTA 2. Anh được đánh giá là một trong những bình luận viên có lượng fan đông đảo nhất nhì Việt Nam. Nhờ vào khả năng đọc trận đấu nhanh, phong cách nói chuyện vui vẻ thì PewPew đã sớm có được chỗ đứng cho riêng mình.

Nhờ tính năng "On this day" (Ngày này năm xưa) của Facebook mà mới đây, PewPew đã được đọc lại Status mình viết ra cách đây 2 năm trước. Điều đáng nói là nếu nhìn vào đây và ngẫm nghĩ, chúng ta vẫn thấy được rằng những gì PewPew đúc kết từ 2 năm trước đến bây giờ vẫn đúng với cộng đồng game thủ Việt cũng như nghề caster ở Việt Nam. (Đây là status trả lời câu hỏi được đưa ra từ phía một fan của PewPew).

Chúng tôi xin được trích status này (Những từ ngữ phản cảm đã được chỉnh sửa):

Nhiều người chê anh bình luận dở, la hét om sòm, nói nhảm, ở Việt Nam còn đầy bình luận viên hay hơn. Anh thấy có đúng như vậy không và nếu đúng anh sẽ làm gì?

Bình luận la hét = Thằng này nhảm

Bình luận phân tích = Thằng này buồn ngủ

Bình luận đùa trêu = Thằng này liên thiên

Bình luận trả lời câu hỏi = Tập trung vào trận đấu đi, chẳng chuyên nghiệp gì cả

Bình luận hay check chat = Thiếu chuyên nghiệp

Bình luận không check chat = Không quan tâm người xem

Bình luận phân tích trong combat = Thằng dở người, combat hay thế mà ngồi nói nhảm

Bình luận hưng phấn - Thằng này chắc dùng chất kích thích

Stream để HD = Lag, thằng này không biết chỉnh à

Stream mờ = Stream không chuyên nghiệp thế này mà mở mồm ra là chuyên nghiệp

Em còn muốn hỏi anh gì nữa không?

À, nhiều bình luận viên hay hơn anh. Tốt. Anh stream có mọi người ủng hộ, giải vẫn mời, anh em làm chung vẫn tôn trọng là mừng lắm rồi. Cứ phải nhất với hay hơn người ta để làm gì. Anh đã bảo rồi. Anh xin nhận là anh ngu dốt nhưng chăm chỉ cần cù hơn người khác là được. Không dám nhận hay, khôn hơn người.