So sánh Thanos và Darkseid, hai gã phản diện sừng sỏ của Marvel với DC

MT  - Theo Trí Thức Trẻ | 06/04/2021 11:12 AM

Cả Thanos và Darkseid trong lịch sử comic đều được lấy cảm hứng lẫn nhau, nhưng ở đó vẫn có những điểm khác biệt giữa hai kẻ phản diện này.

Cả MCU và DCEU hiện nay đang là hai trong số những vũ trụ điện ảnh cực kỳ nổi tiếng với một dàn anh hùng đồ sộ như Iron Man, Spider-Man, Captain America, Batman, Superman và Wonder Woman. Nhưng sẽ thật là thiếu sót nếu lại bỏ qua hai phản diện sừng sỏ gồm Thanos và Darkseid. Thanos lần đầu ra mắt trong MCU là từ năm 2012, khi gã Titan này xuất hiện ở phần phim The Avengers đầu tiên. Thanos sau đó trở thành phản diện chính trong cả hai bom tấn gần đây là Infinity War và Endgame. Còn với Darkseid, vị chúa tể của Apokolips chỉ thực sự được ra mắt chính thức là vào năm 2021 ở Zack Snyder’s Justice League do trước đó đã bị lược bỏ ra khỏi phiên bản của Joss Whedon.

Mặc dù Steppenwolf trong Zack Snyder’s Justice League là phản diện chính với nhiều thời lượng hơn trong vòng 4 tiếng đồng hồ, nhưng Darkseid vẫn cho thấy sự đáng sợ từ một kẻ cai trị, thậm chí còn từng được hoạch định để chạm trán với Superman cũng như toàn bộ Justice League trong tương lai. Darkseid đã phần nào để lại được ấn tượng ở người xem và có đầy đủ các nguyên tố để tái hiện lại sự đáng sợ như trong comic.

Còn Thanos như ở hai phần Avengers gần nhất đã toát lên hình ảnh của một kẻ phản diện có cả đầu óc lẫn sức mạnh vô song. Khiến cho một nửa vũ trụ bay màu trong 5 năm là ví dụ điển hình để nói về Thanos. Cả Thanos và Darkseid trong lịch sử comic đều được lấy cảm hứng lẫn nhau, nhưng ở đó vẫn có những điểm khác biệt giữa hai kẻ phản diện này.

So sánh Thanos và Darkseid, hai gã phản diện sừng sỏ của Marvel với DC - Ảnh 1.

Sự tương đồng và khác biệt giữa Thanos và Darkseid trong Comic

Đầu tiên sẽ là Darkseid. Darkseid là một trong các Tân thần được Jack Kirby tạo ra vào năm 1971, và đã có một chiều dài lịch sử phát triển trong DC Comics. Darkseid có tên thật là Uxas, người con trai của vị chúa tể đầu tiên ở Apokolips, Uga Khan và nữ hoàng Heggra. Ngay sau khi mà người ba bị giam cầm bởi Source Wall, Uxas đã tiến hành một cuộc hạ sát lên cả thân mẫu lẫn anh trai của mình, qua đó trở thành người cai trị tiếp theo của Apokolips với danh xưng hoàn toàn mới là Darkseid. Cũng chính từ việc ra tay lên người anh em của mình đã giúp cho Darkseid có được một trong những khả năng gắn liền với tên tuổi của gã Tân thần này, Omega Effect. Một trong những mục đích lớn nhất của Darkseid là truy tìm Anti-Life Equation, thứ được xem như "chiếc chìa khóa vạn năng nắm giữ vạn vật trên cõi đa vũ trụ".

Đến với New 52, Darkseid vẫn được giữ y nguyên cái tên Uxas nhưng lại có nhiều thay đổi về mặt nguồn gốc. Lần này hắn ta là một người nông dân bình thường đã hạ bệ các Cổ thần, tạo ra Apokolips từ đống tro tàn ở quê hương của hắn và trở thành kẻ thống trị nơi đây. Một chi tiết mà vũ trụ New 52 vẫn đưa vào từ nguyên gốc là Darkseid luôn muốn toàn cõi đa vũ trụ phải quỳ lạy dưới chân mình, để rồi dẫn tới màn chạm trán với các anh hùng ở trái đất.

Được tạo ra bởi bộ đôi Mike Friedrich và Jim Starlin vào năm 1973 dựa trên cảm hứng từ chính Darkseid, Thanos có xuất thân là một Eternal, giống loài mang trong mình sức mạnh vượt trội ở hành tinh Titan. Hắn ta là con trai của A’Lars và Sui-San, và có người anh trai tên là Eros/Starfox. Là một Eternal nhưng lại đột biến gen và có vẻ ngoài như Deviant, Thanos từng suýt chút nữa đã bị hạ sát bởi chính người mẹ đẻ của mình và trở thành kẻ dị biệt trong giống loài. Khi trưởng thành, Thanos đã có một cuộc hành trình chu du khắp vũ trụ nhằm thỏa mãn mong muốn được nghiên cứu và học hỏi lại nhiều nền kiến thức khác nhau. Một trong những sự kiện nổi tiếng bậc nhất lịch sử Marvel Comics gắn liền với cái tên Thanos chính là cuộc truy tìm các viên đá vô cực ở đầu truyện The Infinity Gauntlet. Nhưng khác so với bản điện ảnh, Thanos muốn nắm giữ sức mạnh từ các viên đá vô cực như một cách để lấy lòng Death, người tình của hắn.

Một điểm khác biệt ở Thanos so với Darkseid là đôi khi hắn ta còn hợp tác với một vài anh hùng như Adam Warlock hay Narmor the Sub-Mariner.

So sánh Thanos và Darkseid, hai gã phản diện sừng sỏ của Marvel với DC - Ảnh 2.

Thanos trong MCU và kế hoạch ở các phần phim Avengers

Vào năm 2012, Thanos chính thức gia nhập vũ trụ điện ảnh MCU khi có vài giây xuất hiện trong phần post-credit. Và phần phim Avengers đầu tiên chính là nền tảng để hình thành nên một trong những phản diện có tầm ảnh hưởng lớn nhất lên toàn cục của MCU. Cũng như nguyên tác, Thanos vẫn truy tìm các viên đá vô cực, nhưng chi tiết lấy lòng Death đã bị loại bỏ. Thay vào đó, Marvel Studios đã cho hắn lý do đằng sau hành động của mình một cách thuyết phục hơn. Năm xưa, Thanos là một trong những người duy nhất ở hành tinh Titan nhận ra được sự quá tải dân số có thể dẫn đến việc thiếu lương thực, phân chia giai cấp mà sẽ đe dọa đến sự diệt vong của cả một nền văn minh. Thế là hắn đã đề xuất ý kiến loại bỏ một nửa dân số trên quê hương của mình để làm cân bằng lại hệ thống, nhưng kết cục lại bị lưu đày ra khỏi Titan do ai cũng nghĩ rằng nó quá man rợn và xem Thanos như kẻ điên.

Tuy vậy Thanos đã đúng, khi Titan đã không may bị diệt vong và trở thành một chốn hoang tàn như trong Avengers: Infinity War. Thế là Thanos đã hình thành nên đội quân phục vụ dưới trướng của hắn, lập kế hoạch truy tìm 6 viên đá vô cực để xóa đi sự tồn tại của một nửa sinh mạng trong vũ trụ và giúp nó giữ được cân bằng.

Chính 3 giai đoạn đầu tiên trong MCU được thiết lập một cách dàn trải xoay quanh các viên đá vô cực cũng như Thanos. Đầu tiên là trong Avengers, khi Loki được trao cho viên đá tâm trí và dẫn đạo quân Chitauri tới trái đất nhằm đoạt lấy khối Tesseract, vật thể cất giữ viên đá không gian. Viên đá không gian xuất hiện lần đầu là trong Captain America: The First Avenger. Loki đã thất bại trước biệt đội Avengers và các viên đá vô cực vẫn ở lại với trái đất. Đến với Guardians of the Galaxy, Ronan bắt tay với Thanos để nhận về sự trợ giúp từ gã Titan điên, đổi lại hắn ta sẽ đi tìm viên đá sức mạnh. Nhưng Ronan đã lật lỏng và giữ viên đá cho riêng mình, để rồi lại để rơi nó vào tay của các Guardians. Viên đá sức mạnh sau đó được cất giữ tại hành tinh Xandar. Viên đá thực tại xuất hiện trong Thor: The Dark World. Sau thất bại từ Loki và Ronan, Thanos quyết định là đích thân hắn sẽ truy tìm các viên đá vô cực. Đến với Avengers: Infinity War, Thanos đã thành công trong việc gắn toàn bộ các viên đá vô cực vào găng tay của mình mặc cho nỗ lực ngăn cản từ biệt đội Avengers, qua đó làm một cú "búng tay" thổi bay một nửa dân số trên toàn cõi vũ trụ. Thanos sau khi đạt được thứ mà mình muốn đã dùng viên đá không gian di chuyển tới một nơi thật xa để ở ẩn.

So sánh Thanos và Darkseid, hai gã phản diện sừng sỏ của Marvel với DC - Ảnh 3.

Darkseid và kế hoạch trong DCEU khác như thế nào so với Thanos của MCU

Darkseid chỉ mới xuất hiện một cách chính thức là trong Zack Snyder’s Justice League và được lấy cảm hứng phát triển từ chính nguyên tác comic. Theo lịch sử thuật lại, Darkseid là vị lãnh chúa cai trị hành tinh Apokolips và đã thực hiện rất nhiều cuộc chinh phạt đẫm máu nhằm thỏa mãn tham vọng biến mọi sinh vật quy phục dưới chân mình. Đã có hơn 10,000 hành tinh bị Darkseid xóa sổ.

Ngoài các Mother Box ra, Darkseid còn muốn truy tìm Anti-Life Equation như trong comic nhằm nắm quyền kiểm soát lên đa vũ trụ.

Ở Darkseid và Thanos đều có những mục đích khác nhau đằng sau kế hoạch, động cơ mà hai phản diện này thực hiện. Trong comic, Darkseid có tham vọng trở thành kẻ thống trị vạn vật, còn Thanos lại muốn lấy lòng "người đẹp" Death.

Đến với phiên bản live-action trên màn ảnh rộng, Zack Snyder’s Justice League vẫn giữ nguyên bản chất của một kẻ muốn thống trị tất cả từ Darkseid. Còn Thanos lại khác biệt hơn so với comic như đã nói trước đó, khi sử dụng viên đá vô cực để ngăn tình trạng mất cân bằng ở khắp vũ trụ.

Thanos luôn tin rằng bản thân hắn đang làm điều đúng đắn và không hề cảm thấy hối hận. Gã Titan điên cho rằng bất kỳ điều gì cũng đều phải đánh đổi một thứ gì đó, kể cả việc chấp nhận hi sinh một nửa sinh mạng vì sự cân bằng cho vũ trụ. Thanos là người cực kỳ thấu hiểu điều đó, khi hắn cũng đã phải hy sinh cả cô con gái Gamora để đổi lấy viên đá linh hồn. Một khi mà sứ mệnh đã được hoàn thành, Thanos lại lui về ở ẩn để tận hưởng một cuộc sống bình yên thay vì đi xâm chiếm các hành tinh khác.

So sánh Thanos và Darkseid, hai gã phản diện sừng sỏ của Marvel với DC - Ảnh 4.

Darkseid sau khi xâm chiếm và phá hoại một hành tinh, người dân ở nơi đó sẽ bị bắt và biến đổi cấu trúc cơ thể để chuyển hóa thành những Parademon. Thêm vào đó Darkseid còn có cho riêng mình một dàn tướng lĩnh hùng mạnh gồm Steppenwolf, Desaad và Granny Goodness. Tuy đều là những thuộc hạ thân tín, nhưng ở Darkseid lại không hề có bất kỳ sự khoan hồng nào nếu chúng thất bại hoặc dám phản bội lại hắn. Chi tiết Darkseid dậm chân ngay trên đầu của Steppenwolf, kẻ đã thất bại trong việc thực hiện quy trình "Thể thống nhất" đã cho thấy được sự uy nghiêm của hắn.

Thanos thực chất cũng từng là một kẻ đi chinh phạt rất nhiều nơi khác nhau, và thu nạp những Gamora, Nebula và nhóm Black Order. Hắn cũng như Darkseid khi để cho thuộc hạ làm thay phần việc của mình thay vì nhúng tay trực tiếp vào. Nhưng gã Titan điên lại có phần khoan dung hơn, thậm chí là còn cảm thấy đau lòng sau khi tự tay ném Gamora xuống vực.

Quả thực là Darkseid lẫn Thanos đều là những nhân vật có tầm vóc, sở hữu cả trí tuệ siêu việt khi nghĩ ra được kế hoạch tuyệt vời lẫn sức mạnh vô song khiến cho nhiều kẻ phải e dè. Cả hai đều có một dàn tướng lĩnh hùng mạnh sẵn sàng làm thay phần việc của mình trong việc tìm kiếm các vật thể mang tầm vũ trụ (các viên đá vô cực, Mother Box). Nhưng ở đó vẫn có những điểm khác biệt để tạo nên nét riêng cho mỗi nhân vật.