- Theo Helino | 26/11/2019 02:00 PM
Liên Quân Mobile là game MOBA trên di động có lượng người xem giải trực tiếp thuộc hàng Top hiện nay. Số lượng "đối thủ" có thể "so găng" với Liên Quân Mobile trên phương diện eSports là không nhiều.
Thế nhưng, nếu phân tích kỹ thì mới thấy việc so Liên Quân Mobile với LMHT, hay cụ thể hơn là 2 giải đấu CKTG của chúng với nhau thì là quả khập khiễng. Bởi càng so đo thì Liên Quân Mobile lại càng... thua xa.
1. Tương quan trình độ giữa các khu vực
Không nhiều người nghĩ Fun Plus Phoenix lên ngôi vô địch CKTG LMHT 2019
LMHT có 13 khu vực, trong đó Việt Nam với giải VCS nằm trong Top 6 khu vực mạnh nhất. Nhìn sang Liên Quân Mobile, game chỉ còn 9 khu vực trước sự suy thoái của AoV ở nhiều nước (khu vực Ấn Độ giải thể, 3 khu vực Bắc Mỹ - Nam Mỹ - Châu Âu chỉ được tính 1 suất).
Đa số người xem Liên Quân Mobile có thể đoán đúng Top 4 AIC 2019, thậm chí là đoán chính xác đội vô địch.
Trong 9 khu vực này chỉ có 3 khu vực thực sự mạnh và Việt Nam nằm trong số này. Không những vậy, Việt Nam còn là khu vực AoV mạnh nhất với 2 lần Á quân AIC, 1 lần vô địch AIC và 1 lần vô địch AWC. Trái lại, 4/6 khu vực có nền LMHT hùng mạnh nhất lại... không "ham hố" Liên Quân Mobile. Đại diện LMHT của VN dự CKTG chỉ cần qua được Vòng bảng đã là thành công lắm rồi.
2. Sức lan tỏa của giải đấu
Riot đã đưa CKTG LMHT tới nhiều thành phố ở Châu Á, Châu Âu, Bắc Mỹ.
Với số lượng khu vực và giải đấu quốc nội rộng khắp thế giới, Riot đã đem CKTG LMHT tới rất nhiều quốc gia ở nhiều châu lục: Á - Âu - Bắc Mỹ. Trái lại, Tencent chỉ có thể đưa AWC hay AIC "quanh đi quẩn lại" Việt Nam và Thái Lan. Đơn giản, đây là 2 nước mà người xem đông nhất, chiếm tỷ lệ từ 90 - 95% tổng số người xem giải. Tron quá khứ, Tencent từng đưa AWC tới Mỹ hay AIC tới Hàn Quốc nhưng số liệu giải đấu đều kém rất xa các nước đăng cai về sau này như Việt Nam, Thái Lan.
Việt Nam và Thái Lan là 2 chủ nhà trong 3 giải AoV thế giới gần nhất.
3. Giá trị của các vận động viên
Huni - tuyển thủ LMHT Hàn Quốc điển hình ký được hợp đồng triệu USD khi xuất ngoại.
Các đội dự CKTG LMHT đều trải qua một hành trình gian nan, vất vả ở giải quốc nội. Trong đó, các vận động viên của các đội cũng được tuyển chọn kỹ lưỡng. Với 5 lần liên tiếp có đại diện dự CKTG thế giới, Hàn Quốc đã từng là khu vực số 1 thế giới. Làn sóng tuyển ngoại binh Hàn cũng trở thành "trào lưu" ở LPL, LCS, TCL, LJL với bao tài năng như Impact, CoreJJ, Huni, LirA, TheShy,... Thậm chí ở VN, SofM đã là niềm tự hào của bao bạn trẻ khi xuất ngoại thành công.
JJAK - tuyển thủ LMHT Hàn Quốc vô địch AWC có cuộc sống bấp bênh.
Nhưng với Liên Quân Mobile, các hợp đồng chuyển nhượng hay drama xoay quanh nó đều rất "nhẹ nhàng". Các tuyển thủ dự CKTG Liên Quân Mobile cũng là điều đáng bàn. Rất nhiều tuyển thủ trong số này thuộc diện "vô danh", "không chuyên" hay thậm chí còn đang thất nghiệp thì được huy động đi dự giải. (Trung Quốc cử đội King of Glory "làng nhàng", Hàn Quốc chỉ cử một đội phong trào với "hạt nhân" là JJAK, Nhật Bản thì thậm chí còn là "team Việt Nam 3", Bắc Mỹ chỉ định một đội không chơi chuyên nghiệp tới hơn nửa năm đi dự..)
Các dự án game MOBA nói chung và LMHT Tốc Chiến nói riêng sẽ khiến "thế giới AoV" ngày càng bị thu hẹp.
Bước sang năm 2020, khi mà hàng loạt game MOBA mới chuẩn bị tiến vào chiếm thị phần thì quy mộ cộng đồng AoV càng bị thu hẹp. Kịch bản giải đấu AWC hay AIC là thứ mà có lẽ 99% người xem cũng đoán được dù giải chưa diễn ra. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người ví AWC hay AIC là môn bóng đá ở SEA Games, trong khi CKTG của LMHT thì tựa như World Cup bóng đá mà 4 năm mới diễn ra 1 lần.