“Simulator Sickness” - chứng bệnh đáng sợ mà mọi game thủ đều phải e ngại

Nga0Du  - Theo Trí Thức Trẻ | 04/10/2016 04:05 PM

Đây là lý do cơ bản nhất khiến nhiều người không thể tiếp cận được với những tựa game như Overwatch, Paladins hay Paragon.

Trong thời gian vừa qua, bên cạnh Overwatch, sự ra đời của hàng loạt game lai giữa “bắn súng” và “MOBA” đã liên tiếp ra đời đã tạo ra một xu hướng game mới vô cùng cuốn hút và đặc sắc.

Mặc dù hấp dẫn là vậy, tuy nhiên khi nói đến thể loại game này một số lượng lớn game thủ vẫn phải lắc đầu, lè lưỡi và từ chối. Lý do cơ bản nhất khiến họ không thể tiếp cận được với những tựa game như Overwatch, Paladins hay Paragon chính là chứng bệnh “Simulator Sickness”, một triệu chứng gây chóng mặt và buồn nôn khi chơi game.

Một game thủ mắc phải chứng bệnh này buồn bã chia sẻ: “Có ai chơi game dạng FPS hay bị nhứt đầu , chóng mặt như em không. Nãy vào test Paladins vài phút đầu chơi mượt, chơi được tầm 15 là choáng , buồn nuôn . Làm thế nào khắc phục đây, mọi người giúp với…”

Không chỉ có một mình người chơi trên, rất nhiều game thủ khác cũng đã gặp phải tình trạng tương tự: "tôi cũng vậy, bị từ bé cơ", "Chơi CF được 10 phút chạy ra nôn thốc nôn tháo", "không hiểu sao bắn Halflife thường thì không sao, bắn Halflife ma một phát là sấp mặt luôn", "tôi chơi HL với L4D được nửa tiếng là nhức đầu, chóng mặt"...

Được biết, Simulator Sickness là một dạng bệnh sinh ra từ tâm lý khi con người ta tiếp xúc nhiều với những tựa game mang thiết kế môi trường ảo, góc nhìn 3D chứa nhiều chuyển động phức tạp. Những trường hợp mắc chứng bệnh này không phải thiểu số, trên thực tế đây là chứng bệnh gây ảnh hưởng tới 25-40% dân số thế giới. Hầu hết người mắc phải nó là game thủ hoặc dân văn phòng – những người thường xuyên phải làm việc tiếp xúc với màn hình máy tính trong một khoảng thời gian dài.

Để điều trị căn bệnh này, cách tốt nhất để tránh bị "say trong game" chính là chơi thường xuyên và rèn luyện dần sự chống chịu của mình. Người có triệu chứng cần thử chơi từ ít đến nhiều, ban đầu chỉ nên mỗi ngày một lần.

Ngoài việc không nên chơi khi đang mệt mỏi hoặc bị ốm, cảm, trước khi chơi, bạn nên tắt hết tất cả các nguồn sáng trong phòng, ngồi xa màn hình càng tốt nhưng phải đảm bảo vẫn có thể đọc được chữ. Khi chơi, nếu thấy "ong đầu", game thủ chỉ nên giải trí theo quãng 10 phút một lần. Sau khi đã quen dần, bạn có thể kéo dài thời gian này ra. Đầu người chơi nên hạn chế dao động, nhắm mắt khi nhấn Pause và quay đầu đi khỏi màn hình trước khi vào lại game.