Năm 2019, Shazam! của đạo diễn David F. Sandberg ra mắt và chứng minh Vũ trụ Mở rộng DC (DCEU) có thể cho ra đời một bộ phim siêu anh hùng theo hướng phim gia đình vui nhộn và hài hước. Phát hành tại rạp vào tháng 4/2019, phim thu về 366 triệu USD từ phòng vé toàn cầu trên kinh phí sản xuất khoảng 100 triệu USD (theo IMDb).
Khoản lợi nhuận mà Shazam! mang về có phần khiêm tốn nếu so với Aquaman (2018) vừa ra mắt năm trước đó, nhưng con số 90% phản hồi tích cực từ các cây bút phê bình và 82% từ khán giả đại chúng trên chuyên trang Rotten Tomatoes lại là điều mà bộ phim với Jason Momoa trong vai chính không làm được. Và chừng ấy, cùng với tương lai hứa hẹn về một cuộc đối đầu giữa Shazam (Zachary Levi) và Black Adam (The Rock) trên màn ảnh là vừa đủ để Warner Bros. bật đèn xanh cho một phần hậu truyện.
Trong Shazam! Fury of the Gods, Billy Batson (Asher Angel) - nhà vô địch được phù thủy (Djimon Hounsou) lựa chọn để thừa kế sức mạnh của Shazam - đang phải đương đầu với một nỗi muộn phiền: cậu cảm thấy các anh chị em đang dần rời xa mình. Tình trạng mạnh ai nấy làm này cũng gián tiếp gây ra những ảnh hưởng không nhỏ tới nhóm siêu anh hùng do Shazam làm thủ lĩnh. Sau vài năm hành hiệp trượng nghĩa, họ đã trở thành "đội báo thủ Philadelphia" vừa làm vừa phá.
Sự bộp chộp của Batson trong lần đối đầu phản diện Dr. Sivana (Mark Strong) từ phần phim trước đã gây ra một sai lầm chết người. Lợi dụng kẽ hở đó, ba người con gái của thần Atlas - gồm Hespera (Helen Mirren), Kalypso (Lucy Liu) và Anthea (Rachel Zegler) - đã xâm nhập vào thế giới loài người để tìm kiếm một món bảo vật quý giá với quyền năng giúp họ hồi sinh quê hương mình. Trận chiến giữa nhóm "báo thủ Philadelphia" với ba vị nữ thần hàng nghìn tuổi đã đặt thành phố này và tính mạng những người dân sống trong đó vào điệp trùng nguy hiểm.
Dự án Shazam! Fury of the Gods được Warner Bros. công bố từ khá sớm. Nhưng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cùng công cuộc cải tổ vũ trụ điện ảnh chuyển thể từ truyện tranh siêu anh hùng DC dài lâu và mỏi mệt, bộ phim liên tục bị dời lịch chiếu trước khi ấn định ngày ra rạp vào tháng 3 năm nay, chỉ sớm hơn một tháng so với thời điểm phần tiền truyện ra rạp bốn năm về trước.
Sau dịp cuối tuần đầu tiên, Fury of the Gods thu 65,5 triệu USD từ phòng vé toàn cầu. Con số giảm sâu so với "kỳ tích" 102 triệu USD mà phần tiền truyện từng đạt được khi ra rạp hồi 2019. Không chỉ sụt giảm về mặt doanh thu, phần hậu truyện còn đánh mất thiện cảm từ giới phê bình. Trên Rotten Tomatoes, chỉ 53% các chuyên gia điện ảnh dành cho Shazam! Fury of the Gods phản hồi tích cực. Duy chỉ có niềm háo hức khán giả dành cho thương hiệu Shazam! là vẫn vẹn nguyên với 83% phản hồi tích cực.
Giới phê bình nhận xét Shazam! Fury of the Gods lan man, thiếu hấp dẫn hơn phần đầu tiên, nhưng vẫn đủ ngốc nghếch một cách đáng yêu để lấy lòng khán giả (Ảnh: RT)
Tuy nhiên, cú ngã ngựa của Shazam! Fury of the Gods tại rạp cuối tuần qua nhìn chung là một kịch bản có thể lường trước được. Hồi cuối 2022, danh tiếng của Dwayne "The Rock" Johnson cũng chỉ giúp Black Adam thu về chưa đầy 400 triệu USD từ phòng vé toàn cầu trên kinh phí thực hiện rơi vào khoảng 200 triệu USD. Đáng nói, Black Adam đã có mở màn ấn tượng với 143 triệu USD từ phòng vé toàn cầu (theo Deadline).
Rất có thể Shazam! Fury of the Gods sẽ là phim siêu anh hùng kinh phí lớn tiếp theo của DC Films và Warner Bros. thất bại trong mục tiêu thu hồi vốn trên màn ảnh rộng. Nhận định về tương lai của tác phẩm siêu anh hùng, chuyên viên phân tích dữ liệu doanh thu Shawn Robbins từ BoxOffice Pro. chia sẻ: "Đó là một khởi đầu èo uột, và nó không thể khác được. Nếu không có mồi câu ở cấp mức độ sự kiện (gắn bó chặt chẽ với thị hiếu và nhu cầu của khán giả), rất khó để các bộ phim chuyển thể từ truyện tranh siêu anh hùng lặp lại được thành công của các phần phim trước nó".
Về tổng thể, trong Shazam! Fury of the Gods, khán giả vẫn sẽ tìm thấy những đặc trưng làm nên thương hiệu Shazam! cũng như thành công của phần phim tiền truyện: một gã siêu anh hùng trẻ trâu bốc đồng với lối nói năng suy nghĩ bạt mạng, diễn biến tâm lý tuổi mới lớn phức tạp, tất cả hòa hợp trong mô tả về một gia đình đích thực - nơi người ta không nhất thiết cần phải gắn bó với nhau về huyết thống mà quan trọng là sự yêu thương san sẻ.
Trong lần trở lại này, Zachary Levi tiếp tục cho thấy mình vẫn chưa quá già để vào vai một siêu anh hùng với lý trí và cảm xúc của thằng nhóc 17 tuổi rưỡi không thôi thổn thức vì "mọi người cho em ra rìa". Trở lại với vai Freddy Freeman, ngôi sao sinh năm 2003 Jack Dylan Grazer chính là người gồng gánh phần cốt truyện cuộc sống thường nhật của sáu anh chị em. Điểm đáng tiếc hơn cả trong Fury of the God chính là đất diễn cho Asher Angel quá ít, dẫn đến việc người xem không còn cơ hội được thấy câu chuyện giữa cặp bài trùng Freddy và Billy phát triển.
Giới phê bình nhận xét Shazam! Fury of the Gods lan man, thiếu hấp dẫn hơn phần đầu tiên, nhưng vẫn đủ ngốc nghếch một cách đáng yêu để lấy lòng khán giả (Ảnh: RT)
Với Fury of the Gods, DC Films có thể đang thử nghiệm cách làm của người hàng xóm Marvel Studios - mời những ngôi sao hàng đầu vào những vai phản diện… hàng áp chót trong tác phẩm của mình. Diễn xuất của Helen Mirren, Lucy Liu và Rachel Zegler bước đầu đã thổi hồn cho bộ ba Hespera, Kalypso và Anthea, mang đến cho mỗi nhân vật một đời sống và cá tính riêng. Hespera trầm tĩnh và kiên định, Kalypso táo tợn và khó lường còn cô em út Anthea phần nào vẫn nuôi dưỡng được lòng vị tha nhờ sống trong sự bao bọc của hai người chị gái.
Trên màn ảnh, nhân vật Hespera của Helen Mirren "bắt sóng" khán giả bằng những miếng hài ăn theo sự cách biệt thế hệ kiểu gen Z với boomer. Còn về phần nàng Bạch Tuyết mới của Disney, Rachel Zegler, cô và Dylan Grazer cũng xoay sở khá tốt để mang đến cho khán giả một chuyện tình gà bông với chàng Romeo mồm miệng đỡ chân tay dù bị bắt nạt nhưng vẫn quyết bảo vệ nàng Juliet khỏi đám bạn xấu tính và khiến nàng lập tức phải lòng mình.
Cốt truyện đơn giản, kết hợp yếu tố tình cảm gia đình với một chuyến phiêu lưu học sự trưởng thành của một nhóm thiếu niên can đảm đã giúp Shazam! Fury of the Gods ghi điểm với tư cách một phim giải trí cuối tuần. Nó hội tụ gần hết những điều khán giả đại chúng cần: chuyến phiêu lưu giữa các thế giới, hành trình thành công từ thất bại của siêu anh hùng, cuộc đại chiến có nguy cơ san bằng cả một thành phố, có tình tiết hài hước lại có cả những bài học cuộc sống, dàn nhân vật ưa nhìn đã làm tốt công việc của mình…
Bộ phim dường như chỉ thiếu một điều, nhưng lại là quan trọng nhất - kịch bản chất lượng. Và khi nói đến kịch bản, ta đang nói cả về một ý tưởng độc nhất, đủ khiến người xem phải rùng mình. Shazam! Fury of the Gods vẫn ở trong vùng an toàn mà phần tiền truyện ra mắt năm 2019 đã vẽ ra, khiến nó hợp với tập khán giả ở độ tuổi thiếu niên hơn là những người trưởng thành kỳ vọng vào một thứ gì đó nếu không day dứt và đen tối như The Batman (dù không thuộc DCEU), hoàng tráng như Zack Snyder's Justice League (2021) thì cũng phải quái dị và… bậy như The Suicide Squad. Tuy nhiên, những gì David F. Sandberg mang đến lại chỉ là một chú kỳ lân cầu vồng, hay The Goonies (1985) nếu phim được remake theo hướng tăng giới hạn độ tuổi.
Không những vậy, cách dẫn truyện của Shazam! Fury of the Gods còn khiến khán giả dễ mất tập trung vì thường xuyên sa đà vào những tình tiết dông dài, không phục vụ cho cốt truyện chính. Ví dụ, phim rất chuộng lối quan sát các thảm họa vào tầm chỉ siêu anh hùng mới giải quyết được qua mắt nhìn của các thường dân. Nhưng việc cho đến ba, bốn người khác nhau diễn cùng một kiểu tình tiết mà không cho thấy sự liên kết giữa họ lại là một sự thừa thãi vô cùng, khiến người xem quay lại đặt câu hỏi ngược - đạo diễn có phải bị rảnh không?
"Deus ex machina" hay "vị thần đến từ cỗ máy" là cụm từ thường dùng để chỉ lối giải quyết mâu thuẫn bằng một yếu tố bất ngờ không có sự cài cắm hay chuẩn bị từ trước đó. Trong điện ảnh hiện đại, đặc biệt là các bộ phim siêu anh hùng, cách giải quyết này dần bị đồng nghĩa với sự bế tắc của biên kịch và đạo diễn trong việc tìm lối thoát cho mâu thuẫn mình đã vẽ ra; hoặc đơn giản, họ chỉ lười và ẩu. Shazam! Fury of the Gods cũng là một tác phẩm sử dụng deus ex machina để thoát khỏi nút thắt lớn nhất của mình - trước nhất là theo đúng nghĩa đen của cụm từ này, "một vị thần".
Tình tiết này vừa nhắc lại sự xuất hiện "từ cổ trở xuống" của Superman trong Shazam!, vừa là lời khẳng định "giờ tao có đủ tiền để mời ngôi sao Justice League vào phim rồi nhé". Mặt khác, nó chính thức kết nối Shazam vào vũ trụ DCU. Nhưng trên hết, nó giúp "đảo ngược" dấu chấm hết mà kịch bản vừa đặt xuống vài phút trước cho cuộc đời siêu anh hùng Shazam. Đây là một sự "lật kèo" quá dễ dàng và trớt quớt, hoàn toàn xứng đáng để phim nhận điểm "cà chua thối" từ các nhà phê bình.