- Theo Helino | 12/04/2019 11:00 AM
Vậy trong bài hôm nay, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về câu chuyện giữa 2 cái tên này nhé!
Vào năm 1939, nhân vật Billy Baston - Captain Marvel đã được ra đời tại hãng Fawcett Comics, dưới bàn tay nhào nặn của nhà văn Bill Parker và họa sĩ C.C Beck. Anh xuất hiện lần đầu ở đầu truyện Whiz Comics #2, và kể từ đó, Captain Marvel trở thành siêu anh hùng nổi bật nhất, thậm chí vượt qua cả Superman và được đón nhận rất nồng nhiệt. Lần lượt, các nhân vật bao gồm Captain Marvel Jr (cuối năm 1941) và Mary Marvel (cuối năm 1942) được ra mắt trong các đầu truyện sau này. Định nghĩa "Marvel Family"/ "Gia đình Marvel" ra đời từ đó.
Marvel Family
Trong tình hình đó, một vụ kiện về bản quyền giữa DC và Fawcett đã nổ ra, do nhiều người cho rằng Captain Marvel chỉ là bản copy của Superman. Phiên điều trần bắt đầu từ năm 1941, và đến năm 1948 thì cả 2 bên đưa nhau ra tòa. Tuy nhiên, DC đã thua kiện do... họ chưa hề chứng minh bản quyền về Superman, đồng nghĩa với việc cho dù Fawcett có vi phạm thì DC cũng không hề có quyền kiện họ. Không chấp nhận, DC liền kiện đến tòa án liên bang để được công nhận bản quyền, để rồi họ có được lợi thế nhất định.
Vụ kiện giữa DC và Fawcett nổ ra
Đến năm 1952, vì lợi nhuận truyện siêu anh hùng giảm sút đáng kể sau Thế Chiến II cũng như phải theo đuổi vụ kiện nhiều năm trời, Fawcett trả cho DC $400,000 và đồng ý ngưng xuất bản về Captain Marvel. Sau này, vào năm 1972, DC đã mua/ hoặc xin thuê rồi lấy luôn sau khi Fawcett phá sản vào năm 1980, và bản quyền để sản xuất truyện về Captain Marvel và cả Marvel Family về tay DC.
Tuy nhiên, vào thời kì Silver Age, ngành công nghiệp truyện tranh nổi lên một ông kẹ và đã đăng ký thương hiệu một nửa cái tên của Captain Marvel. Đó chính là Marvel Comics, tiền thân là Atlas Comics sau khi đổi tên vào năm 1961. Để khẳng định chủ quyền với cái tên "Marvel", họ đã nhanh chóng đăng ký luôn bản quyền và tạo ra nhân vật Captain Marvel (Mar-Vell) vào năm 1967. Điều đó cũng có nghĩa là Marvel đã vượt mặt trước DC về vụ bản quyền thương hiệu, và Captain Marvel nguyên gốc - Captain Marvel đầu tiên lại không được sử dụng chính cái tên của mình vì một Captain Marvel đệ nhị.
Captain Marvel - Mar-Vell
Từ đó, DC không thể sử dụng cái tên Captain Marvel để quảng bá hoặc đăng trên bìa truyện để bày bán. Vì thế, để lách luật, họ đã sử dụng từ "Shazam!" - câu thần chú biến thân của Billy Baston để đặt tên đầu truyện, còn nội dung bên trong vẫn gọi nhân vật là Captain Marvel như thường. Kể cả trong hoạt hình, Billy Batson vẫn được gọi là Captain Marvel chứ không phải Shazam!. Đến tận năm 2010 đến 2012, cái tên Captain Marvel vẫn được sử dụng trong series Young Justice.
Anh chàng vẫn được gọi là "Captain Marvel" trong series hoạt hình Justice League Unlimited
Điều này khiến cho Marvel Comics rất khó chịu, nhưng họ hoàn toàn không thể làm gì được DC. Thậm chí, trong bộ truyện crossovers giữa 2 hãng: DC vs. Marvel (năm 1996), Marvel Comics vẫn phải để cho Shazam! được gọi là "Captain Marvel" trong đầu truyện đó, còn Captain Marvel của họ thì lại chẳng thấy đâu cả.
Marvel Comics vẫn phải coi Shazam! là Captain Marvel trong crossovers của 2 hãng
Đến năm 2011, để tránh việc đụng chạm cũng như khiến khán giả quen dần với sự đổi mới, DC đã chính thức đổi tên Captain Marvel trong comic hoàn toàn thành Shazam! trong đợt New 52. Hóa ra, Shazam! mới là cái tên hay nhất, phù hợp nhất, ý nghĩa nhất cho siêu anh hùng trẻ tuổi này. Tên gọi Shazam! bắt đầu từ đó, nhưng những "Captain Marvel" khác, tại các vũ trụ khác trong đa vũ trụ của DC vẫn còn tồn tại.
Shazam! đang được khởi chiếu tại các hệ thống rạp trên toàn quốc.