Theo Trí Thức Trẻ | 14/07/2018 10:18 AM
Mang trong mình những chùm tia chứa các hạt có năng lượng cực cao phóng thẳng vào khí quyển Trái Đất, bức xạ vũ trụ (hay tia vũ trụ ) có khả năng sát thương lớn vẫn là một trong những bí ẩn thế kỷ thách thức trí tuệ giới khoa học.
Được phát hiện cách đây khoảng 100 năm, cho đến tận ngày nay, nguồn gốc phát ra các tia vũ trụ vẫn còn khiến các nhà nghiên cứu "đau đầu".
Tuy nhiên, mọi chuyện đã sáng tỏ.
Cụ thể, ngày 12/7/2018, giới khoa học trên toàn thế giới tuyên bố: Đã tìm ra nguồn gốc của những tia vũ trụ có năng lượng cực lớn này nhờ vào việc tổng hợp các dữ liệu từ ánh sáng và chùm hạt neutrino năng lượng cao từ vũ trụ.
Theo đó, nguồn gốc của các tia vũ trụ đến từ Nhân thiên hà hoạt động (AGN). Các nhà khoa học cho biết, AGN là một vùng nhân đặc của một thiên hà, do quá trình bồi đắp của hố đen siêu nặng tại nhân tạo nên.
AGN là một vùng nhân đặc của một thiên hà. Ảnh minh họa.
Vùng nhân đặc này có thể tạo ra bức xạ vũ trụ vô cùng lớn, khiến cho AGN trở thành nguồn phát ra bức xạ mạnh nhất vũ trụ (với độ sáng tương đương bức xạ của hàng tỷ ngôi sao phát ra từ một vùng bằng Hệ Mặt trời).
Bức xạ của AGN có mặt trong tất cả các bức xạ điện từ như radio, hồng ngoại, ánh sáng nhìn thấy, tia cực tím, tia X quang hay tia Gamma.
Khám phá này đóng một vai trò hết sức quan trọng trong kỷ nguyên thiên văn đa thông điệp (multimessenger" era of astronomy), trong đó có các hạt khác ngoài ánh sáng, giúp cho các nhà khoa học hiểu biết thêm về vũ trụ.
"Cuối cùng, sau một thế kỷ, chúng tôi đã tìm ra nguồn gốc của bức xạ vũ trụ. Đây là cơ sở để các nhà khoa học viết lại mô hình vũ trụ.", nhà vật lý học Francis Halzen, làm việc tại Đài quan sát IceCube Neutrino, một máy dò hạt lớn được chôn dưới lớp băng Nam Cực.
Đài quan sát IceCube Neutrino.
Bài viết sử dụng nguồn: Gizmodo