Trên thực tế, ngáp chính là một cách ngăn chặn cơn buồn ngủ. Vì thế, hoạt động này sẽ càng gia tăng khi chúng ta phải thực hiện những công việc đòi hỏi sự tập trung cao về tinh thần. Ngáp sẽ giúp các bắp thịt trên khuôn mặt co giãn, tăng cường lượng máu lưu thông đến não bộ. Đây chính là một yếu tố giúp chúng mình tăng cường sự tỉnh táo và khả năng duy trì tập trung.
Khi phải làm những công việc đòi hỏi sự tập trung cao, chúng ta phải tiêu hao rất nhiều năng lượng. Vì thế mà tinh thần dễ bị mệt mỏi, chao đảo, làm việc kém hiệu quả… Đây cũng là lý do các bạn thường có xu hướng ngáp ngủ rất nhiều khi căng thẳng, mệt mỏi.
Nguyên nhân của điều này là do khi cơ thể và tinh thần mệt mỏi, trí óc của chúng ta cần được nghỉ ngơi và kích hoạt lại. Ngáp ngủ chính là một cách để cải thiện điều này. Nó giúp kích thích khu vực thần kinh chi phối khả năng làm việc, tăng lượng oxy cung cấp cho não, đồng thời giúp tinh thần được thư giãn… Không những thế, nó còn giúp chúng mình duy trì trí nhớ hiệu quả hơn nữa đấy!
Những người thường có xu hướng ngáp ngủ nhiều hơn là những người thường xuyên thức khuya, dậy muộn, người vừa ốm dậy… Nguyên nhân của điều này là do đồng hồ sinh học của họ đã bị lệch nhịp. Và ngáp chính là một cách để thiết lập lại các hoạt động theo đồng hồ sinh học “chuẩn” của cơ thể.
Trên phương diện sinh học, ngáp ngủ sẽ giúp chúng ta khuấy động hệ thống thần kinh cơ và tạo sự tiến triển trong thân não. Nó giúp điều chỉnh nhịp sinh học của cơ thể hay chính là chu kỳ hoạt động 24 giờ - là trạng thái hoạt động sinh học bình thường của mỗi người, đồng thời làm giảm bớt những tác động của sự rối loạn sinh học trong cơ thể. Đó cũng là nguyên nhân khiến chúng ta ngáp ngủ thường xuyên khi đến những vùng có múi giờ thay đổi.
Khi chúng ta ngáp ngủ, lượng dopamin sẽ tăng lên, giúp cơ thể sản xuất ra nhiều oxytoxin hơn. Đây là một loại hormone giúp tăng cường sự vui vẻ, phấn chấn, hài lòng, thậm chí còn có khả năng giúp giảm đau. Những chất này được kích hoạt càng nhiều, các bạn càng có xu hướng ngáp nhiều hơn.
Đặc biệt, ngáp ngủ còn có khả năng “lây lan”. Khi thấy người khác ngáp ngủ, các bạn thường có cảm giác muốn… ngáp theo. Phản ứng dây chuyền này xảy ra tương tự như khi chúng ta cười vì nó tạo sự phản chiếu, thúc đẩy bạn phản ứng lại trạng thái hành vi hoặc cảm xúc từ người khác và nó cũng mang lại tác dụng không kém gì khi chúng ta cười đâu đấy!
(Theo Kenh14)