Câu chuyện mở đầu trong một ngày hơi buồn, phải nói là thực sự như vậy, DAC vừa kết thúc, lần đầu tiên người SEA được ngồi "chung mâm" với các ông lớn và Mushi, iceiceice thì … ngạo nghễ bước trên bục vinh quang trước sự im lặng đến đáng thương của những người Trung. Chẳng trách được họ, vì suy cho cùng, lòng tự tôn dân tộc của họ luôn như vậy, cái áp lực bắt buộc phải vô địch của đất nước tỉ dân khiến những đứa con của họ không thể đứng dậy sau sai lầm và đành phải dừng bước trước những chàng trai đến từ một khu vực bé nhỏ. Chặng đường đến TI vẫn là đủ cho họ làm lại, nhưng chắc chắn chiến thắng trước Virtus. Pro hùng mạnh cũng ít nhiều đủ làm cho những con chiêng ngoan đạo thỏa mãn phần nào, âu là cũng chấp nhận được. Nhưng câu chuyện tôi muốn nói ngày hôm nay lại là một người khác, Artour Babaev.
Bước vào với tư cách là người chiến thắng của Minor gần nhất GESC: Indonesia Minor, EG tràn ngập hy vọng sẽ làm được điều gì đó, ít ra là khẳng định được bộ khung hiện tại sẽ thành công trong tương lai, điều khiến họ vẫn chưa thế đứng dậy nổi sau TI 5. Kết thúc vòng bảng, họ có một kết quả khá đẹp 5-2, và được đánh thẳng từ nhánh thắng. Nhưng từ đây, mọi việc mới bắt đầu, sau chiến thắng 2-0 trước một Newbee bất ổn, những gì EG đem đến lại vẫn là sự khó hiểu. Những con người tài năng ở vị trí của họ lại tỏ ra rời rạc, câu hỏi của họ vẫn luẩn quẩn chẳng lối ra, ai cũng cảm giác được nguyên do của nó là gì nhưng lại chẳng ai có thể trả lời được.
Họ thua một cách đơn giản trước LGD, mặc dù trong suốt quãng thời gian họ làm chủ trận đấu, để rồi phải định đoạt số phận trong loạt BO1 may rủi với Virtus. Pro – Đội game đang được coi là số 1 hiện tại với phong độ hủy diệt của mình. Rtz vẫn vậy, đánh safelane không hề tệ, thậm chí còn là hay, cách đánh của anh vẫn cứ khiến EG luôn overate so với thực lực hiện tại của họ. Thật buồn là EG lại thua theo một cách không dấu ấn, không kèn, không trống như chính cái sự thảm hại của họ trước đó mà không khiến người hâm mộ phải hoài nghi.
Thời làm mưa làm gió của Secret 2.0 nay còn đâu
Ừ, tạm quên đi hiện tại, nhớ lại cái thời mà Artour Babaev debout với sự ngạo nghễ của mình cùng 1 list nhạc Liên Xô chống Mỹ thảm họa, cái thời khiến tôi lần đầu mới biết khái niệm streamer, DOTA 2. Artour Babaev hay còn gọi là Rtz nổi lên với một thói quen rage quit, nhưng cũng chính thói quen đó tạo ra một con quái vật, một kẻ tự cao tự đại tại chính vị trí của hắn ta - Solo mid, kẻ khiến cả Thế giới phải định nghĩa lại về khái niệm kẻ đi đường giữa, kẻ tạo ra trào lưu Mid – Carry, kẻ khiến Dendi hết lần này đến lần khác phải ôm hận, để rồi những tên tuổi mới học theo và khiến các ông lão tay chậm, mắt mờ không kịp thích nghi phải giải nghệ dần theo năm tháng. Như DOTA 2 Quotes đã từng viết:
“Ai đã mang PA ra mid?
Ai đã xuất chúng với Tinker trước cả Excalibur?
Ai đã dám nói chuyện với Yaphets về SF, không chỉ về kỹ năng, mà còn là cả về triết lý chơi?
Ai đã khai sinh ra khái niệm Mid - Carry khi cả giai đoạn trước đó DOTA được định đoạt bởi những mid player maker như S4, Dendi và 430?”
Phiên bản Secret 2.0 năm đó ra đời với một Rtz như vậy, một siêu sao mid laner nhưng lại chơi ở vị trí carry, chính giai đoạn này đã thực sự khiến tôi yêu thích hắn đến điên dại, một kẻ khiến tất cả đồng đội, kẻ thù trong game đấu đều xoay quanh hắn, kẻ mà có lẽ một Rtz điềm tĩnh ở hiện tại cũng hẵn vẫn còn phải ghen tỵ. Hắn tồn tại, tưởng như bất bại, hắn càn quét tất cả đi qua trước TI5 theo một cái cách không thể ấn tượng hơn.
Nhưng rồi điều gì cũng phải đến, bí mật nào rồi cũng tìm được lời giải, Secret trở thành kẻ mọi người đều muốn đánh bại và việc đánh quá nhiều giải Lan khiến mọi chiến thuật của Ẩn Mật Giáo dần lộ diện. Cái kết cuối cùng không thể tránh khỏi dành cho những kẻ đã từng được tung hộ là thần vẫn chính là thất bại.
"To learn to get up"undefined
Và đúng như quy luật của một con người, bản tính của một gã trẻ tuổi nông nổi, hắn vấp ngã, chệch khỏi cái quỹ đạo đẹp như mơ mà người ta đã vẽ cho hắn, Rtz – mah boy rage sau hậu trường, cái tôi quá lớn, cái bản lĩnh còn quá non nớt khiến hắn thất bại và chẳng bao giờ những con người ấy còn cơ hội làm lại với nhau. Những sự việc sau đó có lẽ lại là một chuỗi đáng quên đối với con người ấy, cái bài học "To learn to get up" giúp Rtz ngày càng trưởng thành hơn, ít nói hơn, cố gắng nhiều hơn. Nhưng đời người lại không phải một giấc mơ, những con người từng bước qua anh cứ lần lượt ra đi, lần lượt thành công, chứng minh năng lực của minh giữa một biển những ngôi sao mới nổi...
Quãng thời gian ấy chính là thứ khiến tôi định nghĩa lại cuộc đời, rằng mình muốn gì, đang tìm kiếm gì. Suốt một quãng thời gian dài thời đại học, tôi chìm đắm trong vô hướng, chơi không ra chơi mà học cũng không ra học, mải miết với những làm quen với những người xa lạ và rồi mọi thứ cứ dần bỏ xa do cách sống của tôi. Những người bạn thân thiết từ hồi cấp 3 của tôi bằng một cách nào đó cứ có khoảng cách ngăn cách dần, chúng tối ít chơi với nhau hơn, ít chuyện trò hơn, dường như tôi cảm giác mình đang trở thành chú sói cô độc và bất lực.
Tôi xem Rtz hàng ngày, hàng đêm, mặc dù không chơi DOTA 2 nhưng tôi luôn cảm giác có một điều gì đó chung giữa tôi và hắn, và cuối cùng tôi cũng biết điểm chung đó là đó là sự cô đơn giữa một biển người thân quen. Nghe thật lạ phải không, tôi và hắn luôn cố thỏa mãn chính mình, và cùng có bài học để trưởng thành hơn, và cùng tiếp tục thất bại. Xem DOTA 2 là vậy nhưng khi chơi thử, sau vài thất bại ban đầu, tôi lại nản chí, tôi nghĩ mình chẳng hợp tựa game này, sau đó tôi lại tiếp tục con đường chinh phục đấu trường Liên minh huyền thoại.
Cái khoảnh khắc khiến tôi thỏa mãn với chính mình, cái khoảnh khắc tôi học được điều gì đó là cách rất xa đối với cái quãng thời gian được truyền cảm hứng. Tôi đã nghĩ ra câu châm ngôn rất vui: “Thất bại là mẹ của thất bại” và đến tận bây giờ tôi cũng vẫn nghĩ chẳng sai. Sau đó khi tới năm 4 Đại học - quãng đời cuối cùng của sinh viên trước khi tôi và những người bạn của tôi bước theo con đường riêng. Tôi nghĩ rằng tôi phải làm gì đó, tôi muốn được một lần được thi đấu, được mang cái tôi ngạo nghễ của Artour Babaev, được trở thành một cái đèn trời giữa đêm tối một lần trong DOTA 2, một lần thôi là đủ. Và thật may mắn những người bạn thân nhất của tôi cũng quyết định thay đổi, thử một lần cuối với tựa game này, cố gắng để làm điều gì đó.
Ngày qua ngày, đêm qua đêm, bỗng nhiên tôi tìm lại được nhũng người bạn thân quen của mình, họ vẫn vậy, vẫn luôn nhiệt tình, vui vẻ và coi tôi là một phần trong họ, vậy mà một thời gian dài tôi lại chẳng nhận ra. DOTA 2, Baby rage kết nối tôi như vậy đấy, tôi tìm lại niềm vui sống của mình, tôi bỏ mặc hết lớp học, bỏ mặc hết mọi hoạt động trào phúng xung quanh, bỏ lại hết những mối quan hệ xa lạ đánh bóng nơi giảng đường. Tôi và những người bạn của mình lao vào điên cuồng với tựa game DOTA 2, tìm mọi cách để leo rank, tận dụng mọi nguồn tiền chúng tôi có để có thể try hard tại Viking Nguyễn Tuân Tầng 6.
Cứ 22 giờ hàng ngày trên con Wave và Dream cà tàng, chúng tôi lại chở nhau tâm sự vài câu chuyện, chia sẻ vài vấn đề tình cảm đời thường như những mảnh ghép không thể tách rời, để rồi khi chơi là sẽ tập trung cao độ, cố mọi cách để dành chiến thắng, như cái cách chúng tôi đang cố gắng chiến thắng chính cuộc sống mình ngoài đời vậy. Nhưng lại phải nhắc lại câu chuyện: “Thất bại là mẹ của thất bại”, 2k, 3k, 4k đó là rank thật của chúng tôi, làng nhàng và không hy vọng lắm. Những thất bại cứ đến ngày một nhiều, có thể do rank solo kém dẫn tới điều này chăng?
Đó là câu hỏi cứ luẩn quẩn mãi, như một Caster 23 Creative đã nói với chính bạn bè của mình: “Game này chỉ vui khi thắng thôi” và đúng là khi thua nó không vui thật. Rồi một giải đấu lớn dành cho sinh viên đến, cái thời đó giải rất ít mà sân chơi chúng tôi chắc vài tháng mới có một lần, vì vậy mỗi lần có giải đấu là rất nhiều team mạnh ở miền Bắc tham gia, dù giải thưởng chẳng đáng bao nhiêu nhưng đó lại là sân chơi duy nhất để khẳng định mình. Chúng tôi quyết định liều lần cuối rồi tạm biệt, đó thực sự là bước ngoặt, thử một lần cố gắng rồi dừng có được không? Đăng ký giải và chúng tôi có một tuần để chuẩn bị.
Nhưng sau đó câu chuyện của chúng tôi lại là chỉ có 4 người (Tùng Dương, tôi, Hoàng và Ninh) – haha, lại một lần nữa. Chúng tôi tìm mọi cách để tìm một mảnh ghép chắp vài cái bộ khung toàn xương sườn này. Không tuyển người đánh hay quá vì chúng tôi biết, người đánh hay cũng chẳng tìm đến chúng tôi đâu, và thật may mắn tôi gặp Bear, một người bạn cùng trường tình cờ quen qua quán net gần nhà. Và chúng tôi đủ 5, chúng tôi quyết định đánh thực sự nghiêm túc.
Ban đầu mọi chuyện rất khó khăn do chúng tôi không chơi theo role mà toàn chơi theo hero, thế là một mớ lộn xộn hiện lên, rank party 3k5 mà số trận thua đếm không kể siết, câu hỏi đặt ra là chúng tôi lấy đâu ra cái dũng khí để đăng kí đánh giải DOAT 2 với những con người như này. Và rồi tôi quyết định không thể tiếp tục như vậy, tôi chuyển hẳn sang nhà Tùng Dương một tuần, để có thể ăn ngủ với DOTA 2, để có thể tìm được vị trí đúng của từng người, và cuối cùng tôi quyết định mình sẽ đánh carry – một Rtz fake chăng.
Ý tưởng nảy ra, mỗi người chọn cho mình một vị trí, một thần tượng để trở thành tập chơi đúng hero pool của họ, mặc dù tôi thích Rtz nhưng cặp đôi suport của chúng tôi lại thích là Febby và Dubu, với những Bounty Hunter, Lich… hơi lệch một chút nhưng không sao, chúng tôi dần biết đến mùi chiến thắng, tôi leo một lúc lên 300 rank party, 200 rank solo mà không gặp một trở ngại nào. Ngày ăn DOTA 2, ăn DOTA 2, chiều ngủ mơ DOTA 2, đêm lại vác nhau đi try hard team. Cứ như vậy chúng tôi dường như tiến bộ lên lúc nào không hay.
Sau thời gian đánh rank team, chúng tôi biết và tìm tới “DOTA 2 Pratice game”, thời điểm đó, đây là group đầu tiên của các team tier 1,5, tier 2, 3 ở SEA luyện tập, có lần chúng tôi gặp được cả ddz thời kỳ đỉnh cao phong độ 8k đầu tiên ở sea. Đây thực sự là bước ngoặt khiến chúng tôi tiến bộ nhanh chóng, thất bại diễn ra trong tất cả các game khi MMR trung bình ở đây luôn ở mức 5k ~ 6k, một mức rank trong mơ, chúng tôi xem đi xem lại các replay, chúng tôi tìm được ra những bài đấu riêng dành cho mình, luôn ưu tiên team work đặt trên kĩ năng cá nhân.
Và rồi điều gì đến cũng phải đến, chúng tôi gặp lại 1 team trong group từng rape chúng tôi không thương tiếc bằng cặp hero IO – CK. Sau game 1 ban CK nhưng vẫn thua, chúng tôi nhận ra IO mới là vấn đề của game đấu, ban IO và khi mất lợi thế chúng tôi vẫn có thể tản ra farm kéo dài đợi late đến hết game đấu mà ko sợ IO bất thình lình chở carry bên bạn đi gank lẻ, và sau hồi chật vật phòng thủ do thua early chúng tôi cuối cùng cũng lật kèo trong vui sướng.
Lần đầu tiên chúng tôi biết đến chiến thắng kể từ khi gia nhập group, chiến thắng làm chúng tôi quên hết mệt nhọc mặc dù buổi tối hôm đó chúng tôi còn chưa ăn gì, tôi cảm nhận rõ lắm cái thứ tinh thần đồng đội và tình cảm bạn bè mà chúng tôi đang tạo ra, nó kì lạ và trong suốt, không toan tính, hồn nhiên. Có lẽ phải rất lâu nữa tôi mới có thể được định nghĩa lại thứ tình cảm đấy, đẹp và đáng được trân trọng.
Có một chút chưa được trọn vẹn, nhưng với tôi đây là những kỷ niệm không thể nào quên
Buổi sáng thứ 7 hôm ấy, cái ngày khai mạc giải cuối cùng đã diễn ra trong sự mong chờ của tất cả các thành viên trong team, giải eSports IBD Open Cyber Arena diễn ra trong vòng 2 ngày thứ 7, Chủ nhật tại quán game Only One Airport Gaming (quán game phong cách 'máy bay' đầu tiên tại Việt Nam) với sự tham gia 16 team chia làm 4 bảng đánh vòng tròn BO 1. Có thể nói đây là thời kì mà mình thấy DOTA 2 cỏ vẫn còn rất nhiệt, khi mỗi giải đấu, dù là giải Lan, dù giải thưởng là rất nhỏ nhưng cũng thu hút rất nhiều sự tham gia của các team.
Các bạn trẻ đến đây đơn giản chỉ để thỏa mãn niềm đam mê với DOTA 2, hoặc có lẽ cũng chỉ mong có mục đích giống chúng tôi, tìm lại một thứ gì đó để lưu giữ… Với mục tiêu chỉ để thử sức, chúng tôi nhập cuộc vòng bảng với mục tiêu mỗi trận đấu đều là một trận chung kết và với mức rank 2k ~ 4k thì quả thật chúng tôi cũng không hi vọng nhiều.
Ngay từ trận đầu chúng tôi đã nhập cuộc với những hero tủ của mình, nhưng kết quả thật bất ngờ 3-0 vòng bảng. Chúng tôi thậm chí còn kết thúc vòng bảng trong buổi sáng với tốc độ ánh sáng, các team chúng tôi gặp không mạnh như chúng tôi nghĩ, họ đánh rời rạc và thiếu teamwork hơn chúng tôi rất nhiều, mặc dù có những player rank rất cao nhưng họ đánh rất cá nhân, và việc chúng tôi làm là thực hiện những gì trong ban pick đã học được thời gian qua, out pick, khi carry đạt ngưỡng sức mạnh là stick gank liên tục.
Vòng sau của giải đấu được diễn ra vào sáng ngày Chủ nhật. Chúng tôi có thêm một ngày để nghỉ ngơi, tuy nhiên tôi chẳng thể nào ngủ được trước cái cảm giác nâng nâng đấy, thế là chúng tôi lại tụ tập tại Viking Nguyễn Tuân quen thuộc đến gần sáng tiếp tục luyện tập. Buổi chiều hôm sau chúng tôi được đánh bán kết của giải đấu. Lần đầu tiên trong cuộc đời thì phải, chúng tôi được đánh game trong tình trạng có người bình luận. Tuy nhiên mọi thứ diễn ra không suôn sẻ như chúng tôi nghĩ, những game đấu khó hơn rất nhiều.
Sau game đầu chiến thắng chật vật nhờ con Sven của tôi đã được đồng đội hi sinh rất nhiều để vượt farm, sang game đấu thứ 2 là lại một câu chuyện khác, sau những lợi thế early game với bộ combo Void + Gyrocopter + Phoenix, chúng tôi bỗng đánh chủ quan và quăng tất cả đi rất nhanh chóng, và với một con spec (một hero gần như vô địch vào late game combat vào thời điểm ấy) được chúng tôi feed cho rất giàu. Chúng tôi mất dần game đấu, gần 20 phút trong game chỉ biết co cụm trong base. Nhưng những nỗ lực cố gắng phòng thủ của chúng tôi cũng được đền đáp, mặc dù đã full đồ nhưng đội hình bạn lại không tài nào end được game đấu.
Cuối cùng hai bên quyết định combat cuối, 10 cái buy back đã được dùng hết, nhưng dường như sức mạnh ý chí của họ đã đến ngưỡng, họ quá nóng vội trong khi sự cố gắng, niềm hi vọng của chúng tôi đối với game đấu là lớn hơn rất nhiều, cover cứu nhau, chúng tôi tin tưởng nhau, dường như mọi tinh túy đã được dồn vào game đấu, combat thắng lợi. Divine được Gyrocopter của tôi mua và đó là dấu chấm hết cho trận bán kết của họ, chúng tôi vào chung kết.
Mọi thứ đã là quá tầm với, chúng tôi sung sướng hô vang tên nhau, rất nhiều người xem xung quanh vẫn còn hưởng ứng theo mặc dù game đấu đã kéo giải đấu đến 18 giờ tối. Sau đó, chúng tôi thua chung kết trước team của Thịnh béo (Caster nổi tiếng lúc bấy giờ) với một đội hình hơn 10 player trong team, chúng tôi thua như một lẽ tất yếu khi cả về thể lực và năng lực đều đã đạt tới mức giới hạn. Buổi tối hôm đó lớt phớt mưa, chúng tôi ra về với cái giải nhì và cảm xúc hơi buồn một chút, có một chút gì đó còn dang dở nhưng ai cũng thầm hiểu có lẽ đó là lần đầu tiên chúng tôi quy tụ, try hard, sống cùng nhau trong một team tại một giải đấu nhưng cũng có lẽ là lần cuối cùng khi thời gian đã trôi dần vào những phút cuối của quãng đời sinh viên.
"Tình mất vui khi đã vẹn câu thề
Ðời chỉ đẹp những khi còn dang dở"
Và rồi chúng tôi bắt đầu tách nhau dần, mỗi người một việc, không ai có thể chơi game mãi.. nhưng những kí ức này được chúng tôi ôn đi ôn lại mỗi lần gặp nhau một cách không hối tiếc như một thứ gì đó mãi sẽ tồn tại, giống như Artour Babaev trong tâm trí tôi vậy. Giờ thì tôi bận hơn, thi thoảng mới xem được Rtz đánh nhưng mỗi lần Rtz gục ngã tôi lại thấy chút nao nao trong lòng, dường như bộ khung với một tổ chức lâu đời cũng những player xuất chúng ở vị trí của họ chẳng thể hòa cùng nhịp.
Mặc dù là quyết định rất khó khăn, nhưng sao Rtz không thử một lần tìm đến chân trời mới, tìm những người đồng đội mới, những người không phải là những người xuất chúng nhất, nhưng là những người đối xử với ta như bạn, sẽ giúp mình đi xa nhất có lẽ sẽ tốt hơn cho Rtz giống như cái cách tôi đã tìm lại những người bạn của mình vậy. “Mah boy, hay là mình dừng lại đi”...
"A friend who understands your tears is much more valuable than a lot of friend who only know you smile"
Để tham gia cuộc thi Cây Bút Vàng mùa 2, các bạn hãy gửi bài viết về hòm thư caybutvang@gamek.vn.
Thông tin chi tiết xem tại ĐÂY.
Cùng đọc các bài dự thi khác của Cây bút vàng 2018 tại ĐÂY.