Helino | 09/10/2019 06:00 PM
Không như những phim điện ảnh về tình yêu, chiến tranh, quyền lực thường xuất hiện trên màn ảnh rộng Hàn Quốc với số lượng dày đặc, các bộ phim về đề tài môi trường có số lượng rất ít. Tuy nhiên chúng ta vẫn có những tác phẩm Hàn Quốc đặc sắc mở ra viễn cảnh về một ngày con người phải hứng chịu những thảm họa chính ta gây ra với môi trường, để lại nỗi ám ảnh kinh hoàng cho người xem. Trong lúc vấn đề môi trường đang trở nên nóng hổi sau bài phát biểu của Greta Thunberg tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu, cùng nhìn lại những bộ phim này!
1. The Host (Quái Vật Sông Hàn)
The Host là một trong những phim về quái vật đầu tiên và thành công nhất của điện ảnh Hàn Quốc. Nội dung của phim xoay quanh con quái vật trên sông Hàn, bất ngờ xuất hiện và tấn công người dân ở hai bên bờ sông. Cô cháu gái của nam chính Hee Bong ( Song Kang Ho ) là Hyun Seo đã bị con quái vật này bắt mất khiến cho cả gia đình phải tìm mọi cách để giải cứu cho cô bé.
The Host là bộ phim quái vật tiêu biểu nhất của điện ảnh Hàn Quốc
Được nhắc đến như một tác phẩm tiêu biểu phản ánh về môi trường là bởi sự hiện diện của con quái vật sông Hàn xuất phát từ chính con người. Khi một cơ sở nghiên cứu hóa chất của Mỹ đặt tại Hàn Quốc đã loại thải một lượng lớn hóa chất xuống cống, chảy ra sông Hàn. Những sinh vật biển đã hấp thụ thứ chất thải ấy, tạo ra một con quái vật khổng lồ âm thầm sinh trưởng dưới lòng sông và khi nó trưởng thành thì hành trình săn mồi cũng bắt đầu.
Con quái vật chính là hậu quả của thứ chất thải mà con người đổ xuống nguồn nước.
Từ hành động vô ý của loài người, bờ sông Seoul - nơi người dân thường tới nghỉ dưỡng đã trở thành chốn thảm họa với bao mất mát, tang tóc. Bộ phim chính là lời cảnh tỉnh về thảm họa khôn cùng mà con người phải gánh chịu sau những hành động đã gây nên với môi trường.
2. Snowpiercer (Chuyến Tàu Băng Giá)
Snowpiercer là một phim của đạo diễn Hàn Quốc Bong Joon Ho về đề tài hậu tận thế, khi Trái Đất nóng lên do biến đổi khí hậu và quay về thời kỳ Kỷ băng hà và con người phải chen chúc nhau trên một chuyến tàu để tránh cái lạnh giá bên ngoài, bộ phim đã tạo nên một không gian nơi hậu quả của ô nhiễm môi trường chính là sự tước đi về quyền sống, khi không gian sống và sinh hoạt bị thu hẹp trở về các toa tàu chật chội.
Snowpiercer lấy bối cảnh Trái Đất bị biến đổi khí hậu và trở về thời kỳ Kỷ băng hà.
Hệ quả của ô nhiễm môi trường không chỉ là sự thu hẹp môi trường sinh sống mà còn mở ra những mâu thuẫn về xã hội, giai cấp, con người, sự thiếu thốn về thức ăn, nước uống sạch, sự chèn ép, chà đạp giữa người với người. Quả thật, đạo diễn Bong Joon Ho đã tạo nên một bức tranh đầy căng thẳng và thực tế đến ghê người về một thế giới đang gồng mình gánh chịu hậu quả về biến đổi khí hậu, để từ đó mang đến thông điệp sâu sắc về bảo vệ và tái tạo môi trường trước khi quá trễ.
Bộ phim còn mở ra những mâu thuẫn về giai cấp, không gian sống, sinh hoạt như một hệ quả tiếp diễn của thảm họa môi trường
3. The Flu (Đại Dịch Cúm)
Là một trong những bom tấn phòng vé trong năm 2013, The Flu lấy bối cảnh một đại dịch cúm trên toàn Hàn Quốc nơi bệnh nhân bị nhiễm virus nguy hiểm từ một chiếc xe chở người nhập cư sau đó lan truyền ra khắp vùng ngoại ô Bungdam.
The Flu mở ra khung cảnh kinh hoàng khi khắp nơi chìm vào cái chết do virus gây nên
2000 ca nhiễm mỗi giờ, những người nhiễm bệnh chỉ có 36 tiếng sống sót khiến cho cả thành phố bị cách ly và tất cả cư dân lâm vào sự hoang mang cực độ, đó là nỗi kinh hoàng do một loài virus được tạo ra từ những môi trường ô nhiễm. Bộ phim đã gián tiếp nói về sự phá hoại của con người đến môi trường và những hiểm họa kinh hãi phải đánh đổi mà chưa bao giờ ta có thể ngờ tới.
The Flu như lời cảnh báo về những dịch bệnh xảy đến xuất phát từ ô nhiễm môi trường
4. Deranged (Ký Sinh Trùng)
Là một bộ phim thảm họa diệt chủng, Deranged kể về loài ký sinh trùng liên tục biến đổi có tên gọi "Yeongasi" hay "trùng lông bờm ngựa" có khả năng phá hủy cơ thể vật chủ bằng cách kiểm soát dần bộ não và cuối cùng dẫn đến phá hủy hoàn toàn.
Bộ phim là cuộc chiến giành lấy sự sống từ loài ký sinh trùng được thả trong ngưồn nước
Không chỉ là cuộc chạy đua giành lấy sự sống cùng những phân cảnh thảm họa khi xác người la liệt khắp mọi nơi, bộ phim còn là thảm kịch do chính những âm mưu thâm độc của con người bởi lẽ thứ ký sinh này là do những kẻ tàn ác đã tạo nên để hãm hại nhau rồi đầu độc xuống nguồn nước, gây ô nhiễm bởi thứ chất độc chết người. Bộ phim về sự tàn ác của con người với con người, đồng thời là với thiên nhiên đã gây bão phòng vé với 4,5 triệu lượt khán giả chỉ riêng nội địa Hàn Quốc.
Khung cảnh xác chết la liệt khắp nơi đã để lại nỗi sợ hãi trong lòng người xem
5. Okja (Siêu Lợn)
Là một bộ phim Hàn Quốc được đầu tư bởi Netflix, Okja đã nói về cuộc sống hòa hợp với thiên nhiên đồng thời lột trần những tội ác mà các nhà sản xuất đã tiến hành trên động vật.
Bộ phim vừa đáng yêu nhưng cũng vô cùng hấp dẫn về tình bạn của Okja và Mija
Bộ phim bắt đầu với cuộc thi tìm kiếm "siêu lợn" trên toàn cầu nhằm chọn ra "siêu lợn" cho loại thịt ngon nhất, nhưng đồng thời phải thân thiện với môi trường. Trong đó chú heo Okja của cô bé Mija (Ahn Seo Hyun) là một ứng cử viên. Thế nhưng đến một ngày khi nhìn ra được bộ mặt thật của cuộc thi giả dối ấy là những con vật bị bạo hành để lấy thịt, Mija đã cùng nhóm du kích Mặt trận Giải phóng Động vật ALF đấu tranh để lật tẩy bộ mặt của tập đoàn tàn ác đứng sau mọi chuyện, bảo vệ người bạn Okja của mình.
Bộ phim đầy gần gũi với thông điệp về tình yêu động vật
Với một hướng đi gần gũi, thân thiện nhưng không kém phần sâu sắc, bộ phim đã truyền đi thông điệp về góc khuất, những điều sai trái còn diễn ra trong xã hội, đồng thời tôn vinh tình yêu dành cho thiên nhiên, động vật.
6. Pandora (Thảm Họa Hạt Nhân)
Hàn Quốc vẫn luôn nổi tiếng với những bộ phim đề tài thảm họa tiêu biểu với Train to Busan hay The Tunnel (Đường Hầm). Bên cạnh các phim nổi tiếng như The Tunnel hay Train to Busan (Chuyến Tàu Sinh Tử) thì Pandora cũng là một bộ phim tiêu biểu trong dòng phim này. Lấy bối cảnh Hàn Quốc sau khi chịu một trận động đất lớn ở một bán đảo miền Nam, nơi có nhiều nhà máy hạt nhân, từ đó mở ra khung cảnh thảm khốc khi các nhà máy hạt nhân bị ảnh hưởng và rò rỉ khí độc, gây nên hàng loạt cái chết.
Pandora được xem là một trong những bộ phim bom tấn về đề tài thảm họa
Bộ phim của đạo diễn Park Jung Woo đã chỉ ra viễn cảnh thảm khốc ở hiện trường hư hại, từ đó chỉ ra những rủi ro của các nhà máy hạt nhân, gửi đi thông điệp về việc giảm thiểu các nhà máy hạt nhân ở mức tối thiểu nhằm phòng tránh những thương đau đáng tiếc xảy ra.
Hiểm họa từ các nhà máy hạt nhân được đề cập trong phim là lời cảnh báo với nhân loại.