Là tựa game đầu tiên trong tuyển tập game Dark Pictures Anthology, Man Of Medan đã có một màn chào sân khá ấn tượng khi chứng minh mình là một tựa game kinh dị khá ổn và có sức lôi cuốn như của một bộ phim chiếu rạp. Thế nhưng, dù có những điểm sáng đáng hoan nghênh, Man Of Medan vẫn còn đó hình bóng của một Until Dawn và nhà sản xuất còn phải làm nhiều hơn thế để giúp các tựa game tiếp theo đặc sắc hơn.
Bối cảnh của Man of Medan gần như được đặt hoàn toàn trên một vùng biển mênh mông với một con thuyền khổng lồ bị bỏ hoang. Tựa game lấy ý tưởng về huyền thoại có thực là chiếc tàu OSS Ourang Medan đã bị đắm vào cuối những năm 1940 sau khi toàn bộ thủy thủ đoàn biến mất một cách rất bí ẩn. Man Of Medan có thể coi như là một hậu bản của Until Dawn khi tựa game được diễn giải như là một bộ phim tương tác nơi mà trong quá trình câu chuyện diễn ra, các nhân vật sẽ phải đối mặt với các sự kiện thời gian ngắn và các lựa chọn đối thoại quen thuộc cũng như một vài pha thót tim điển hình. Dù được bổ sung thêm cơ chế coop trực tuyến và tại chỗ rất thú vị, nhưng bản thân cốt truyện có vẻ chưa mang được nhiều sự ấn tượng như nhiều người mong đợi.
Cốt truyện của Man of Medan là một sự chuyển vai giữa năm nhận vật khác nhau có thể chơi được và tất cả họ sẽ đều trải nghiệm cùng một sự kiện. Bạn sẽ xác định số phận cuối cùng của họ bằng cách đưa ra các quyết định và phản ứng trong các sự kiện ngắn bất chợt. Có khoảng 69 cái chết (bao gồm cho cả nhân vật phụ) mà bạn có thể khám phá khi chơi tựa game này nhiều lần và cũng chỉ có duy nhất một trường hợp là cả phi hành đoàn còn sống sót, hoặc không thì ít nhất một số họ đều phải chết. Điểm thú vị của tựa game chính là các quyết định của bạn sẽ ảnh hưởng đến cách mà cốt truyện diễn ra, cách phát triển mối quan hệ giữa các nhân vật và những gì bạn sẽ khám phá, trải nghiệm trên đường đi.
Thật sự rằng Man of Medan là một tựa game lựa chọn đối thoại với nhiều kiểu trả lời khác nhau, kể cả việc không làm gì. Và cũng vì vậy mà tựa game thiếu nhiều gameplay hấp dẫn khi gần như không có nhiều trường đoạn đánh đố cũng như một cơ chế chiến đấu cơ bản nào đó ngoài những lựa chọn đối thoại và một vài hành động cơ bản. Ngoài ra, điểm yếu trung tâm của tựa game này chính là một cốt truyện khá yếu về cơ bản. Nhiều người chơi cho rằng, nó thực sự không quá hấp dẫn, người chơi có quá ít lý do để tìm hiểu về đối phương còn các cảnh dọa nạt xem chừng không mấy được tự nhiên.
Câu chuyện bắt đầu sau đoạn cắt cảnh vào những năm 40, xoay quanh một phi hành đoàn với kế hoạch lặn biển để tìm kiếm một chiếc máy bay đã rơi từ Thế Chiến thứ 2. Nhưng không may, họ bị kẹt vào con tàu Medan, bị giam giữ bởi lũ cướp biển và bị thuyết phục rằng con tàu này ẩn chứa một khó báy quý giá. Mọi chuyện sẽ trở nên tồi tệ hơn khi vào ban đêm, cả phi hành đoàn và băng đảng phải đối mặt với các sinh vật quỷ quái. Cốt truyện của game tồn tại tương đối nhiều lỗ hỗng và mâu thuẫn giữa các nhân vật có thể nhận ra ngay lập tức. Cả năm nhân vật là Alex, Brad, Julia, Fliss và vị thuyền trưởng dù được xây dựng các nền tảng tính khá đa dạng những câu chuyện của họ có vẻ không được hay ho cho lắm khi đôi lúc sẽ có những câu thoại không được tự nhiên, những pha đệm chèn có thể gây lúng túng hoặc khó chịu trong việc tương tác giữa các nhân vật. Và cách kể chuyện của Man of Medan thực sự khiến các lần chơi lại về sau không mang đến cảm giác thỏa mãn như trước nữa.
Một điểm chưa hài lòng khác chính là ở việc tựa game còn phụ thuộc quá nhiều vào jumpscare. Dù một chuỗi các pha giật gân như vậy là đủ để khiến bạn sợ, nhưng công thức này được lặp lại khá nhiều và dần mất đi tác dụng vốn có của nó. Bù lại, dù các mô hình nhân vật có thể chưa được “thật” cho lắm, song việc tạo nên một con tàu ọp ẹp, gỉ sắt và đầy các góc tối cùng với các xác chết thối rứa cũng góp phần tạo nên một không gian có phần rợn người. Thế nhưng đối khi các hoạt ảnh thỉnh thoảng lại bị giật và điều đó làm trôi tuột cảm xúc của người chơi.
Một vấn đề khác nằm ở nhịp độ tựa game, khi phần mở đầu mỗi chương đều khá chậm và làm giảm sức hút cho các lần chơi lại sau đó. Một số cảnh quay trong tựa game gần như không đổi sau mỗi lần chơi khiến tựa game phần nào mang đến một cảm giác hơi “chán”. Ngoài ra, nhân vật người dẫn chuyện là The Curator dù lấy nguyên mẫu là từ nhân vật Crypt Keeper từ một series phim rất nổi tiếng, xong nó lại cho thấy một sự không dung hợp trong series game này.
Cơ chế multiplayer của tựa game được xem là một sự bổ sung lớn vào chế độ cũ của Until Dawn. Người chơi có thể lựa chọn giữa hai kiểu chơi là Shared Story dành cho hai người chơi online và Movie Night dành cho năm người chơi offline với mỗi người chơi sẽ được gán nhân vật ngay từ đầu game. Điều này sẽ mang đến một trải nghiệm kinh dị cùng nhau rất thú vị như thể đang coi một bộ phim ma ở xine vậy. Tuy nhiên, cũng chính vì thiết kế màn chơi có phần đơn giản, nên gần như người chơi sẽ ít khi cảm thấy sợ sệt mỗi khi mở cửa vào một không gian mới hay lựa chọn một ngã rẽ khác. Cái chết thường do bởi những lựa chọn sai trong các sự kiện ngắn chứ ít khi bởi các lựa chọn đối thoại, và càng về sau, sự may rủi trên các nút bấm ngày càng tăng khi chỉ cần sai một nút là đã có thể tạo ra một cái kết khác biệt.
Có thể xem phần chơi multiplayer là một sự bù đắp đáng kể cho những thiếu sót của phần chơi đơn bởi nó mở ra cho toàn bộ những người chơi chung nhiều khả năng đặt biệt để lôi cuốn cốt truyện theo hướng đi mủa mình, đồng thời bổ sung thêm nhiều lựa chọn, nhiều đoạn cắt cảnh được mở rộng và rất nhiều thứ không xuất hiện trong phần chơi đơn. Nhiều nhóm game thủ đã chơi và đều cho rằng chế độ multiplayer này đạt được sự hài lòng đáng kinh ngạc bởi mỗi người chơi nay sẽ không thể chứng kiến cách hành xử của người bạn chơi cũng như không thể giao tiếp với họ trong rất nhiều hoạt cảnh khác nhau, làm cho cốt truyện chở nên khó đoán hơn nhiều.
Tóm chung, Man Of Medan là một sự mở đầu chưa mấy được suôn sẻ với series kinh dị đến mới nhất đến từ nhà sản xuất Until Dawn. Dù phần chơi đơn có lẽ là điều đáng quên mà Supermassive cần nhanh chóng sửa đổi trong phần game tiếp theo của series này, thì phần chơi multiplayer có thể được xem là điểm sáng hiếm hoi giúp tựa game này trở nên thú vị và đặc sắc hơn nhiều. Dẫu vậy, studio này cũng cần tìm ra một lối đi mới nhằm tránh biến cả Dark Picture Anthology thành một Until Dawn cũ kĩ thứ hai.