[Review] Jump Force - Bom tuy xịt nhưng vẫn còn giá trị riêng

Lê Minh Hưng  - Theo Helino | 23/02/2019 05:22 AM

Vũ trụ Shonen Jump là một thứ gì đó chắc chắn có ý nghĩa rất lớn không chỉ với người viết. Cái cảm giác muốn nhảy ngay vào những cuộc phiêu lưu của Luffy hay Naruto là rất khó tả.

Giờ đây, vũ trụ Shonen Jump lại là bên nhảy vào thế giới của chúng ta. Bandai Namco Entertainment đã hợp tác với nhà phát triển Nhật Spike Chunsoft để phát hành Jump Force, một tựa game đối kháng 3D với 40 nhân vật lớn nhỏ xuyên suốt vũ trụ Shonen Jump tẩn nhau ở hiện thực của độc giả.

Đáng tiếc rằng, mặc cho tất cả những sự hào nhoáng đó, Jump Force lại nông cạn, mỏng dính như mấy tờ giấy trong các tạp chí truyện tranh và giả tạo như mấy cái tượng sưu tầm khi đặt trước vậy.

[Review] Jump Force - Bom tuy xịt nhưng vẫn còn giá trị riêng - Ảnh 1.

Cốt truyện của game nhìn sơ qua cũng biết chỉ là một cái cớ để gom hết mấy nhân vật lại với nhau: một gã phản diện đầu đất và điên khùng nào đó muốn hợp nhất thế giới thật với những thực tại của các nhân vât Shonen Jump và thống trị với tư cách là một vị vua. Bạn sẽ được lựa chọn một trong ba đội dẫn đầu bởi Goku, Luffy hoặc Naruto để xông vào chiến trường. Nhân vật của bạn sẽ là một chính diện thầm lặng có khả năng tạo ra hệ thống tấn công dưa trên những nhân vật và thế giới khác nhau để phù hợp với phong cách của bạn.

Thế rồi bạn cùng đội của mình tấn công những Venom – con người bị biến đổi bởi một dạng vật chất mang tên lõi bóng tối. Những Venom đi theo những tên phản diện máu mặt và nổi tiếng như Frieze, Blackbeard hay Togura như lũ tay sai.

[Review] Jump Force - Bom tuy xịt nhưng vẫn còn giá trị riêng - Ảnh 2.

Hệ thống sẽ tự động khóa mục tiêu ở trước mặt, và bạn có thể chọn lựa giữa những chiêu thức nhanh hoặc mạnh mà bình thường cứ đánh là sẽ trúng, mặc dù những chiêu này sẽ thường khiến bạn lơ lửng đánh đấm trên không trung. Bất cứ chưởng lực nào cũng sẽ bắn về phía mục tiêu, nhưng chúng có thể bước sang ngang để tránh đòn. Điều này sẽ khá là dễ hiểu đối với những ai đã chơi qua những tựa game đối kháng anime, mặc dù điều này được xử lí một cách khá vụng về.

Việc đánh nhau cũng khá khó khăn do việc thiếu vắng hệ thống combo đặc trưng và việc sử dụng quá nhiều hiệu ứng particle cũng có thể khiến trận chiến khó mà nhìn ra được. Bạn sẽ không có cách gì để dừng chiêu, và tất cả những vấn đề này tạo nên một trải nghiệm dễ để chơi nhưng không thực sự có tính chiến thuật hay cái cảm giác thỏa mãn.

Bạn có thể sẽ bấm bừa rất nhiều nút khi chơi Jump Force, và sẽ rất hiếm khi bạn bị ăn hành cho việc đó. Những chiêu tấn công mạnh có dạng như combo trong các tựa game khác, nhưng tất cả những gì bạn cần làm là bấm liên tục nút đó.

Bấm các nút lên xuống cũng sẽ thay đổi các chiêu này, nhưng điều này đơn giản chỉ là chuyển đổi vị trí sấp mặt của kẻ địch ở trên trời hay dưới đất thôi. Có rất ít sự khác biệt trong các chiêu, ngược lại hoàn toàn với các tựa game cùng thể loại với hàng tá các combo và tuyệt kĩ khác nhau.

[Review] Jump Force - Bom tuy xịt nhưng vẫn còn giá trị riêng - Ảnh 3.

Bạn cũng có thể tụ các chiêu đặc biệt, như chưởng lực Kamehameha của Goku hay Rasengan của Naruto để tăng thêm sát thương. Cơ chế này không thực sự có chiều sâu cho lắm, và cái sự thích thú xem các nhân vật yêu thích choảng nhau sẽ mất đi sau vài giờ. Jump Force học hỏi từ các yếu tố cơ bản của game đối kháng và khiến chúng thậm chí còn cơ bản hơn.

Và kể cả khi đã ở dạng cơ bản như vậy, những cơ chế và hệ thống trong game liên tục thất bại trong việc hoạt động đúng như ý đồ của nhà phát triển. Các chiêu grab của bạn không phải lúc nào cũng hoạt động, nhưng AI của game không đủ thông minh để tận dụng sơ hở đó. Những chiêu thức đặc biệt, bao gồm Amaterasu của Sasuke hay Super Spirit Bomb của Goku dường như không bao giờ trúng đối phương ở cuối các đòn đánh mạnh. Điều này khiến cho việc tạo combo cực kì khó khăn.

Bạn sẽ có hai người đồng đội trong mỗi trận chiến, thế nhưng thanh máu thì cả ba người sẽ dùng chung. AI thì đủ ngu để lờ đi cái tính chiến thuật dựa trên việc nhân vật nào sẽ tham gia ván đấu. Thay đổi nhân vật giữa trận thì khá là vui lúc đầu đấy, nhưng hiếm khi việc đó ảnh hưởng tí gì đến kết quả trận đấu khiến cho cái cơ chế này tựu chung lại là vô nghĩa. Chắc là sẽ chẳng bao giờ bạn cần chiến thuật gì khác hơn là bấm các nút nhanh nhất có thể.

[Review] Jump Force - Bom tuy xịt nhưng vẫn còn giá trị riêng - Ảnh 4.

Điểm kinh nghiệm và vàng sẽ được thưởng cho bạn sau khi hoàn thành các nhiệm vụ, và bạn sau đó có thể dùng chúng để học các chiêu thức mới tại các cửa hàng rải rác khắp thế giới chính. Bạn có thể nâng cấp ability skill và J-skill, vốn dùng để làm mạnh thêm các chiêu đặc biệt và ultimate, mua trang phục và các vật phẩm dùng một lần để thay đổi diện mạo hoặc tạo nên một chút lợi thế trong chiến trường.

Thế nhưng lên cấp có vẻ như chẳng tạo nên bất kì sự tiến triển nào. Bạn đánh kẻ địch mất một lượng máu và bị đánh mất một lượng máu tương tự như khi chưa lên cấp. Cái sự vớ vẩn của Jump Force và hệ thống AI dễ đoán khiến cho cấp độ trong game chỉ đơn giản là xem mấy con số có tăng lên chứ chẳng có ý nghĩa gì.

Thiết kế nghệ thuật trong Jump Force là rất đẹp, và các thế giới khác nhau với phong cách khác nhau được thể hiện một cách thực tế. Thế nhưng đập vào mắt bạn sẽ là một cảm giác khó chịu, vì tất cả những công trình kiến trúc, gạch đá đổ vỡ và mô hình nhân vật, chúng quá hoàn hảo.

[Review] Jump Force - Bom tuy xịt nhưng vẫn còn giá trị riêng - Ảnh 5.

Các nhánh cỏ thì cao đến eo của Izuku Midoriya, và mỗi nhánh thì cứng nhắc và xanh ngắt. Các mô hình nhân vật thì bóng loáng gợi nhớ tới các action figure được chạm khắc tốt. Jump Force bị chính cái sự nhừa nhựa trong đồ họa hãm hại; ngay cả máu me các kiểu nhìn như sơn dính lên tường vậy.

Cốt truyện thì dễ đoán, nhưng chủ đề bao trùm về tình bạn và sự tự tin có thể sẽ khiến cho fan của Shonen Jump khá thích thú. Việc Goku, Luffy và Naruto đứng về phía bạn để tiến tới chiến thắng tạo cảm giác rất tuyệt vời. Tựa game thành công trong việc đáp ứng được kì vọng của bạn khi còn là một đứa trẻ tám tuổi, mặc cho cốt truyện có vẻ được viết bởi một đứa như thế.

Cốt truyện không thì không đủ, thế nhưng hệ thống chiến đấu thì quá đơn giản để giữ bạn lại lâu hơn vài giờ, và AI thì chẳng buồn quan tâm đến chiến thuật hay cái gì đó liên quan đến đầu óc một tí. Lên cấp thì vô nghĩa và vật phẩm thì cũng vậy. Câu truyện được kể trong game thì đơn giản và dễ chịu, nhưng cũ kĩ và chẳng có gì mới. Bạn đôi khi cũng sẽ gặp khó khăn để tham gia vào các trận đấu online, nhưng hãy hy vọng rằng điều này sẽ được sửa chữa sớm.

Tổng kết

Vũ trụ truyện tranh Shonen Jump có đầy đủ màu sắc, sự sống động và sáng tạo. Jump Force thì thiếu tất cả những cái đó ngoại trừ một dàn lớn nhân vật biểu tượng với mô hình nhìn như những con búp bê bằng nhựa rẻ tiền.

Jump Force hiện có mặt trên PC, Playstation 4 và Xbox One.

Ưu điểm:

Nhiều nhân vật để lựa chọn

Chủ đề chung của game sẽ khiến fan của Shonen Jump thích thú

Nhược điểm:

Hệ thống chiến đấu cơ bản và nhiều lỗi

AI ngu muội

Lên cấp và vật phẩm vô nghĩa

Cốt truyện dễ đoán và cũ kĩ

Đồ họa nhừa nhựa giả tạo và thiếu đầu tư

Điểm: 5/10

Theo Polygon