- Theo Trí Thức Trẻ | 04/04/2022 11:59 PM
Nội dung Bubble - Bong Bóng lấy bối cảnh ở Tokyo, sau một sự kiện bí ẩn, những bong bóng đã làm đảo lộn hoàn toàn định luật trọng lượng tại đây. Vì thế, Tokyo sầm uất bị bỏ hoang, trở thành nơi tách biệt với thế giới bên ngoài. Các thanh thiếu niên mồ côi tìm đến đây sinh sống và tập luyện bộ môn parkour (thể thao mạo hiểm với những chú nhảy vượt chướng ngại vật) bằng cách nhảy từ tòa nhà này sang tòa nhà khác.
Nhân vật chính của phim là chàng thiếu niên có tên Hibiki - thành viên chủ chốt trong đội parkour Hỏa Lam. Trong một lần liều lĩnh lao vào vùng biển bị uốn cong trọng lực, Hibiki đã được cô gái bí ẩn tên Uta cứu sống. Cũng từ đây, những bí ẩn xung quanh âm thanh kỳ lạ cũng như thảm họa bong bóng từ năm năm trước mà Hibiki từng trải qua dần được vén màn.
Những điểm thú vị của Bubble - Bong Bóng
Trái ngược với những dự đoán ban đầu về nội dung bộ phim, Bubble không chỉ xoay quanh bong bóng hay sự phá vỡ trọng lực, cốt truyện của phim tập trung rất nhiều vào biểu tượng vòng xoáy, qua đó nói về chu kỳ tái sinh - hủy diệt, tụ hợp - phân li và cách con người vượt qua những mất mát, cô đơn. Vì vậy, biểu tượng vòng xoáy hiện diện khéo léo trong phần lớn các cảnh phim, giống như lời gợi ý cho khán giả về thân thế của Uta cũng như mưa bong bóng. Việc lồng ghép biểu tượng được giữ xuyên suốt cả bộ phim, tạo lên một sự thống nhất về ý tưởng truyền đạt đến khán giả.
Thay vì sử dụng thoại để giải thích các sự việc, Bubble có một sự “kiệm lời” nhất định. Uta - nhân vật nữ chính, có rất ít thoại. Thay vào đó, biểu cảm khuôn mặt và hành động của cô được tập trung nhiều hơn, buộc người xem phải chú ý đến từng ánh nhìn hay tương tác giữa cô với những người xung quanh, đặc biệt là Hibiki. Nó giúp cho đường dây phát triển tình cảm giữa hai nhân vật có một sự tinh tế, nhẹ nhàng, khi cả hai không cần có quá nhiều thoại để bày tỏ nỗi lòng. Bên cạnh đó, sự “kiệm lời” cũng giúp cho cuộc đối thoại cuối cùng giữa hai nhân vật thêm phần cảm xúc hơn.
Cũng giống như các bộ anime đình đám gần đây, Bubble có phần đồ họa vô cùng ấn tượng. Những khung hình tràn ngập màu sắc được chăm chút tỉ mỉ là điểm cộng lớn cho bộ phim. Bên cạnh đó, phim đan xen rất nhiều trường đoạn thi đấu parkour với tiết tấu nhanh, góc quay rộng nhằm khắc họa được sự điêu tàn của thành phố Tokyo cũng như những nguy hiểm thường trực đối với người chơi parkour. Để miêu tả được chân thực nhất sự gay cấn của các cuộc thi, Bubble sử dụng công nghệ dựng cảnh tương tự như Kimetsu no Yaiba, kết hợp giữa đồ họa 2D truyền thống với các hiệu ứng và chuyển động máy tính để tạo cảm giác sâu trong mỗi cảnh hành động. Những cú lật người, phi thân, nhảy… của nhân vật do đó đem lại cảm giác chân thật cho người xem.
Ngoài đồ họa và ý tưởng độc đáo, Bubble còn sở hữu phần nghe rất đáng chú ý. Nhân vật chính Hibiki và Uta có một mối liên hệ thông qua khúc hát kỳ lạ trên tháp Tokyo, do đó mà khía cạnh âm thanh được chăm chút rất tỉ mỉ. Đặc biệt trong trường đoạn Uta thi đấu parkour, sự hòa hợp giữa giai điệu với nhịp nhảy, di chuyển của cô trên các chướng ngại vật vô cùng mãn nhãn, đem lại cảm xúc cho người xem.
Những hạn chế của Bubble
Bubble có rất nhiều điểm thú vị, song bên cạnh đó, phim cũng không thể tránh khỏi một vài hạn chế. Trước tiên là về nhân vật chính Hibiki, đối với khán giả theo dõi bộ phim, có lẽ câđiều đáng tiếng nhất là Hibiki không được khai thác sâu hơn. Cậu có một quá khứ khá đáng thương, dù sở hữu siêu thính giác. Hibiki mất mẹ trong thảm họa ở tháp Tokyo, nỗi đau này càng khiến cho cậu thu mình lại. Song phim chưa lột tả được đầy đủ những tổn thương mà Hibiki gặp phải để người xem đồng cảm trước cách cư xử có phần xa cách và hơi thô lỗ của cậu với đồng đội trong nhóm Hỏa Lam. Quá trình cậu phát triển tình cảm với Uta cũng diễn ra quá nhanh.
Một hạn chế khác mà Bubble mắc phải là “spoil” quá sớm về thân thế lẫn kết cục của Uta. Cô là nhân vật bí ẩn nhất phim, khán giả có thể đoán được việc cô có liên quan đến mưa bong bóng, nhưng liên quan thế nào và tại sao cô tìm đến Hibiki thì không. Đó chính là động lực khiến họ theo dõi bộ phim, nhưng Bubble lại không dẫn dắt đủ khéo để biến nó thành plot twist. Thay vào đó, phim tiết lộ mọi thứ về Uta thông qua câu chuyện cổ tích Nàng tiên cá. Tất nhiên, trước việc câu chuyện này được nhắc đi nhắc lại, phần lớn khán giả đều sẽ đoán được kết phim sẽ diễn ra theo hướng nào.
Dù ý tưởng của phim mang đậm tính triết lý, song triết lý đó gần như bị bỏ quên khi không có sự lý giải cụ thể nào cho sự xuất hiện của cơn mưa bong bóng hay lý do Uta lựa chọn Hibiki hay vì sao việc Uta tìm đến Hibiki lại khiến cho “gia đình” của cô giận dữ. Tóm lại, cho đến tận phút cuối cùng của phim, khán giả vẫn chưa thực sự hiểu được lý do bong bóng được lựa chọn làm tiêu đề cho cả bộ phim và mối liên quan giữa bong bóng với biểu tượng vòng xoáy. Sự lơ lửng này làm giảm ý nghĩa của bộ phim.
Tựu trung lại Bubble - Bong Bóng là một bộ phim nhẹ nhàng, phù hợp với các khán giả yêu thích anime lãng mạn kết hợp yếu tố sci-fi. Dù còn tồn tại một số hạn chế nhất định về nội dung nhưng bộ phim vẫn sẽ đem đến cho khán giả những phút giây ngập tràn cảm xúc, những trường đoạn hành động gay cấn và âm nhạc dễ nghe. Bubble giống như phiên bản hiện đại của câu chuyện Nàng tiên cá, đẹp đẽ, trong trẻo với những nỗi buồn, song nó vẫn truyền tải một thông điệp về sự chữa lành cho tâm hồn.