[Retro Review] Dragon Age: Origins – Máu, nước mắt và rồng

Lê Minh Hưng  - Theo Helino | 19/02/2019 12:31 PM

Dragon Age: Origins là một tựa game dễ dàng chịu được sự thử thách của thời gian với cấu trúc và thiết kế đủ để khiến cho nhiều sản phẩm khác phải muối mặt.

(Bài viết sẽ tập trung vào phiên bản Ultimate trên PC bao gồm game chính và tất cả những bản mở rộng đã được phát hành. Bài viết có tiết lộ một phần nội dung nên người đọc cân nhắc trước khi tiếp tục).

Dragon Age: Origins

Đơn giản mà nói, Dragon Age: Origins là một tựa game hay. Sẽ rất khó để miêu tả chính xác đứa con tinh thần của BioWare mà không đề cập đến tầng tầng lớp lớp nội dung tạo nên một tổng thể phiêu lưu nhập vai hoành tráng diễn ra trên đất Ferelden, nhưng hãy cứ biết rằng đó là một sản phẩm chất lượng. Giá trị của Dragon Age: Origins vẫn còn rất nhiều, kể cả là một thập kỉ sau ngày ra mắt.

[Retro Review] Dragon Age: Origins – Máu, nước mắt và rồng - Ảnh 1.

Sau khi chạm tới những vì sao với Mass Effect, BioWare quay trở lại cội nguồn thế giới trung cổ giả tưởng từng làm nên tên tuổi của hãng. Nhưng thay vì dựa vào một phông nền có sẵn như Dungeons & Dragons, Dragon Age: Origins là một cuộc phiêu lưu được xây dựng từ số không với cảm hứng đến từ những trang giấy của George R.R. Martin và những bức tranh của Frank Frazetta. Sự đầu tư của BioWare thể hiện ở nhiều khía cạnh, nhưng điều rõ ràng nhất đến từ một cốt truyện chi tiết và một hệ thống nhân vật đồ sộ.

Thế giới của Dragon Age: Origins, tương tự như hầu hết những sản phẩm fantasy khác hậu The Lord of the Rings, có con người, yêu tinh, người lùn và phép thuật. Nhưng cùng với đó là một thế lực quái vật dưới lòng đất mang tên darkspawn, những con quái vóc dáng tựa như người nhưng chỉ có một niềm đam mê giết chóc. Cứ vài trăm năm một lần khi chúa quỷ Archdemon hồi sinh, bè lũ darkspawn sẽ tràn lên mặt đất tiêu diệt mọi sự sống. Sự kiện hủy diệt này gọi là Blight, và may thay đều được ngăn chặn kịp thời.

[Retro Review] Dragon Age: Origins – Máu, nước mắt và rồng - Ảnh 2.

Sự kiện Blight lần thứ năm là thời điểm cốt truyện của Origins diễn ra. Bạn là một tân binh Grey Warden (có thể là con người, yêu tinh hoặc người lùn) – những chiến binh đặc biệt với sứ mệnh duy nhất là tiêu diệt darkspawn - ở trên tiền tuyến Ostagar đón đầu những đợt tiến công của binh đoàn ác quỷ. Sau khi tổng tướng Loghain Mac Tir rút quân bỏ mặc nhà vua trong trận chiến và vu khống những Grey Warden, bạn cần phải lên đường tìm lại thanh danh và sự viện trợ để ngăn chặn tận thế đang đến gần.

Đó là một kịch bản thường thấy: người hùng lên đường tiêu diệt chúa quỷ và cứu thế giới. Nhưng câu chuyện được kể bởi Origins mang trong mình nhiều hơn thế, với những bí mật tăm tối, những âm mưu phản bội và trò chơi quyền lực của giới quý tộc lẫn dân thường đất Ferelden. Văn phong hơi hướng hiện thực đẫm máu của A Song of Ice and Fire được thể hiện rất rõ ràng bằng những chủ đề như tình dục hay phân biệt chủng tộc, tất cả tạo nên một thế giới đầy màu sắc huyền bí nhưng cũng không quá xa vời. Đây không phải là chủ nghĩa anh hùng thường thấy trong các tác phẩm của J.R.R. Tolkien nơi người tốt và kẻ xấu được phân định rõ ràng; Ferelden là nơi đúng và sai, trắng và đen hòa làm một. Bạn sẽ chọn đưa một tên độc tài nhưng có khả năng kéo một dân tộc thoát khỏi lối mòn, hay một ông già ôn hậu nhưng cổ hủ lên ngôi vương người lùn?

[Retro Review] Dragon Age: Origins – Máu, nước mắt và rồng - Ảnh 3.
[Retro Review] Dragon Age: Origins – Máu, nước mắt và rồng - Ảnh 4.

Đi cùng với cốt truyện hấp dẫn đó là một tuyến nhân vật với đầy đủ chiều sâu và khác biệt để hấp dẫn người chơi. Chỉ riêng những người bạn đồng hành, dù là một cô phù thủy bí ẩn nơi hoang dã hay một chàng chiến binh ngây ngô nhưng tốt bụng, đều đã những câu chuyện và suy nghĩ riêng, và phản ứng đối với hành động của người chơi khác nhau. Họ có thể có hoặc không đồng tình với những quyết định của bạn trong suốt quá trình chơi, và cũng từ đó mà tăng hoặc giảm thiện cảm đối với bạn. Phật lòng họ quá nhiều, và họ rời nhóm. Origins không phải chỉ là về diệt quái; sản phẩm của BioWare còn là về việc đối nhân xử thế và làm sao để xoay vần thế giới xung quanh với động cơ và mục đích riêng bằng nói và hành động của bạn.

Đấy là chưa kể tựa game có tới sáu mở đầu khác nhau tùy thuộc vào lựa chọn chủng tộc và nghề nghiệp của người chơi. Bạn có thể bắt đầu cuộc phiêu lưu như một quý tộc con người trong một lâu đài tráng lệ, hoặc đào bới trong đống rác ở khu ổ chuột như một yêu tinh bị khinh bỉ. Hầu hết những lựa chọn trong game đều ảnh hưởng tới thế giới xung quanh của bạn, và đây cũng không phải ngoại lệ. Điều này góp phần rất lớn vào giá trị chơi lại vốn đã rất cao của Origins.

[Retro Review] Dragon Age: Origins – Máu, nước mắt và rồng - Ảnh 5.

Tựa game cũng không phải là một sản phẩm chỉ có nói và nói; Origins cũng không thiếu phần hành động đánh đấm. Có ba lớp nhân vật chính là warrior (tạm dịch là chiến binh), mage (pháp sư) và rogue (kẻ trộm) với lối chơi khác nhau. Trong khi lớp thứ nhất thiên về sức mạnh vật lí, thì lớp thứ hai và ba lần lượt mạnh về ma thuật và sự nhanh nhẹn. Mỗi lớp lại chia ra thành nhiều nhóm nhỏ với những năng lực khác nhau, và nhìn chung thì những kĩ năng đó có đủ sự đa dạng, chiều sâu và hiệu quả để khiến cho những trận chiến trong game đủ đầy sự kịch tính và hấp dẫn.

Nhưng đó chỉ là một phần rất nhỏ trong hệ thống combat tuyệt đẹp của Origins. Bạn có thể điều khiển từng hoặc nhiều thành viên trong tổ đội tối đa bốn người, không giới hạn trong khuôn khổ nhân vật mà người chơi tạo ra. Điều này có nghĩa rằng giữa trận chiến bạn hoàn toàn có quyền chuyển qua một nhân vật khác, ví dụ phù thủy Morrigan để công phá với chưởng lực hoặc sát thủ Zevran để tàng hình và ám sát. Khi không bị điều khiển bởi người chơi, những nhân vật này tự động hành động theo sự chỉ đạo của AI, nhưng bạn vẫn có thể tinh chỉnh một cách chi tiết những chuỗi hành động này. Mặc dù có đôi chỗ khá mù mờ, menu chiến thuật vẫn làm một sự thêm thắt đáng giá.

Bạn cũng có thể zoom góc nhìn ra xa, bao quát toàn bộ chiến trường thay vì cố định ở góc nhìn sau vai của nhân vật. Điều này cho phép người chơi xác định chiến thuật cần thiết để sống sót, nhất là khi các góc tấn công khác nhau ảnh hưởng đến sát thương vật lí. Bạn có thể điều khiển một rogue vòng ra sau kẻ địch để hưởng sát thương phụ, hoặc hướng dẫn warrior xông vào nơi có nhiều địch thủ nhất và kích hoạt khả năng thu hút khiến cho kẻ địch tránh xa những thành viên có lượng máu thấp hơn. Bạn cũng có thể tạm dừng mạch chạy của game chỉ với một nút bấm đơn giản, cho phép bạn thời gian để xử lí những tình huống khẩn cấp.

[Retro Review] Dragon Age: Origins – Máu, nước mắt và rồng - Ảnh 6.

Về tổng thể, những trận chiến trong game đều rất cuốn hút với nhiều yếu tố gắn kết với nhau tạo nên một trải nghiệm hấp dẫn. Và Origins có thể đã là một trải nghiệm hoàn hảo, nếu như không có những bước hụt đáng tiếc khiến cho mạch game bị ảnh hưởng không nhỏ.

Điều đầu tiên đập tan sự vẹn toàn của Origins đến từ nền đồ họa đáng thất vọng, kể cả với năm 2009. Mặc cho mô hình nhân vật không đến nỗi nào, môi trường lại được thiết kế rất sơ sài, đa phần chỉ là những căn phòng lớn trống trải với rất ít chi tiết trang trí. Cộng với đó là vân phủ bề mặt tệ hại khiến cho phần lớn thời gian người viết bị kéo ra khỏi thế giới mà BioWare đã cất công xây dựng, đơn giản vì thế giới đó mang lại một sự nhựa nhựa cực kì chán chường.

Nhưng không chỉ có nền đồ họa kéo chất lượng của game xuống, sự thiếu tối ưu hóa cũng là một yếu tố lớn khiến cho Origins mất điểm. Mười năm sau ngày ra mắt và bộ máy tính hiện đại của người viết liên tục gặp khó khăn trong việc chạy game một cách mượt mà. Ngay sau đoạn mở đầu, game liên tục bị văng ra. Và kể cả sau khi người viết tìm được cách khắc phục, game vẫn không chịu chạy cho tử tế, đôi lúc khung hình bị sụt giảm đến mức không thể chơi được. Cách duy nhất là thoát game và khởi động lại.

[Retro Review] Dragon Age: Origins – Máu, nước mắt và rồng - Ảnh 7.

Số khung hình thất thường cũng không phải là vấn đề duy nhất. Dù rằng phiên bản Ultimate đã được patch và xóa bỏ phần lớn bug và glitch, vẫn không khó để bạn bắt gặp những lỗi từ nhỏ nhặt như  quest marker không mất đi đến lớn hơn như nhiệm vụ không thể hoàn thành. Nếu may mắn tần suất xuất hiện của chúng sẽ không đáng kể, nhưng nếu không thì hãy sẵn sàng lưu giữ lại file save phòng ngừa trường hợp xấu nhất.

Các bản mở rộng

Phiên bản Ultimate của game bao gồm tất cả những bản mở rộng đã được phát hành của Dragon Age: Origins. Chất lượng của chúng, tiếc thay lại không được đồng đều như tựa game chính. Trong khi các add-on Warden’s Keep, The Stone Prisoner, Return to Ostagar, Feastday Gifts và Pranks tích hợp luôn vào mạch truyện chính và góp phần làm phong phú trải nghiệm game ở một mức độ chấp nhận được, thì các phần chơi chiến dịch nhỏ The Darkspawn Chronicles, Leliana’s Song, The Golems of Amgarrak và Witch Hunt lại là những nỗi thất vọng to lớn. Thời lượng chơi của chúng chỉ kéo dài tối đa là hai giờ đồng hồ và được đầu tư nửa vời với chất lượng tương tự như những dự án của học sinh trung học.

[Retro Review] Dragon Age: Origins – Máu, nước mắt và rồng - Ảnh 8.

Điểm sáng thật sự nằm ở Awakening, một bản mở rộng đúng nghĩa với cốt truyện, địa điểm, trang bị và kĩ năng mới làm đặc sắc thêm trải nghiệm vốn đã hấp dẫn của tựa game chính. Bản mở rộng này có thời lượng lên tới khoảng 20 giờ chơi với đủ sự hấp dẫn mặc cho kịch bản có phần hơi thất vọng. Tuy vậy trong thời gian chơi Awakening, người viết tiếp tục gặp phải những bug lớn nhỏ mà đỉnh điểm là một bug làm mất toàn bộ trang bị mặc trên người. Bạn có thể tưởng tượng được sự khủng khiếp khi nhân vật mà mình đầu tư cày quốc bỗng dưng mất đi phần lớn sức mạnh.

Tổng kết

Dragon Age: Origins là một tựa game dễ dàng chịu được sự thử thách của thời gian với cấu trúc và thiết kế đủ để khiến cho nhiều sản phẩm khác phải muối mặt. Tuy vậy, nền đồ họa lỗi thời cùng với sự thiếu tối ưu hóa độ ổn định khiến cho Origins trở nên bớt hoàn hảo hơn một chút. Nhưng chớ vội hiểu nhầm, vì đây vẫn là một cái tên mà bất cứ tín đồ nhập vai nào cũng nên thử qua ít nhất một lần trong đời.

Dragon Age: Origins (phiên bản Ultimate) hiện có mặt trên PC, Playstation 3, Xbox 360 và Xbox One.

Ưu điểm:

Cốt truyện và nhân vật được viết một cách tuyệt vời

Yếu tố nhập vai được đầu tư phát triển sâu

Combat hấp dẫn với tính chiến thuật cao

Bản mở rộng Awakening đáng giá

Nhược điểm:

Một số lỗi thiết kế không đáng có

Đồ họa lỗi thời kể cả trong thời điểm ra mắt

Quá nhiều bug, glitch và hiệu năng mất cân bằng

Các DLC nhỏ có chất lượng rất thấp

Điểm: 8,5/10

Một số hình ảnh khác trong game:

[Retro Review] Dragon Age: Origins – Máu, nước mắt và rồng - Ảnh 9.
[Retro Review] Dragon Age: Origins – Máu, nước mắt và rồng - Ảnh 10.
[Retro Review] Dragon Age: Origins – Máu, nước mắt và rồng - Ảnh 11.