2007 chào đón một trong những tựa game lớn nhất trên PC, kẻ phá vỡ mọi rào cản đồ họa lúc bấy giờ và thậm chí cho đến sau này. Tựa game đó không phải gì khác ngoài Crysis, cái tên mà nhắc đến thôi ai cũng phải trầm trồ trước vẻ đẹp và rùng mình nghĩ đến cỗ máy đủ khả năng để chạy nó. Nhưng liệu sau hơn một thập kỉ, Crysis với tư cách là một trò chơi điện tử liệu có còn đủ hấp dẫn game thủ hiện đại?
(Bài viết sẽ chỉ đề cập đến mục chơi đơn do server cho phần chơi mạng đã đóng cửa từ ngày 11/10/2018)
Đối với những ai chưa biết thì Crysis là tựa game bắn súng góc nhìn người thứ nhất được phát triển bởi Crytek và phát hành bởi EA năm 2007. Bạn vào vai Nomad, một người lính đặc nhiệm cùng với đội Raptor của mình được phái đến một hòn đảo phía Bắc Triều Tiên để giải cứu những nhà khoa học bị mắc kẹt nơi đây. Cùng với súng đạn và bộ đồ Nanosuit mạnh mẽ, bạn cần tìm ra và ngăn chặn những hiểm họa lớn hơn nhiều lần quân đội Bắc Triều Tiên.
Cốt truyện của game không thực sự quá hay, nhưng được dẫn dắt một cách khéo léo và tạo được một không khí bí hiểm bao trùm phần đầu game. Bất ngờ lớn nhất đến từ sự xuất hiện của người ngoài hành tinh, nhưng những gì xảy ra tiếp theo không thực sự nổi bật và phần kết thậm chí còn có phần hơi hụt hẫng. Nhưng đó là một cốt truyện không đến nỗi tệ; đủ để làm nền cho những yếu tố chính làm nên thường hiệu Crysis: đồ họa và gameplay.
Một điều chắc chắn: Crysis rất và rất đẹp. Kể cả sau hơn một thập kỉ từ khi ra mắt, đứa con của Crytek vẫn có thể tự hào khoe bộ cánh của mình bên cạnh những tựa game ra mắt sau. Ngay từ khi mở đầu, Crysis đã cho thấy nó là một sản phẩm điên rồ với hàng tá những hiệu ứng đắt đỏ nhất mà bạn có thể nghĩ ra. Từ volumetric cloud, motion blur, SSAO, god-ray cho tới hàng trăm những texture độ phân giải cao, tất cả góp phần tạo nên một phần rất nhỏ trong tổng thể đồ họa vừa ấn tượng vừa đáng sợ của Crysis. Mọi chi tiết trong đó tạo nên một hòn đảo Lingshan rộng lớn với độ tương tác cực kì cao, gồm thảm thực vật và yếu tố môi trường có thể bị tác động hoặc phá hủy thành nhiều mảnh nhỏ.
Nền đồ họa này cũng góp công lớn vào sự thành công trong gameplay của Crysis. Mỗi level trong game rất rộng, cộng với khả năng tùy biến của Nanosuit, tựa game tạo ra một lối chơi rất tự do nhưng không kém phần quyến rũ.
Bộ giáp Nanosuit thương hiệu của Nanosuit có bốn chế độ chính: chế độ armour (áo giáp) mặc định, strength (sức mạnh), speed (tốc độ) và stealth (tàng hình). Mỗi chế độ này có một công dụng khác nhau, đơn cử như strength cho phép bạn đấm bay nhà và nhảy cao, hay speed khả thi hóa việc chạy nhanh hơn xe ô tô trong một thời gian ngắn. Những khả năng này cộng với hệ thống khí tài trong game cho phép bạn tiếp cận nhiệm vụ từ nhiều góc khác nhau, mang đến một sự tự do gần như tuyệt đối trong mỗi màn chơi. Bạn có thể tàng hình lẻn qua chốt canh của địch hay phóng xe phá nát chốt đó, đưa thêm vào Crysis cực kì nhiều giá trị chơi lại.
Và đây là lúc những điểm yếu và dấu hiệu tuổi tác của Crysis bắt đầu lộ rõ.
Những vấn đề trong việc thiết kế đồ họa, mỉa mai thay, xuất hiện trước tiên. Phần nhìn chính vì quá ấn tượng và phức tạp đã vô tình khiến cho Crysis trở thành một nạn nhân của animation thô cứng, bug và glitch. Dù không đến nỗi thường xuyên, nhưng những cử động nhân vật gượng gạo, vật thể xuyên tường hay đổ bóng lỗi cũng có thể tạo ra cảm giác khá khó chịu. Ấy là chưa kể nếu như bạn bật v-sync thì game sẽ khóa FPS tối đa của bạn ở 50 thay vì 60. Những tín đồ của chủ nghĩa hoàn hảo chắc chắn sẽ không thích điều này. Và nếu bạn may mắn, những bug như thiếu tùy chọn độ phân giải 1080p sẽ bỏ qua cho bạn, còn không chỉ còn cách lên mạng tìm những cách sửa vốn chưa chắc đã có hiệu quả hay không. Nhưng tất cả những phiền toái đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Lúc phát triển Crysis, đội ngũ Crytek, cũng như rất nhiều người lúc đó nghĩ rằng hướng phát triển của CPU sẽ là sự tăng trưởng vượt bậc về tốc độ, không phải là đa nhân. Điều này dẫn đến Crysis được tối ưu hóa cho một nhân duy nhất trong CPU, khiến cho đôi lúc số khung hình trên giây giảm xuống tới mức tầm 30FPS khi nhiều vật thể xuất hiện ngay cả trên những PC cấu hình cao. Câu đùa “nhưng máy đó có thể chạy Crysis được không?” chắc chắn sẽ còn tồn tại rất lâu nữa, ít nhất là cho đến khi ai đó cho ra mắt một chip CPU có nhân chạy ở 8GHz.
Nhưng vấn đề lớn nhất của Crysis không nằm ở đồ họa, mà ở gameplay. Những vấn đề như việc lựa chọn chế độ cho Nanosuit hơi thiếu tính hiệu quả hay AI địch lúc thì ngu ngơ lúc thì mắt đại bàng chưa bao giờ thực sự là điều gì to tát lắm. Đơn giản vì sân chơi trong những level đầu vẫn là của bạn và những tên lính Triều Tiên. Nửa sau đó là mới là những gì khiến cho Crysis mất điểm.
Bạn khám phá ra sự tồn tại của người ngoài hành tinh. Chúng thoát ra, và bạn tiêu diệt chúng bằng hỏa lực đủ mạnh. Cách giải quyết vấn đề này gọn gàng và đơn giản, nhưng nó phản bội lại tất cả những gì Crysis đã cố gắng xây dựng ở nửa đầu: sự tự do. Bạn không có cách gì khác để tiếp cận vấn đề; nó đơn giản giờ chỉ là một show trình diễn pháo hoa bắn vào những con người ngoài hành tinh máu trâu và lực tấn công lớn. Sự hỗn loạn ngự trị gameplay khiến bạn không còn đủ thời gian để lên kế hoạch và hướng tiến công, đó là chưa kể trùm cuối game đơn giản chỉ là một bình máu lớn không hơn không kém.
Nhưng công bằng mà nói, Crysis không phải là một trải nghiệm tồi chỉ vì một vài lỗi thiết kế, dù to dù bé, vừa nêu. Bạn vẫn có thể tìm thấy nhiều niềm vui và sự thỏa mãn trong tựa game này, nhất là khi nền đồ họa huyền thoại của nó vẫn còn đó rất nhiều giá trị, kể cả trong năm 2019.
Crysis được phát hành trên PC, Playstation 3 và Xbox 360. Lưu ý phiên bản console có đồ họa hơi khác so với PC do được phát triển trên nền Cryengine 3 thay vì Cryengine 2.
Tổng kết:
Ưu điểm:
+ Đồ họa tuyệt phẩm ngay cả ở thời điểm hơn chục năm sau ra mắt
+ Lối chơi tự do và sáng tạo, ít nhất là ở những level đầu
Nhược điểm:
+ Một vài yếu tố đồ họa và gameplay đã trở nên lỗi thời
+ Thiếu tối ưu hóa hiệu năng
+ Gameplay trở nên nhàm chán ở nửa sau game
Điểm: 7/10