Không phải tâm sự nào cũng chia sẻ, không phải câu chuyện nào của Karik cũng kể ra. Tôi và anh, đã có một chiều cảm xúc, thật chân thành, thật ngẫu hứng.
ỏ lại sau lưng một thành phố lớn, nới lỏng dòng suy nghĩ mưu sinh, và cảm nhận không gian thật sự bình lặng, mà ở đó, chỉ còn là chia sẻ, thật nhẹ, không gượng, và thoảng chợt phừng lên cảm xúc vô tư như hai người bạn. Tôi và Karik, đã có một chiều như thế, tại Sài Gòn, trong một không gian ôn cố của thành phố xưa. Chỉ để kể cho nhau nghe những chuyện đã qua, vài việc đang theo, và nhiều thứ sẽ làm trong tương lai gần, từ anh (Gọi tắt: Rik).
Karik chia sẻ về nội tâm, công việc, cuộc sống và con người anh
"E hèm! Anh nghĩ gì về game thủ, đã từng game riết với đám bạn chưa?" Khoan đã, dừng một tý, có gì đó hơi cụt hứng, nhân vật hôm nay là rapper, một nghệ sĩ, và con người ấy đã tranh thủ thời gian lên đây, ngồi lại, để lắng nghe và sẽ chia sẻ hết mình, với tôi. Tại sao tôi lại gạn hỏi những thứ trên, vì mình gắn mác phóng viên game chăng?
Không chằng chéo những câu hỏi "thúc ép" liên quan tới game. Tôi gạt phăng tất thảy, và thoải mái với những câu hỏi ngẫu nhiên nhảy nhót trong đầu, không kịch bản, không game bấu víu vào game để đề-pa câu hỏi, mọi thứ bắt đầu từ sực nhớ, ngẫu hứng, và vô tư. Từ đây, ngay lúc này, tôi dẫn chuyện và Karik tiếp chuyện - như hai người bạn, không hơn.
Năm năm trước (giai đoạn 2009-2012), cặp đôi Wowy - Karik từ điểm chia sẻ góc nhìn trước thực trạng xã hội bằng việc rap những bài như "Khu tao sống", "Hai thế giới", "Người số một", "Em là ngôi sao", "Chạy" - đã từng là tracks hit trong cộng đồng rap Việt. Nhưng đó là underground (under), là "thế giới ngầm", là được rùng mình trút hết cảm xúc cá nhân, là thể hiện cái tôi vị kỷ một cách chân thực, sống động về cuộc sống xung quanh, mà chẳng sợ ai soi mói để quắc mắt, đe nẹt.
Rap, công việc hay đam mê của Karik?
Giờ đã khác, một Karik dấn thân vào con đường nghệ thuật, băng qua showbiz, hàng vạn người theo dõi trên mạng xã hội, không ít trang tin điện tử sát rạt đưa tin, viết bài về sản phẩm âm nhạc của anh (những bài rap như "Ế", "Anh không đòi quà", "Thương", "Từng là tất cả", "Khóc một mình", "Mẹ tôi", "Trước khi quá trễ"). Đâu đó hai giải thưởng âm nhạc uy tín, tôn vinh đóng góp cho cộng đồng rap Việt (MTV Việt Nam 2011, Zing Music Awards 2016), và từ khóa "Karik" luôn top trong mục Rap Việt trên vài ứng dụng nhạc số trong nước.
Và sau tất cả, có chăng Karik dấn thân vào showbiz rồi dần… mất chất?
Khi được hỏi "có chăng Karik… mất chất?", khi mà anh dần tiết chế cái tôi phóng khoáng, ngông nghênh qua danh xưng mày-tao là điển hình, trong rap của mình, thì anh tỏ bày: "Khi dấn thân vào con đường nầy, nó rắc rối hệt như bài đầu tiên Rik được mọi người biết đến nhiều, "Rắc rối" (music video đạt giải MTV 2011) thiệt!" Anh chừa lại một khoảng không lặng im, rồi nói: "Âm nhạc bây giờ là giải tỏa cảm xúc, đối với sân khấu thì người ta muốn giải trí, thì mình đừng làm tâm trạng, tinh thần của họ bị căng thẳng. Mình khó đem những bài rap chất lên được, nếu có, cũng chỉ dành cho sân chơi giới trẻ".
Đã từng có giai đoạn trên sóng truyền hình VTV xuất hiện số ít bài rap được chính Karik sáng tác, thực hiện trước công chúng, điển hình như "Đừng lùi bước", "Đánh đổi" - đều sử dụng đại từ nhân xưng mày-tao. Nhìn ở góc độ này, Karik đã khéo léo thuyết phục công chúng, thông qua ý nghĩa tích cực từ lời, thông điệp từ bài, và sự chân thành khi trình diễn. Karik đã đem lại một gam màu mới toanh trên sóng truyền hình khi đó, thông qua rap, là phản ánh thực trạng của giới trẻ phải đấu tranh nội tâm từng ngày từng đêm, giữa tự ti và cuồng vọng, giữa lạc quan và yếm thế.
Và khi tôi nhắc lại ký ức đấy, thật cảm xúc, anh nói: "Coi lại clip, thật ra nó không có gì ghê gớm, cũng chỉ là đại từ nhân xưng, quan trọng là ý nghĩa bài hát, và Rik nghĩ là, khoảnh khắc đó người ta đừng "bới lông tìm vết" quá, thì thật ra cũng không đến nỗi gì căng thẳng. Nhưng nghĩ lại, mình đã đưa hai từ mày-tao đến với công chúng là một điều rất vui".
Vậy mà, những ai đã từng thích Karik trong quá khứ (thời under), phần nhiều cứ khư khư giữ suy nghĩ, "Karik mất chất" chỉ vì loay hoay hai từ, mày-tao. Mà sau cùng, chính anh đã đem hai từ mày-tao lên sân khấu, thông qua sóng truyền hình trên khắp cả nước. Nhìn xa hơn, rap Việt có thể lèo lái ngôn từ, lạng lách câu chữ để phù hợp với môi trường mới, thỏa mãn tâm trạng của số đông ở người nghe, nêu bật lên những giá trị cuộc sống (gia đình, sức khỏe, công việc, đam mê, và tình yêu). Khi đã thành, công chúng vẫn đón nhận, cảm nhận và đánh giá: "Woa, bài rap nầy hay thiệt, giống mình quá...!" – đó cũng được xem là cái chất của người nghệ sĩ thông minh, khéo léo thay đổi, đưa những giá trị căn bản của rap đến với công chúng, theo cách phù hợp nhất.
Vậy một rapper under, một rapper showbiz, hay một rapper muốn… dấn thân - đâu là hình ảnh hiện tại của anh? Có lẽ, Karik đã trải qua tất thảy ba giai đoạn trên, có chăng là sự khác biệt theo thời gian mà anh để lại cho nền rap Việt, ở hiện tại và trong tương lai gần. Khác biệt đó đủ sức vượt lên những sân si tầm thường của người đời, ngoảnh mặt cười nhẹ với dòng dư luận ảo nhất thời trên mạng xã hội: Là "mất chất", là "sụp đổ của một tượng đài", là là… gì đó phải vừa lòng tất cả họ, theo một định nghĩa ương ngạnh từ số đông (kiểu như Karik đã rap mà không chửi thề, văng tục là mất chất, là vết nhơ của giới under).
Nhưng Karik vẫn là Karik. Ngày qua ngày đêm nối đêm, anh vẫn mê mải chúi mắt trong từng track rap đã vạch, tự tạo cho mình một quỹ đạo riêng để làm việc, thi thoảng giải trí cùng một game nào đó ưa thích, mà tại đó, thế giới trong góc nhìn Karik "như một chú lính nhựa với micro là súng, vác theo lyric như đạn, chơi cùng beat như bạn bè, xem giấy viết như hành trang".
Càng ồn ào, anh càng không chùn bước trên hành trình phát triển âm nhạc của mình (với người, với đời), được duy trì sức nóng trên sân khấu mỗi đêm, được bưng ra những cảm xúc sáng tác (đa dạng về phong cách, phong phú về ngôn từ), và còn được tung hoành tài năng cùng rap với môi trường đang trụ, hiện tại là showbiz. Bình tâm mà nhìn lại, Karik đang âm thầm hòa cùng nền âm nhạc Việt, quyện lại thành một, đem rap Việt đến gần hơn với người người, từng lứa tuổi, đủ mọi thành phần trong xã hội. Mà trong số đó, có cả game thủ, bài "Ế" là một điển hình ngẫu nhiên trong sáng tác của anh.
Trải qua qua thăng trầm công việc, lửng lơ tình cảm, và áp lực của mưu sinh, càng làm tôi tò mò với một Karik của ngày hôm nay - lạc quan, tự tin, sâu sắc, và cháy hết mình trên sân khấu cùng rap. Tôi hỏi, sau bao năm, dù đã thay đổi từ ngoại hình đến phong cách âm nhạc, nhưng khi trút bỏ lớp áo nghệ thuật, nhìn sâu vào ánh mắt, phải chăng anh là người sống nội tâm? Anh nhìn tôi, rồi tiết lộ: "Cách đây ba năm rưỡi, Rik từng bị hội chứng xã hội (sợ đám đông)".
"Và khoảng 2 năm trở đi, thì Rik ra ngoài diễn nhiều hơn, gặp những người bạn vui tính - họ chia sẻ những trải nghiệm tận hưởng cuộc sống nầy, theo cách thú vị hơn", - anh thở nhẹ, rồi cười. Sau cùng thì, bản thân Karik là một người sống nội tâm, anh thường ở phòng và ít nói chuyện với ai, càng không mở âm thanh theo kiểu bung bét như cách thường nghĩ về một rapper. Anh thích chọn một vài niềm vui, rất đỗi giản đơn, đó là nhìn cuộc sống bình dân qua đôi mắt trẻ để chia sẻ bằng ngôn ngữ rap, vặn những suy nghĩ vẩn vơ thành một sản phẩm âm nhạc sát rạt với hiện thực cuộc sống, theo một cách chân thực nhất.
Một số ấn phẩm, đĩa game, trò chơi mà Karik đã từng trải nghiệm
"Khi Rik ở trong phòng, ít ra ngoài, lối sống nầy hình thành từ bé, mỗi lần vậy thường ra ban công đọc truyện tranh, nhìn hình ảnh nào đó rồi suy nghĩ vẩn vơ, giống như tự trấn an bản thân bằng việc viết ra cảm xúc bằng lời nhạc cho tất cả mọi người: họ đồng cảm, thấy thoải mái, và được an ủi. Khi mình nhập tâm viết, và sau khi không đụng chạm bài hát đó, thì Rik quay trở lại cuộc sống. Sau cùng, Rik chỉ muốn nói với tất cả mọi người, bằng âm nhạc".
Những khoảnh khắc thư giãn rất đối đời thường của Karik
Thi thoảng Karik vẫn hơ lửa làm nóng cộng đồng under, bằng một vài video lyrics ("Ức chế", "Anh em", "Lời ngắn", "Người Việt Nam") hoặc một dự án ngầm nào đó. Điển hình như năm 2014, anh từng phát hành abum "Điều tạo nên tôi", không truyền thông ồn ào trên thị trường âm nhạc số, chủ đích là dành cho các bạn trẻ under đam mê rap, truyền cảm hứng cho những ước mơ còn chưng hửng, và thưởng thức nó như cái cách họ thường hay gọi, là chất.
Giữa năm 2012, một lần mò mẫm cách chơi trong game Liên Minh Huyền Thoại (Gọi tắt: Liên Minh) - từ lời giới thiệu của một người em xã hội, Karik bắt đầu con đường trở thành game thủ… nghiệp dư. Khoảnh khắc vi diệu khi liên tiếp lập công, những lần tranh cướp táo bạo, và có khi ức chế với một tình huống ngớ ngẩn từ đồng đội phá game, là ký ức tựu chung khi anh nhắc về game Liên Minh.
Có lần tôi tạt vào một quán net X để tác nghiệp cho talkshow "Đời game thủ", thoảng nghe bài rap "Ế", trong đó có câu: "Khi trai gái họ đang... Thì tui lại ngồi đánh Liên Minh". Và tất nhiên, giai đoạn này, nhắc tới game online thì thường nghĩ ngay Liên Minh - một bộ môn thể thao điện (eSports), đang sở hữu lượng tài khoản người chơi nhiều nhất thế giới, và đã được công nhận từ một số quốc gia, khu vực có nền eSports phát triển.
Những chia sẻ về cảm xúc với game và nguồn cảm hứng cho nghệ danh - Karik sau này
Tôi hỏi thẳng tuột, phải chăng là một thủ thuật theo xu hướng, có phần thời sự, nhằm câu thêm lượng fan từ game này, anh vô tư chia sẻ: "Khoảng thời gian đó ảnh hưởng đến cảm xúc sáng tác là nhiều, Rik muốn ghi cái gì mình thích, khi bạn nghe nhạc một người nào đó, đa phần mình sẽ thấy bản thân trong đó. Mà lúc đấy, Rik không biết bao nhiêu người quan tâm tới chuyện Liên Minh. Mà mình chơi game nầy thấy vui, thấy thú vị thiệt, nên ghi luôn".
"Với mỗi game, đều cho người chơi một trải nghiệm, xúc cảm riêng. Giống như xưa, chơi Lineage II, chỉ thích mặc bộ đồ đẹp, vũ khí hiếm, ngắm nhân vật chính của mình. Khi ra tiệm nét, đeo khẩu trang, la hét, mình cảm thấy vui, vì đang chơi với đám bạn có cùng cảm xúc, rất riêng. Còn ở nhà, đánh rank (xếp hạng) thì phải nghiêm túc, tập trung, và nếu kỹ năng trên cơ người khác rất đã, lại cho mình cảm xúc khác", đó là sự khác nhau giữa chơi game tại nhà và quán net theo lời kể từ anh.
Sau bao năm nghe nhạc của anh, tôi vẫn đau đáu một câu hỏi, "nghệ danh Karik được gợi lên từ cảm hứng nào?", tôi bắt đầu tò mò và đã lò dò kiếm tìm từ nhiều nguồn tin: bài viết có, hình ảnh đầy, video vô số nhưng vẫn không có lời giải xác đáng. Chợt nhớ ra, tôi liền hỏi anh về nghệ danh đã chọn, đang theo, và sẽ xây dựng thành một thương hiệu cá nhân mang tên Karik trên thị trường âm nhạc Việt. Anh cười nhẹ, cắt nghĩa một cách thoải mái: "Sự thật tên Karik xuất phát từ một game online, tên là Lineage II", anh nhoẻn cười rồi nói tiếp: "Cái thời mà Võ Lâm Truyền Kỳ đợt đầu, Rik thấy không một cái game nào đồ họa xuất sắc, mà lúc đó Lineage II là đồ họa xuất sắc nhất, rất đẹp. Mình thấy, game nầy đẹp quá sao mọi người không chơi ta, sao không có nhà phát hành nào tại Việt Nam, nên lúc đó mọi người phải chơi lậu phiên bản Việt hóa".
Ảnh game Lineage II
"Có lần vào một hang để đánh, "rum năm-hai-bốn-bảy", Rik chơi class dagger (class dao găm), lúc vào hang, mỗi lần đi bộ là phải chuyển sang chế độ "sai-lờn-mu" (chế độ đi âm thầm), để tránh con quái vật khủng dí đánh mình. Mà mỗi lần đi một mình, hay hết năng lượng (mana), bị đập về thành hoài, mà con đó tên là, Karik - nhìn con nầy cũng đẹp, cũng bự, cũng hoành tráng, mà thấy tên mình xuất phát chữ K (tên: Khoa), nên sẵn lấy tên Karik, ngắn gọn dễ gọi" - (Cười).
Trước khi thay đổi phong cách sáng tác, từ ngông cuồng sang nhẹ nhàng, đến under tới showbiz, rồi thích nghi với dòng chảy đam mê và guồng xoáy công việc, anh đã từng do dự, hối hả, chịu áp lực với quá khứ như câu hát mình sáng tác: "Tự mình xây lên tượng đài! Không còn như những ngày đầu tiên" – trích trong bài "We Hear U (You)".
Sống vừa lòng thiên hạ, lừa dối với chính mình, hay là an toàn trong vùng khen-chê của người đời. Thầm nghĩ tới đây, tôi hỏi anh có sợ "cả thế giới" quay lưng với mình, tức Karik sẽ bị lãng quên với dòng dư âm, "K… a… r… i… k, mất chất rồi!" Anh trầm tư một hồi, rồi nói: "Càng đi sâu vào con đường nghệ thuật, mà làm nghệ thuật thì mình nên làm đẹp cho cuộc sống, nếu mình viết cho bản thân có thể người nghe tìm được đâu đó trong ca từ, "giống mình quá", sau đó rốt cuộc người ta cũng không có lối thoát. Thay vào đó, sau nầy, Rik nên chia sẻ, gợi ý cách giải quyết khó khăn trong cuộc sống đâu đó trong ca từ, giờ đây, mình viết cho người, chứ không còn cho chính mình".
Một số hình ảnh Karik đi làm thiện nguyện
Nền âm nhạc Việt trước đó bảy năm, 2010, rap Việt ở thời điểm đó là một thứ gì "chợ búa" và khó mang tính nghệ thuật để dung nạp vào văn hóa nghe-nhìn của khán giả trong nước. Cũng hệt như game thủ thời bấy giờ, không ít người có một góc nhìn chung rằng "nói không với game online" (cùng tên với một cuốn sách, tác giả Lê Khanh, xuất bản 2012), theo hướng khó có tương lai về ngành này, và nhiều nghề biến thiên từ game (streamer, caster, gamer…).
Cho tới khi 2011, sự lãng quên về rap Việt dần mất, từ một cái tên lạ hoắc rapper Karik xuất hiện trong MV Rắc rối - nội dung châm biếm thực trạng showbiz, tạo tiếng cười thậm xưng, qua đó đạt giải MTV Việt Nam cùng năm. Cũng từ đây, anh bắt đầu nhận thức rõ ràng về việc thay đổi phong cách rap, một cơ hội mười mươi dễ dàng đưa rap Việt đến với khán giả trong nước, gần, rất gần hơn bao giờ hết.
"Muốn thay đổi là phải chấp nhận thất bại. Thất bại ở đây không phải là nghề nghiệp, mà là… mình phụ họ trong một thời điểm", anh bày tỏ quan điểm khi bắt đầu dấn thân vào con đường showbiz, tạm nghỉ chứ không dừng với cuộc chơi under. Và sau tất cả, Karik hướng đến một mục đích cao hơn, rap Việt là một nghệ thuật có văn hóa chứ không dừng lại ở cái tôi vị kỷ, và bảo thủ (ngôn từ, thái độ, phong cách, cộng đồng).
Và nghệ thuật cần có sự sáng tạo, phá cách, thăng hoa, và thích nghi với xu hướng âm nhạc từ công chúng, hơn là một cộng đồng. Và rap cũng cần như thế, nếu muốn phát triển. Tựa như một thân cây, khi muốn tỏa bóng mát cho xung quanh, cần mọc nhiều nhánh, mỗi nhánh mỗi khác, nhưng cuối cùng tất cả cũng từ một gốc rễ, mà thành.
Karik đã thay đổi để được cất cánh trên một vùng trời mới, mang tên showbiz. Năm 2016, anh được xướng danh trong đêm Gala trao giải Zing Music Awards, với hạng mục: "Ca khúc Rap/Hip Hop được yêu thích: Từng là tất cả - Karik". Rap của anh, giờ đây là nhẹ mà sâu, lắng mà nhàn, dễ nghe dễ cảm, dễ sẻ chia tâm tư với nhiều khán giả. Hệt như giải thưởng đầu tay mà anh gặt hái, MTV Việt Nam 2011, với hạng mục: MV được khán giả yêu thích nhất.
"Mainstream hay under, thì tôi cũng đã thể hiện hết những gì trong khả năng của mình, ở mọi sân chơi, và chưa bao giờ cảm thấy hổ thẹn vì bất cứ điều gì. Quá khứ sai hay đúng, thì nó cũng đã góp phần tạo nên những cột mốc lịch sử đáng nhớ trong đời. Đó là, một thằng nhóc đã từng ước mơ: "Mày sẽ biết rap!", Karik.
Và giờ tôi đã hiểu, tại sao máy bay cất cánh được là nhờ… ngược gió!