Trí Thức Trẻ | 28/08/2019 05:11 PM
Hãng Fairphone sẽ xuất xưởng chiếc điện thoại mới nhất của mình, Fairphone 3 vào tuần tới với hy vọng mở rộng sự hiện diện của mình trên thị trường smartphone. Công ty điện thoại ít tên tuổi của Hà Lan này chuyên phát triển smartphone dựa trên các điều kiện làm việc và thương mại công bằng nhưng vẫn đảm bảo khả năng sử dụng của thiết bị trước sự thay đổi liên tục của công nghệ.
Trước đó Fairphone 3 đã có đợt mở bán pre-sale trước tại châu Âu với mức giá 450 Euro hay 500 USD và sẽ giao hàng tới người mua vào ngày 3 tháng Chín tới đây.
Fairphone 3 với màn hình 5,7 inch tỷ lệ 18:9, độ phân giải Full HD.
Nếu là một người tìm mua điện thoại thông thường, bạn sẽ thấy thất vọng vì cấu hình dưới mức tầm trung với mức giá này. Bên trong Fairphone 3 là Snapdragon 632 và GPU Adreno 506 cùng 4GB RAM. Pin rời 3.000 mAh và cùng bộ lưu trữ ROM 64GB bên trong. Như nhiều điện thoại Android khác, Fairphone 3 chạy Android 9 Pie và camera sau cũng có thể cho ra những bức ảnh với chất lượng không tệ.
Tuy nhiên, một trong những điểm hấp dẫn nhất của chiếc điện thoại này là phần cứng được thiết kế dưới dạng module, vì vậy người dùng có thể tự sửa chữa nó một cách dễ dàng nếu có bộ phận nào đó bị hỏng, và các bộ phận thay thế đều có thể mua được trên trang web của Fairphone. Bạn có thể không cần phải thay điện thoại mới sau mỗi 2 năm sử dụng nữa.
Pin, camera và nhiều linh kiện trong Fairphone 3 được thiết kế dưới dạng module và có thể thay thế dễ dàng.
Cái tên Fairphone cũng cho thấy một khác biệt lớn khác so với các thiết bị tiêu chuẩn, như iPhone hoặc điện thoại Android. Thương hiệu này tự xem mình như một thực thể thương mại công bằng với các điều kiện làm việc công bằng – nhằm "thiết lập thị trường cho các sản phẩm có đạo đức hơn", như tuyên bố của CEO Eva Gouwens.
Bạn có thể thay cả cụm camera nếu bị hỏng.
Kể từ khi thành lập vào năm 2013, trọng tâm của công ty là các điều kiện làm việc công bằng, trong khi vẫn duy trì sự minh bạch về nguồn gốc của các nguyên vật liệu. Theo nhà sáng lập và là cựu CEO, Bas van Abel, hơn 80% khối lượng của Fairphone 3 được làm từ các vật liệu tái chế.
Bản thân chiếc điện thoại do hãng gia công của Đài Loan, Arima lắp ráp trong khi Fairphone chịu trách nhiệm cho việc gia tăng "sự hài lòng của nhân viên bằng cách cải thiện vai trò của công nhân, sức khỏe và mức độ an toàn bằng cách trả tiền thưởng cho người lao động với mục đích thu hẹp khoảng cách giữa mức lương tối thiểu và mức sống trong nhà máy."
Để làm việc sửa chữa, thay thế linh kiện trong điện thoại dễ dàng hơn, Fairphone còn gửi kèm một tua vít trong hộp đựng điện thoại cho người dùng.
Người lao động của Arima được Fairphone tặng tiền thưởng dựa trên năng suất tăng thêm so với các mục tiêu hạn nghạch của họ, một sự tương phản so với các tiêu chuẩn trong ngành công nghiệp khi việc trừng phạt và giờ làm việc kéo dài đang diễn ra phổ biến để bù đắp các thiếu hụt trong sản xuất. Fairphone tin rằng cách tiếp cận của họ sẽ hỗ trợ cho tinh thần người lao động và quyền của nhân viên.
Bất chấp các nỗ lực thân thiện với người lao động và sinh thái của Fairphone, ý tưởng về chiếc smartphone thương mại công bằng vẫn là một thị trường rất nhỏ bé, với chỉ khoảng 0,1% ở thị trường Tây Âu. Tuy nhiên, Fairphone vẫn lạc quan rằng điểm hấp dẫn đối với lương tâm người tiêu dùng này sẽ được đền đáp trong những năm tới.
Trả lời phỏng vấn của TechCrunch, ông Van Abel cho biết: "(Thị trường này) đang tăng trưởng với tốc độ cao. Tôi tin rằng việc Fairphone (xuất xưởng được 200.000 smartphone mỗi năm) là rất khả thi trong một vài năm tới. Chúng tôi có thể giành được một phần nhỏ của thị trường tiêu dùng có lương tâm."
Fairphone và ông Van Abel không phải là những người duy nhất tin vào việc người tiêu dùng đang thay đổi thói quen chi tiêu của mình khi mua sắm smartphone. Một nhà quan sát trong ngành công nghệ, John Anon của Android Headlines, cho biết trong email gửi tới Fox Business Network rằng:
"Ở một góc độ nào đó, người tiêu dùng dường như đang thay đổi thói quen mua smartphone của mình. Một phần điều này là do nhận thức rằng giá smartphone đang liên tục leo thang và một phần là do sự hiểu biết nhiều hơn về rác thải do ngành điện tử sản sinh ra."
"Nói cách khác, người tiêu dùng đang có thái độ bền vững hơn đối với các quyết định mua của mình. Giờ đây họ kỳ vọng chiếc smartphone mới của mình có thể tồn tại lâu hơn bao giờ hết. Ý tưởng về một chiếc điện thoại tồn tại lâu hơn bình thường không còn là một thị trường nhỏ nữa."
Nhưng Anon cũng nhấn mạnh rằng thị trường cho những smartphone bền vững như vậy vẫn chỉ có quy mô nhỏ cho đến khi chúng có mức giá dễ tiếp cận hơn.
"Có thể có thị trường cho bất cứ sản phẩm nào bền vững, nhưng liệu thị trường đó có đáp ứng được nhu cầu của smartphone giá rẻ hay không, lại là một câu hỏi khác. Giá cả là một trong những yếu tố thúc đẩy mạnh mẽ nhất cho ngành công nghiệp tại thời điểm này và trừ khi những chiếc điện thoại bền vững có mức giá dễ chịu hơn, thị trường cho những sản phẩm với điểm nhấn chính là yếu tố bền vững sẽ vẫn còn thấp."
Tham khảo Fox Business