Bộ điều khiển của máy PlayStation từ trước đến nay đều có những hình dáng (form factor) tương tự nhau, đến mức nhiều người chế nhạo rằng bộ điều khiển DualShock 2 và 3 chẳng khác gì một cặp sinh đôi. Ngược lại, bộ điều khiển DualSense lại giống như một kẻ lạc lõng trong đại gia đình dù mới chỉ liếc nhìn qua. Hãy cùng quay ngược thời gian để xem bộ điều khiển PlayStation đã tiến hoá ra sao!
Có rất nhiều mẫu bộ điều khiển PlayStation không được Sony tung ra thị trường - bạn hẳn còn nhớ bộ điều khiển boomerang của PS3 - nhưng trong bài viết này, chúng ta sẽ chỉ nhắc đến những bộ điều khiển chính thức được giới thiệu cùng với các máy PlayStation trong lịch sử. Đó là những bộ điều khiển thuộc dòng DualShock, mà nay vừa có thêm một thành viên mới mang tên DualSense, dự kiến ra mắt cùng PS5 vào kỳ nghỉ lễ tới đây.
Bộ điều khiển nguyên bản và DualShock
Bộ điều khiển PlayStation nguyên bản (ảnh trên) về cơ bản không phải là một bộ điều khiển DualShock. Tên gọi DualShock được sử dụng để ám chỉ hai mô-tơ rung nằm bên trong bộ điều khiển, và chúng không hề hiện diện cho đến năm 1997, khi Sony tung ra một mẫu bộ điều khiển với hai cần gạt analog và công nghệ rung (ảnh dưới). Đó là bộ điều khiển DualShock có dây đầu tiên, với 4 nút bấm lừng danh - tam giác, vuông, tròn và X, cùng bố cục cần gạt đối xứng, cụm nút điều hướng D-Pad, nút Start và Select, nút trigger L2 - R2, và nút bumper L1 - R1. Nút Analog ở ngay chính giữa bộ điều khiển giúp DualShock tương thích với bộ điều khiển PlayStation Analog Joystick.
DualShock 2
DualShock 2 gần như giống hệt thế hệ trước, nhưng được thay đổi đôi chút ở vân bề mặt của cần gạt và đinh vít. Nhờ đó, toàn thân DualShock 2 có một màu đen đồng nhất. Bên trong, công nghệ điều khiển được Sony cải tiến để các nút bấm nhạy hơn với lực nhấn và có độ chính xác cao hơn.
Về mặt tương thích, DualShock 2 có thể được sử dụng với cả máy PlayStation 1 và PS2, còn nếu muốn sử dụng với PS3, bạn phải sắm thêm một vài món phụ kiện từ nhà sản xuất bên thứ ba.
DualShock 3
Bộ điều khiển ra mắt cùng PS3 thực ra được gọi là bộ điều khiển Sixaxis, lấy cảm hứng từ các cảm biến chuyển động bên trong, nhưng nó lại không có bất kỳ mô-tơ rung hay tính năng phản hồi chạm vì Sony lo ngại chúng sẽ gây ảnh hưởng đến khả năng phát hiện chuyển động. Sixaxis sau đó bị ngừng sản xuất, thay thế bằng DualShock 3 - bộ điều khiển được trang bị công nghệ rung từ DualShock 2 và vẫn giữ được các cảm biến chuyển động từ Sixaxis. Tất cả các nút bấm trên DualShock 3 vẫn như trước, nhưng có độ chính xác cao hơn và phản hồi rung tốt hơn - một điểm khác là nó có một nút PS dùng để trang trí, nằm ngay chính giữa, thay cho nút Analog.
Không như các bộ điều khiển DualShock trước đó, DualShock 3 hoàn toàn không dây, kết nối qua Bluetooth, và có thể được sạc với một sợi cáp mini-USB.
DualShock 4
Trước DualSense, thì DualShock 4 là bộ điều khiển có thiết kế khác biệt nhất so với các bộ điều khiển thế hệ trước. Nó không chỉ có thiết kế công thái học hơn, mà còn được trang bị một touchpad, một dải đèn nhỏ, và một nút Share dùng để chia sẻ tức thời nội dung lên mạng xã hội. Touchpad ở đây là một nút bấm linh hoạt nhưng lại ít khi được tận dụng, thường đóng vai trò nút menu khi bạn đang chơi bất kỳ tựa game nào.
Một số game như Ghost of Tsushima ứng dụng các cảm biến của touchpad, cho phép bạn thực hiện nhiều hành động khác nhau bằng cách vuốt theo một trong bốn hướng trên bề mặt. Dải đèn của DualShock 4, cũng ít được tận dụng, chủ yếu hoạt động với các tựa game VR và có thể đóng vai trò phát hiện chuyển động trong các game như Until Dawn, trong đó game thủ phải giữ bộ điều khiển ở một tư thế nhất định để hoàn thành các hành động. DualShock 4 còn được tích hợp một chiếc loa nhỏ bên trong nữa.
PS5 DualSense
DualSense là một làn gió mới thổi vào đại gia đình bộ điều khiển PlayStation. Chỉ cần liếc qua, bạn sẽ chú ý đến hai tông màu nổi bật và thiết kế công thái học của nó. Sony đã đầu tư rất nhiều để đảm bảo DualSense mang lại một đẳng cấp trải nghiệm chưa từng có trên các bộ điều khiển DualShock trước đó.
Bộ điều khiển này có tính năng phản hồi rung, và hai cần trigger của nó có khả năng thích ứng, cho phép game thủ cảm nhận cường độ và kháng lực của các hành động họ thực hiện trong game, như khi giương cung tên chuẩn bị bắn chẳng hạn. DualSense còn có phần tay nắm (grip) và cần gạt phủ vân giúp việc sử dụng trong thời gian dài trở nên thoải mái hơn. Nó vẫn có touchpad và dải đèn như DualShock 4, nhưng dải đèn nay uốn quanh touchpad, trông đẹp mắt hơn nhiều. DualSense còn sử dụng cổng USB-C để sạc theo đúng xu hướng hiện đại ngày nay!