Pháp luật và Bạn đọc | 15/12/2021 11:02 AM
Những bộ giáp sắt là 1 trong những nét đặc trưng nhất của Iron Man, vừa là một món vũ khí tấn công lợi hại, lại có khả năng phòng thủ vững chắc để bảo vệ vị tỷ phú thiên tài Tony Stark ở bên trong. Đó chính là lý do vì sao khi xây dựng MCU nói chung và Iron Man nói riêng, Marvel Studios đã đặc biệt chú ý đến những bộ trang phục này. Sẽ không hề quá lời khi nói rằng thành công rực rỡ của Iron Man 1 (2008) có phần đóng góp không nhỏ từ bộ giáp sắt đẹp mắt, qua đó mở ra một kỷ nguyên bùng nổ dữ dội của MCU sau này.
Nếu so sánh bộ giáp đầu tiên mà Tony đã mặc, hay còn có tên là Mark 1, được xây dựng trong hang động của bọn khủng bố Ten Rings; với bộ giáp công nghệ nano trong Avengers: Endgame, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra nhiều sự thay đổi lớn. Tuy nhiên, đó không chỉ là thay đổi về mặt thiết kế bên ngoài hay tính năng bên trong, mà còn là cả 1 cuộc cách mạng về công nghệ, kỹ xảo và kỹ thuật làm phim mà Marvel Studios đã liên tục tiến hành trong hơn 1 thập kỷ vừa qua.
Đã có quá nhiều thay đổi giữa các bộ giáp của Iron Man trong MCU, không chỉ là ở thiết kế hay tính năng, mà là còn cả ở công nghệ và kỹ xảo điện ảnh của Marvel Studios.
MCU bắt đầu với câu chuyện Iron Man bị Ten Rings bắt cóc, từ đó sáng tạo ra bộ giáp Mark 1 và trốn thoát ra ngoài. Còn Marvel Studios bắt đầu hành trình kỹ xảo tạo ra Iron Man với việc sử dụng “người thật việc thật”: Chính là xây dựng bộ Mark 1 trong đời thực, để cho 1 diễn viên đóng thế mặc nó và tiến hành ghi hình để tạo ra những thước phim chân thực nhất.
Đạo diễn Jon Favreau vốn nổi tiếng với những ý tưởng phá cách, đã được chứng minh qua loạt dự án lớn như The Lion King hay The Mandalorian. Tuy nhiên vào thời điểm hơn 10 năm trước, ông cũng không dám tự tin rằng kỹ xảo điện ảnh và công nghệ CGI có thể tạo ra bộ giáp Iron Man hoàn hảo nhất.
Đó là lý do vì sao Marvel phải nhờ đến studio Stan Winston (nay là Legacy Effects) để xây dựng đạo cụ thực tế và tạo ra bộ giáp Mark I siêu to, siêu cồng kềnh, nặng gần 41kg như chúng ta đã thấy trên phim. Nó sở hữu lớp vỏ hỗn hợp bao gồm nhôm, da, urethane và sơn epoxy. Công nghệ CGI chỉ can thiệp trong những phân cảnh hành động, bởi bộ giáp quá nặng khiến cho Robert Downey Jr., người vào vai Tony Stark, hay diễn viên đóng thể không thể cử động nổi. Toàn bộ dữ liệu về động tác của bộ Mark I được giao cho công ty Embassy tại Vancouver.
Bộ giáp thô sơ đầu tiên của Iron Man là "hàng thật", nặng đến 41kg.
Khi trở về nhà, Tony bắt đầu tiến hành nghiên cứu và chế tạo những bộ giáp tân tiến hơn, và đó cũng là thời điểm Marvel Studios sử dụng CGI kết hợp với đạo cụ thực tế cho sản phẩm của mình. Với những mẫu giáp tiếp theo như Mark 2 hay Mark 3, họ đã dùng những bộ giáp thật để tham khảo, rồi sao chép lại trong môi trường máy tính. Họ làm chân thật và tỉ mỉ đến mức ngay cả đạo diễn Jon Favreau khi nhìn vào cũng không thể phân biệt nổi đâu là thật, đâu là giả.
Riêng với Mark 3, bộ giáp đặc trưng nhất của Tony Stark, Marvel đã phải nghiên cứu rất kỹ trong cả thiết kế để phù hợp với cá tính của nhân vật này, đồng thời còn phải giúp bộ giáp chuyển động mượt mà để có được những phân cảnh hành động chân thực nhất. Theo đó, lớp vỏ của bộ giáp được thiết kế giống như những chiếc siêu xe thể thao bóng bẩy, rất hợp với độ ăn chơi của Tony, thay vì chỉ là một khối kim loại cục mịch, thô cứng.
Bộ giáp đặc trưng nhất của Iron Man được sơn bóng loáng để phù hợp với cá tính ăn chơi của Tony Stark.
Với những phần phim sau này, khi mà công nghệ CGI đã phát triển, Robert Downey Jr. không còn phải mặc cả bộ giáp giống như trước đây nữa. Thay vào đó, Marvel tạo ra rất nhiều bộ phận giáp riêng lẻ, và sử dụng tùy theo bộ phận nào của Robert đang xuất hiện trên khung hình, phần còn lại sẽ được xử lý bằng máy tính.
Đến khi The Avengers bước vào quá trình sản xuất, Marvel mới 1 lần nữa gặp phải thử thách thực sự trong việc tạo ra bộ giáp Iron Man. Lần này, bên cạnh thiết kế bên ngoài, họ còn phải thể hiện được cả cấu tạo và chức năng của lớp bên trong, bởi có một số phân cảnh khi cởi giáp, Tony đã để lộ mặt sau bộ giáp của mình. Studio Industrial Light & Magic đã phải tạo ra nguyên mẫu cho từng mảnh của bộ giáp đó, bao gồm thiết kế cả 2 mặt, rồi sau đó theo dõi độc lập từng mảnh theo chuyển động của Tony.
Đây là 1 trong những thử thách lớn nhất xoay quanh việc tạo ra bộ giáp cho Iron Man, khi mà Marvel vừa phải thể hiện được cấu tạo bên trong bộ giáp, lại vừa phải chú ý để chuyển động của Robert Downey Jr. để cởi bộ giáp ra một cách hợp lý.
Bên cạnh đó, các chi tiết trong kịch bản, cũng như yêu cầu của Robert Downey Jr. cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc tạo ra những bộ giáp trên màn ảnh lớn. Ví dụ như trong Avengers: Infinity War, chính Robert đã nảy ra ý tưởng về hành động thắt chặt áo khoác của Tony Stark lại trước khi bộ giáp nano hình thành. Điều này vô tình hỗ trợ rất nhiều cho đội ngũ kỹ xảo, bởi với trang phục gọn gàng, họ có thể tạo ra lớp giáp bao quanh cơ thể Tony một cách mượt mà, dễ dàng hơn, vừa mang cảm giác của 1 chất lỏng nhưng vẫn có thiết kế cứng cáp của kim loại.
Trên đây chỉ là một số ví dụ cho thấy Marvel Studios đã thực sự trải qua 1 hành trình rất dài, với nhiều ý tưởng đột phá trong suốt hơn 10 sáng tạo hàng chục bộ giáp khác nhau cho Iron Man trong MCU. Cụ thể quá trình này diễn ra như thế nào, với những khó khăn, thử thách ra sao, mời bạn theo dõi đoạn video dưới đây:
[Vietsub] Hành trình kỹ xảo hơn 10 năm của Marvel để tạo ra những bộ giáp Iron Man hoàn hảo nhất trên màn ảnh lớn.
Theo Insider