- Theo Helino | 08/12/2019 09:59 PM
Lượng người quan tâm quá thấp
All-star 2019 được tổ chức tại Las Vegas, Hoa Kỳ nên thời gian thi đấu của giải đấu này cũng cực kì xấu đối với các nước Châu Á, thị trường lớn nhất của LMHT. Vì thế mà số người xem giải đấu thấp hơn là điều dễ hiểu, tuy nhiên vấn đề về múi giờ không phải là thứ khiến All-star 2019 ít người xem như vậy. Theo như Esports Chart thống kê thì số người xem cao điểm của All-star 2019 chưa bao giờ vượt qua con số 300.000 trong 3 ngày của sự kiện, một con số quá thấp đối với một giải đấu quốc tế.
Thống kê những trận đấu có nhiều view nhất của All-star 2019 và không trận nào có con số hơn 300.000
Nguyên nhân lớn nhất của lượng view thấp này tới từ việc tính cạnh tranh của giải đấu không cao. Đúng là All-star chỉ mang ý nghĩa vui vẻ, nhưng nó chỉ có vui đối với những game thủ mà thôi, họ được cởi bỏ gánh nặng thành tích và có thể chơi bất kì thứ gì mình thích. Tuy nhiên với người xem, khi nhắc tới những cái tên Faker, The Shy hay Caps, họ muốn xem những ngôi sao này cạnh tranh thực sự, chứ không phải làm những thứ "vô thưởng vô phạt" như solo 1v1.
So sánh thì có thể khập khiễng nhưng All-star 2019 có lượng view cao nhất thấp hơn cả số người Việt Nam xem CKTG 2019. Có nghĩa là lượng người quan tâm tới All-star là cực kì thấp, nó gần như là một sự kiện giao lưu hữu nghị giữa các game thủ nổi tiếng trên thế giới, không hề có cạnh trạnh, không hề thành tích và rất tiếc là không gây được sự chú ý lớn.
Chỉ tính riêng Việt Nam, số người xem CKTG 2019 cao nhất tại một thời điểm đã hơn 300.000, nhiều hơn cả thế giới xem All-star 2019
Giải đấu LMHT nhưng những người tham gia không thực sự "chơi LMHT"
Nghe thì có vẻ vô lý đó nhưng nếu nhìn vào phần lớn nội dung của All-star chúng ta sẽ hiểu được điều này. LMHT là một trò chơi đồng đội, những game thủ trong một team có vai trò rõ ràng và bên chiến thắng là phe tận dụng được sức mạnh đồng đội, chiến thuật và đội hình hợp lý. Và rồi phần lớn nội dung của All-star gần như đi ngược hoàn toàn với bản chất của LMHT, chính điều này khiến cho giải đấu không nhận được sự quan tâm của khán giả.
Bwipo là người vô địch nội dung 1v1 nhưng liệu có ai thực sự ấn tượng với điều này?
Thể thức solo 1v1: Đúng là bạn cần hiểu chất tướng để chiếm lợi thế trong thể thức này, nhưng LMHT là một game 5v5 đúng không, solo 1v1 giống như bạn đang chơi một tựa game đối kháng trên trình duyệt LMHT vậy.
URF: Nó vốn là một chế độ vui vẻ rồi.
2 người 1 máy: Chế độ "tấu hài" thực sự.
Chế độ Sát Thủ: Ai cũng biết việc lựa chọn 5 sát thủ trong một team chỉ có trong những trận rank thấp hoặc có ai đó cố tình troll game mà thôi.
Đấu Trường Chân Lý: Thôi nào, ai cũng biết nó còn chả phải là LMHT.
Thứ gần nhất với những trận đấu nghiêm túc là những trận 5v5 của các khu vực kỳ phùng địch thủ. Chính trận đấu này đã tạo ra khoảnh khắc đáng nhớ nhất cả giải đấu khi Faker sử dụng Lee Sin đá Insec vào đúng tầm kéo của Thresh trong tay Madlife. Đó chính là vẻ đẹp của LMHT, liệu có ai nhớ tới rằng Uzi đã thua 1v1 thế nào hay Faker chơi URF ra sao không? Câu trả lời là không ai cả.
Khoảnh khắc đáng nhớ nhất All-star 2019: Faker đá Insec cho Madlife kéo
Liệu Riot Games có nên tiếp tục tổ chức All-star?
Câu trả lời là có nhưng cần phải thay đổi thể thức để thực sự thu hút được sự chú ý của người xem. Việc tổ chức All-star theo kiểu vui vẻ hoàn toàn như này xem ra là một sự thất bại của Riot Games. Còn nhớ năm 2013 tại All-star Thượng Hải. giải đấu đó đã mang lại thành công cực kì lớn cho Riot khi qui tụ những ngôi sao xuất sắc nhất và để cho họ thi đấu thực sự với nhau.
Cú đá Insec nổi tiếng ra đời tại giải đấu All-star 2013
Chính tại giải đấu này một khoảnh khắc lịch sử ra đời với tình huống Insec tạo ra cú đá mang tên mình. Có lẽ Riot Games nên làm lại format này, để những siêu sao của các khu vực tranh đấu với nhau, đẩy cao tính cạnh tranh hơn nữa, thay vì đặt họ vào những thể thức thi đấu không nhiều ý nghĩa như hiện tại.