Phụ huynh cởi mở hơn với Esports sau SEA Games 31

Kayle GameK  - Theo Trí Thức Trẻ | 03/06/2022 04:19 PM

Đây là những tín hiệu đáng mừng của Esports nói chung và các tuyển thủ nói riêng.

Không cần phải nói nhiều về định kiến mà xã hội đã áp lên các tựa game hay những “đứa trẻ” chơi game từ nhiều năm nay: chơi bời, lêu lổng, vô ích…. Thế nhưng nói đi cũng phải nói lại, với sự phát triển của Thể thao Điện tử, sự lớn mạnh của những giải đấu vài năm trở lại đây và đặc biệt là sự xuất hiện của bộ môn này tại SEA Games 31 đã phần nào khiến các bậc phụ huynh dần thay đổi tư duy về lĩnh vực này.

“Mỗi người một việc, giỏi gì thì phát huy việc đó”

Gia đình làm nông nghiệp, ông Thân Văn Cường (Bắc Giang) là bố của tuyển thủ Free Fire - Thân Văn Thường thừa nhận từng cấm cản gay gắt con trai khi bắt gặp con mình đi chơi điện tử: “Tôi lái xe công nông, một buổi trưa đi làm về không thấy con ở nhà, tôi chạy đi tìm ở quán nét. Thấy con, tôi đánh từ quán đánh về, không cho quay lại quán lấy xe. Khi ấy, tôi nghĩ rằng, bỏ chiếc xe đạp cũng được, còn hơn là thằng con quay lại quán”.

Phụ huynh cởi mở hơn với Esports sau SEA Games 31 - Ảnh 1.

Thế nhưng thành tích học tập ổn của Thường dần khiến bố và gia đình hiểu rằng, chơi game không ảnh hưởng đến kết quả học tập. Sau này, khi con làm tuyển thủ chuyên nghiệp, tham gia và giành nhiều giải quốc nội, ông Cường cũng dần có suy nghĩ thoáng hơn:

“Thực ra bản thân tôi vẫn muốn con mình chuyên tâm cho việc học bởi nghề tuyển thủ cũng không theo mãi được. Tuy nhiên, tôi không còn cấm con bởi mỗi người mỗi việc, giỏi việc gì thì tạo điều kiện phát huy làm việc đó”.

Trong dịp con trai thi đấu tại SEA Games 31 vừa qua, ông cùng 20 thành viên trong gia đình thuê xe từ Bắc Giang để cổ vũ cho nam tuyển thủ trong ngày thi đấu.

Phụ huynh cởi mở hơn với Esports sau SEA Games 31 - Ảnh 2.

Bảo vệ tuyển thủ trước những định kiến

Không hề cấm cản mà còn động viên ủng hộ, cô Đoàn Thị Ngọc Tuyết - mẹ của nữ tuyển thủ Tốc Chiến Mie cũng đang từng bước nỗ lực thay đổi định kiến trong gia đình.

Phụ huynh cởi mở hơn với Esports sau SEA Games 31 - Ảnh 3.

Theo đó, vốn là một lĩnh vực trẻ, còn nhiều ý kiến trái chiều, trong gia đình không phải ai cũng ủng hộ sở thích của Mie, thậm chí còn dùng những lời cay nghiệt khi nói về đam mê Esports. Bảo vệ con gái, cô Tuyết khẳng định: “Nhiều người không hiểu cho rằng chơi game là hại mắt, giết thời gian, không chịu làm gì chỉ suốt ngày ôm điện thoại. Thế nhưng tôi là người có quan điểm, sống theo hiện đại, không phải nuông chiều nhưng nhưng nếu đó là sở thích thì nên để con phát huy”.

Bên cạnh đó, khi nữ tuyển thủ tủi thân khi theo nghề nhưng chưa được công nhận và để củng cố sự tự tin cho con gái, cô Tuyết động viên: “Con chỉ cần làm những gì cho là đúng, chiến thắng bản thân mình đã là người chiến thắng trong lòng mẹ rồi. Cho dù ai nói gì con cũng không cần nghe, không làm gì hại ai hay kiếm đồng tiền nhơ bẩn là được".

Phụ huynh cởi mở hơn với Esports sau SEA Games 31 - Ảnh 4.

Tuyển thủ cũng là một nghề

Cô Hải - mẹ của tuyển thủ Tốc Chiến Đỗ Thành Đạt (Elly) được biết đến là một trong những “hậu phương" vững chắc không chỉ rất tâm lý mà còn ủng hộ đam mê của con trai ngay từ những ngày đầu tiên theo nghề.

Sau lần xem trực tiếp một giải đấu mà con mình tham gia vào tháng 5/2020, cô Hải xem đi xem lại nhiều trận đấu hay, lắng nghe BLV phân tích để hiểu hơn nhiều về môn Thể thao Điện tử mà con theo đuổi. Kể từ thời điểm ấy, dù là xem trực tiếp hay online, mẹ Elly dường như không lỡ một buổi thi đấu nào của con trai.

Phụ huynh cởi mở hơn với Esports sau SEA Games 31 - Ảnh 5.

Đặc biệt, sau khi bộ môn Liên Quân Mobile xuất hiện trong các hạng mục thi đấu tại SEA Games, cô Hải càng tin tưởng và tự hào, đồng thời đã có những chia sẻ về Esports với các bậc phụ huynh khác rằng tất cả các phụ huynh nên nhìn nhận lại về bộ môn này vì nó đã được xã hội công nhận. Thể thao Điện tử cũng như những môn thể thao khác, nên các bậc phụ huynh chưa biết thì nên mở lòng tìm hiểu thêm để không phải cấm cản các con nữa nếu con mình có đam mê và ý chí với Esports. Đây cũng như một cái nghề.

Phụ huynh cởi mở hơn với Esports sau SEA Games 31 - Ảnh 6.

Chính những điều này, càng củng cố cho những ước muốn của MC Minh Nghi trước kỳ SEA Games thành sự thật. Trước đó, cô nàng từng bày tỏ: "Sự hiện diện của các tựa game Esports tại SEA Games cho thấy Thể thao điện tử phát triển và phổ biến như thế nào ở Việt Nam. Tôi hy vọng các phụ huynh sẽ có cái nhìn cởi mở hơn về Esports".


https://gamek.vn/phu-huynh-coi-mo-hon-voi-esports-sau-sea-games-31-20220603131819997.chn