Thể Thao Văn Hóa | 15/04/2023 05:34 PM
"Thanh minh thượng hà đồ" (Cảnh bên sông vào tiết Thanh minh) là tác phẩm được họa sĩ Trương Trạch Đoan vẽ đời nhà Tống. Bức họa mô tả cảnh sống của người dân Trung Quốc đời Tống tại kinh đô Biện Kinh (tức Khai Phong ngày nay) với đầy đủ những sinh hoạt thường nhật, trang phục, ngành nghề, các chi tiết kiến trúc, đường xá cũng được mô tả kỹ lưỡng trên một diện tích rộng.
Bức "Thanh minh thượng hà đồ" của họa sĩ Trương Trạch Đoan. Hình ảnh: Baidu baike
Thanh minh thượng hà đồ được vẽ trên một trường quyển (cuộn giấy dài) có kích thước 24,8×528,7 cm. Danh tiếng của bức vẽ tại Trung Quốc rất vang dội, chính vì vậy, nó còn được gọi là "Mona Lisa của Trung Quốc". Tranh là báu vật của nhiều triều đại phong kiến Trung Quốc và hiện được trưng bày tại Bảo tàng Cố Cung Bắc Kinh.
Ngoài phiên bản của họa sĩ Trương Trạch Đoan, có rất nhiều các phiên bản nổi tiếng khác của "Thanh minh thượng hà đồ" được vẽ lại dưới ngòi bút tài hoa của các họa sĩ khác trong đó phải kể đến họa sĩ Cừu Anh.
Bức "Thanh minh thượng hà đồ" của họa sĩ Cừu Anh. Hình ảnh: Baike
Dù là phiên bản của họa sĩ nào, tác phẩm này cũng có rất nhiều chi tiết tỉ mỉ. Ước tính trong bức tranh có tới 814 nhân vật, 28 thuyền, 20 xe cộ, 60 con vật và 170 cây cối nên hậu thế có thể soi được quá nhiều thứ hay ho khi phóng to bức tranh lên 30 lần.
Khi phóng to 30 lần bức tranh cổ, hậu thế phải ngỡ ngàng trước một thứ kỳ lạ. Thoạt nhìn ai cũng tưởng đây là một chú chim đang đậu trên cây sào cao ngất ngưởng nhưng thực ra đó là sản phẩm của trí tuệ người xưa.
Món đồ này có tên "Ngũ lượng", được làm từ 5 lạng lông gà và không dùng để trang trí. Đây chính là chiếc máy đo gió thời xưa, chỉ cần nhìn hướng mà đầu của con chim đang hướng đến là biết được hướng gió đang ở phương nào, từ đó có thể dự báo thời tiết cho bà con làng xóm.
Công cụ đo hướng gió của người Tống. Hình ảnh: Sohu
Không chỉ có vậy, sự chân thật trong ngòi bút của họa sĩ Trương Trạch Đoan còn mô tả cả 1 chi tiết khiến không ít người xem tranh phải bật cười.
Trên cầu bên lan can là 4 người đàn ông với khuôn mặt ỉu xìu đang chóng cằm nhìn xuống sông, nơi chỉ có mặt nước và vài con cá nhỏ đang bơi. Giữa phố phường tấp nập người buôn kẻ bán, họ chỉ lặng lẽ tìm kiếm niềm vui thú đơn giản hay họ đang có những nỗi buồn mà không thể nói cùng ai. Có lẽ cuộc sống không mạng xã hội, không điện thoại, TV, mạng Internet của người xưa chính là như vậy!
4 người đàn ông chống cắm mặt ỉu xìu bên lan can cây cầu. Hình ảnh: Sohu
Ở trong bức tranh dài 5 mét này, hậu thế cũng soi ra hình thức gọi món qua thực đơn đầu tiên của con người. Thay vì tiểu nhị đọc danh sách các món của quán còn quan khách chọn những món mình muốn ăn thì chủ tiệm đã treo thực đơn lên cửa quán để mọi người đều có thể nhìn thấy thực đơn của tiệm. Đây quả thực là cách làm thông minh và tiết kiệm công sức hơn rất nhiều.
Thực đơn phiên bản xuất hiện đầu tiên của người xưa. Hình ảnh: Sohu
Trong bản "Thanh minh thượng hà đồ" của họa sĩ Cừu Anh, người ta còn thấy 1 tiệm bán hoa tươi và 1 cửa hàng mang tên "Hợp hôn tiệm" hay còn chính là cửa tiệm để làm mai mối cho các nam thanh nữ tú đến tuổi dựng vợ gả chồng.
Như vậy mới thấy đời sống của dân chúng thời Tống đủ đầy về mặt tinh thần và lãng mạn ra sao. Họ cũng rất yêu thích hoa và không ngại ngùng trong việc hẹn hò yêu đương, hoàn toàn trái ngược với tưởng tượng của người hiện đại về sự cổ hủ hà khắc của tổ tiên.
Cửa tiệm bán hoa và cửa tiệm "xem mắt" tấp nập người qua trong bức tranh của họa sĩ Cừu Anh. Hình ảnh: Sohu
Những bức tranh cổ quả thật là nguồn nghiên cứu vô tận của hậu thế bởi chúng ta có thể thấy được rất nhiều điều thú vị trong cuộc sống thường nhật của con người trong quá khứ.
Nguồn: Sohu