Thể thao văn hóa | 03/04/2023 04:25 PM
Nếu được hỏi đâu là những nét đặc trưng của đất nước Nhật Bản, bên cạnh trà đạo, anime, trang phục kimono truyền thống hay văn hóa làm việc "độc nhất vô nhị", tin rằng đa số mọi người sẽ còn nhắc tới cả... phim người lớn.
Ngành công nghiệp JAV vô cùng nổi tiếng và tạo ra lợi nhuận khổng lồ. Dù vậy, đằng sau hào quang rực rỡ lại là những góc tối. Thông qua bộ phim The lowlife (Cuộc sống thấp kém), đạo diễn Takahisa Zeze mang tới cho khán giả một cái nhìn khác về cuộc sống bên ngoài ống kính của các nữ diễn viên không thuộc hàng ngũ ngôi sao.
The lowlife mang tới cho khán giả những góc tối mà các nữ diễn viên phải chịu khi tham gia ngành công nghiệp JAV - nguồn: Kadokawa
Có thể qua các bài báo, bạn từng đọc được rằng có nhiều cô gái trở thành diễn viên phim người lớn do bị lừa và rồi, họ bị công ty đối xử một cách thậm tệ. Thực tế, "quy tắc ngầm" tồn tại ở cả ngành giải trí chứ không riêng JAV. Thế nhưng, The lowlife không đề cập tới những khía cạnh này. Thay vào đó, "góc tối" được bộ phim khai thác, đó là sự đau khổ mà các nữ diễn viên phải gánh chịu khi làm công việc bị xã hội khinh rẻ.
Cả ba nhân vật chính trong phim là Miho (Ayano Moriguchi), Ayano (Kokone Sasaki) và Takako (Saki Takaoka) đều chủ động dấn thân vào ngành. Họ bước chân vào con đường đóng phim người lớn vì những lý do khác nhau.
Mỗi nhân vật trong The lowlife đều gặp những bi kịch của riêng mình - nguồn: Kadokawa
Miho là một phụ nữ gần bước sang tuổi 35, chưa có con và sống cuộc đời tẻ nhạt bên cạnh người chồng mẫu mực nhưng chỉ biết đến công việc. Cô ao ước có một gia đình đúng nghĩa và được đi nghỉ vào mùa hè. Nhưng rồi mỗi khi Miho đề cập đến chuyện này, cô luôn chỉ nhận về cùng một đáp án - chúng ta hãy bàn chuyện này sau. Quá thất vọng và muốn tìm kiếm sự mới mẻ cho chuỗi ngày nhàm chán, Miho quyết định đóng JAV.
Ayano là một cô gái trẻ có một tuổi thơ không hạnh phúc. Cô có mối quan hệ không tốt với gia đình và mặc cảm vì bản thân. Ayano từng nói rằng cô là người xấu nhất trong số các chị em. Việc tham gia đóng phim đen không chỉ là cách mà Ayano kiếm sống mà đây còn là công việc giúp cô tìm kiếm niềm vui.
Nhân vật Takako trong The lowlife là một người mất phương hướng và luôn cảm thấy u buồn - nguồn: Kadokawa
Khác với Miho và Ayano, Takako từng làm việc trong ngành công nghiệp phim đen nhưng đã giải nghệ từ lâu. Giờ đây, cô sống một cách mất phương hướng, buông thả bản thân và phụ thuộc vào người mẹ già. Tuyến nội dung về Takako không tập trung chủ yếu vào nhân vật này. Thay vào đó, khán giả được thấy sự đau khổ, dằn vặt mà nhân vật Ayaka (Aina Yamada) phải trải qua khi là con của một cựu diễn viên khiêu dâm.
Miho, Ayano cùng với Takako, họ tìm đến JAV theo những con đường không giống nhau. Thế nhưng, cả ba đều phải trải qua những sự dày vò nội tâm bởi một nguyên nhân: định kiến và sự khinh bỉ của xã hội.
Khi một người phụ nữ tham gia ngành công nghiệp phim người lớn, không chỉ bản thân họ mà những người thân xung quanh cũng bị ảnh hưởng - nguồn: Kadokawa
The lowlife thuộc thể loại phim tâm lý. Vì vậy, việc truyền tải những trạng thái cảm xúc khác nhau của nhân vật là điều tối quan trọng. Nhiệm vụ này được dàn diễn viên thực hiện rất tốt, trong đó đặc biệt đáng khen ngợi là Kokone Sasaki, Aina Yamada và Ayano Moriguchi.
Kokone Sasaki đã thành công mang tới một Ayano mạnh mẽ, yêu nghề nhưng cũng e ngại sự gièm pha từ những người xung quanh và đau khổ vì không được những người trong gia đình thấu hiểu.
Mọi thành viên trong dàn cast của The lowlife đều làm tốt nhiệm vụ của mình - nguồn: Kadokawa
Đáng chú ý, ở phân đoạn Ayano gặp gỡ anh chàng biên tập Hibino - người khiến cô cảm thấy hứng thú, Kokone Sasaki đã diễn ra một sắc thái tươi sáng, hoàn toàn khác so với "gam màu u tối" đặc trưng của nhân vật. Điều này như một lời khẳng định rằng các nữ diễn viên phim đen cũng biết yêu, biết ngại ngùng, biết xốn xang khi gặp chàng trai mình thích.
Còn về Aina Yamada, mỹ nhân 24 tuổi khắc họa một cách chân thực sự mặc cảm, tự ti của một nữ sinh khi thông tin mẹ cô từng đóng phim đen bị phát tán. Và khi mà ánh mắt của cả trường đều đổ dồn vào Ayaka, cô bé đã chọn cách trốn chạy trong đau khổ.
Ayano Moriguchi là ngôi sao sáng nhất trong The lowlife - nguồn: Kadokawa
Ngôi sao sáng nhất trong The lowlife là Ayano Moriguchi. Cô thể hiện rất tốt vai Miho, một nhân vật với nhiều trạng thái cảm xúc phức tạp. Miho là người phụ nữ phải sống trong "vòng lặp chán chường" và rất muốn tìm cách thoát ra. Cô chọn cách đóng JAV để tự giải thoát cho bản thân. Thế nhưng đồng thời, cô cũng cảm thấy vô cùng tội lỗi về sự phản bội sai trái của mình với chồng.
Sự dày vò, đau khổ mà Miho phải chịu càng trở nên lớn hơn khi cô đã đi đóng phim dù đang phải chăm bố ốm. Thế rồi, ngay khi Miho đang quan hệ với người bạn diễn mình mới gặp lần đầu, bố cô đã qua đời. Và dĩ nhiên, Miho đã không thể ở bên ông trong thời khắc cuối cùng.
Miho là nhân vật có diễn biến tâm lý khá phức tạp nhưng điều đó không thể làm khó Ayano Moriguchi - nguồn: Kadokawa
The lowlife chọn một chủ đề đáng quan tâm, diễn xuất của dàn diễn viên cũng rất tốt. Dẫu vậy, bộ phim lại có điểm trừ về mặt nội dung khi khiến khán giả cảm thấy những vấn đề không được giải quyết một cách rốt ráo.
Với câu chuyện của Miho, sau khi cô không thể chịu nổi cảm giác tội lỗi nên đã thú nhận mọi chuyện, người chồng ngoại trừ việc bảo rằng anh ta cảm thấy không dễ chịu thì chẳng còn phản ứng nào khác. Còn ở câu chuyện của Ayana, chưa có một cái kết thực sự thỏa mãn, rõ ràng cho câu chuyện giữa cô và Hibino.
The lowlife có rất nhiều cảnh nhạy cảm và độ nóng của nó vượt xa The glory - nguồn: Kadokawa
Có một điều cần phải cảnh báo, đấy là trong The lowlife xuất hiện rất nhiều cảnh nóng trần trụi. Thời gian gần đây, cộng đồng yêu phim đã được một phen phát sốt với những phân đoạn "cởi tất tần tật" của Cha Joo Young trong siêu phẩm The glory. Thế nhưng nếu xét về độ nóng, tác phẩm tới từ xứ Kim Chi chẳng là gì so với bộ phim đến từ đất nước mặt trời mọc.
Về phản ứng của khán giả, bộ phim đã tạo ra hai luồng ý kiến trái chiều. Một bộ phận người xem cho rằng xã hội nên có cái nhìn cảm thông hơn với các nữ diễn viên phim đen. Tuy nhiên ở chiều ngược lại, một bộ phận khác lại đưa ra quan điểm rằng bất kể ngành nghề nào cũng có hai mặt. Và nếu đã hưởng quyền lợi, họ cũng phải chấp nhận những mặt trái bởi sau tất cả, mỗi người đều phải tự chịu trách nhiệm cho sự lựa chọn của mình.
Nguồn: Kadokawa