Stop-motion là một phương pháp thể hiện hết sức đặc biệt trong chất liệu hoạt hình, vốn có tuổi thọ ngang ngửa với chính lịch sử điện ảnh. Bằng cách thực hiện chụp thật nhiều các bức ảnh tĩnh và để chúng chạy như một cuộn phim quay cảnh động, các nhà làm phim đã khám phá ra một "phép màu" mới trong việc kể các câu chuyện bằng hình ảnh, và từ đó khai sinh ra hoạt hình nói chung, cũng như stop-motion nói riêng.
Các hãng phim hoạt hình stop-motion từ trước tới nay thường không được cờ hoa đình đám như các chất liệu hoạt hình khác như 3D hay vẽ tay, nhưng luôn được giới chuyên môn cũng như những người yêu nghệ thuật dành cho một sự ưu ái đặc biệt. Chính bản chất phức tạp của bộ môn nghệ thuật này, cũng như sự đòi hỏi kiên trì vượt trội, kỹ năng tạo hình khéo léo, tinh tế, và cả sự cẩn thận vô cùng, stop-motion dù ít khi trở thành "bom tấn" oanh tạc các phòng vé, lại vẫn luôn có chỗ đứng vững chải của mình trên màn ảnh rộng và cả truyền hình.
Chúng ta hãy cùng nhau điểm lại những tên tuổi lớn nhất đã không ít lần khiến cho cộng đồng điện ảnh phải liêu xiêu vì những tác phẩm đầy kỳ công và cuốn hút của họ.
Nick Park – Aardman Animation
Đến từ nước Anh xinh đẹp, Nick Park và studio hoạt hình stop-motion Aardman Animation của ông đã thực sự xây dựng được cho mình một vương quốc thịnh vượng cho bộ môn nghệ thuật này giữa trời Âu. Khởi đầu của Aardman khá khiêm tốn qua các phim ngắn, quảng cáo, và chỉ đến khi bộ đôi Wallace và Gromit ra mắt thì hãng mới thực sự khẳng định được tên tuổi của mình trong ngành hoạt hình.
Thừa thắng xông lên, nhà phát minh ngốc nghếch và chú chó thông minh của họ đã giúp họ giành được giải Oscar cho phim The Curse of the Were-Rabbit vào năm 2005. Không chỉ thế, Chicken Run – bộ phim về cuộc đào tẩu huyền thoại của lũ gà trong trang trại của Aardman với sự tài trợ của Dream Works còn là bộ phim hoạt hình stop-motion có doanh thu cao nhất mọi thời đại. Ngoài ra, thành công của Shaun The Sheep trên truyền hình, cũng như bộ phim điện ảnh đầu tiên cho chú cừu cá tính này vào năm 2015 là minh chứng mạnh mẽ cho giá trị của Aardman và stop-motion đối với điện ảnh hiện đại. Chính vì thế Early Man hứa hẹn cũng là một "bữa ăn ngon miệng" cho cả gia đình vào dịp Tết Nguyên Đán.
Tim Burton
Nhắc đến hoạt hình stop-motion không thể không nhắc đến vị đạo diễn có cá tính "kỳ quái" Tim Burton. Ông không chỉ là một nhà làm phim lừng danh với các tác phẩm kinh điển mang đậm phong cách gothic đặc trưng như Edward Scissorhands, Batman (1989), Beetlejuice, vân vân, mà còn nặng duyên nợ với môn nghệ thuật tốn nhiều thời gian này.
Khởi đầu sự nghiệp với vai trò họa sĩ của hãng phim hoạt hình Walt Disney, cũng như một vài phim ngắn stop-motion có phong cách kỳ dị, Burton đã thực sự bùng nổ với hoạt hình khi viết kịch bản và sản xuất The Nightmare Before Christmas cùng đạo diễn Henry Selick.
Không dừng ở đó, ông tiếp tục hợp tác với Selick trong phim James and the Giant Peach 3 năm sau đó, và cuối cùng chính thức đạo diễn Corpse Bride vào năm 2005. Lần cuối cùng khán giả được thấy Burton nghịch ngợm với những hình nhân có tạo hình hơi quái dị đúng theo tinh thần trong phim của ông là trong Frankenweenie vào năm 2012 – một bộ phim làm lại từ chính phim ngắn cùng tên của ông từ năm 1984.
Phil Tippett – Tippett Studio
Với người hâm mộ đại trà, Phil Tippett nổi tiếng với việc chịu trách nhiệm "chăn" đàn khủng long CGI chạy trốn trong Jurassic Park của Steven Spielberg vào năm 1991. Nhưng trên thực tế, Tippett đóng một vai trò khá lớn đằng sau màn ảnh của những bom tấn "hàng khủng" cuối thế kỷ 20 của điện ảnh. Ít ai biết rằng, ông và đồng sự đã từng mang tới sự sống cho hàng loạt robot cũng như sinh vật ngoài hành tinh trong loạt phim Star Wars của đạo diễn George Lucas, thậm chí cả trong Star Wars: The Force Awakens mới đây.
Sau đó, ông cũng đã chịu trách nhiệm mang lại sức sống cho những robot cảnh sát khổng lồ chuyên săn lùng và tiêu diệt tội phạm trong Robocop (1987). Những chú khủng long khổng lồ được thực hiện bằng CGI trong Jurassic Park từng là cuộc cách mạng trong điện ảnh. Nhưng trước khi sử dụng máy tính để tạo ra chúng, Spielberg đã giao cho Tippett trọng trách thiết kế nên chuyển động của những con khủng long trong phim. Và bản thân ông cũng đã đích thân kiểm soát quá trình thực hiện chuyển động của các họa sĩ máy tính cho phim sau đó.
Ngoài những thành tựu đạt được qua hàng loạt các kỹ xảo điện ảnh kinh điển cho các bộ phim bom tấn chiếu rạp, Phil Tippett còn có một studio cá nhân ngay trong gara ô tô của nhà riêng để thỏa mãn đam mê Stop Motion của bản thân. Năm 2012, ông vận động đầu tư từ trang web kickstarter thành công cho dự án mà ông đã ấp ủ và thực hiện chậm rãi từ năm 1990 – Mad God, và còn đủ để các phần nối tiếp của phim có thể được thực hiện.
Henry Selick – LAIKA
Henry Selick chính là một trong số những người đã đặt ra nền tảng cực kỳ vững chắc cho hãng phim hoạt hình chuyên về stop-motion – LAIKA – với bộ phim nay đã trở thành kinh điển của dòng phim này: Coraline. Tuy nhiên, trước khi châm ngòi cho "quả bom" LAIKA, Selick đã gây dựng tên tuổi của mình qua những tượng đài lớn như The Nightmare Before Christmas và James and the Giant Peach.
Ông còn đảm nhiệm vai trò thiết kế và diễn xuất hoạt hình stop-motion cho các bộ phim người đóng khác như Monkeybone (2001) hay The Life Aquatic with Steve Zissou (2004). Tuy nhiên, kể từ sau Coraline, các dự án phim Stop Motion của ông thường xuyên gặp phải những chướng ngại khác nhau khiến chúng không thể được hoàn thành.
Travis Knight – LAIKA
Không có được quá khứ hoành tráng như các đàn anh, nhưng Travis Knight đã khẳng định được tài năng của bản thân qua bộ phim đầu tay của anh Kubo and the Two Strings. Không chỉ thế, anh còn là chủ tịch và giám đốc của studio LAIKA, trực tiếp bắt tay thực hiện những thước phim hoạt hình stop-motion thần kỳ của hãng này qua Coraline, ParaNorman, và cả The Boxtrolls.
Mặc dù tuổi đời còn trẻ, nhưng thành tựu mà anh đạt được thực sự đáng nể, đặc biệt là trong một loại hình nghệ thuật đòi hỏi rất nhiều sự kiên nhẫn như vậy. Hiện uy tín của anh đã lên đủ cao để các nhà sản xuất phải tuyển mộ để anh đạo diễn một bộ phim người đóng đầu tiên – Bumblebee: The Movie, dựa trên thương hiệu Transformers đình đám.
Wes Anderson
Wes Anderson thực ra không hẳn là một họa sĩ hoạt hình, cũng không phải là một đạo diễn chuyên sâu về mảng này. Nhưng rõ ràng anh có một phong cách làm phim vô cùng độc đáo hết sức phù hợp với chất liệu stop-motion. Điều đó đã được chứng tỏ qua phim hoạt hình đầu tay của anh Fantastic Mr. Fox, kể về cuộc đối đầu giữa đàn thú hoang và những chủ trại chăn nuôi gà ở vùng làng quê nước Anh. Mặc dù không kiếm về được doanh thu ấn tượng, bộ phim lại được giới chuyên môn đánh giá vô cùng cao, và còn được đề cử cho giải Oscar dành cho Phim hoạt hình xuất sắc nhất.
Trong bộ phim người đóng ra mắt năm 2004, Anderson cũng đã phối hợp với Henry Selick để thực hiện một số hoạt cảnh bằng stop-motion và tạo ra những hiệu ứng ấn tượng bất ngờ cho bộ phim. Trong năm nay, Wes Anderson cũng sẽ chính thức trở lại với thể loại này qua bộ phim Isle of Dogs chuẩn bị ra mắt vào tháng 3 tới.
Seth Green – Stoopid Buddy Stoodios
Seth Green thường được người ta biết tới là một diễn viên chuyên nhận những vai diễn "không phải chính" trong rất nhiều các bộ phim Hollywood khác nhau. Nhưng chính studio hoạt hình Stoopid Monkey/Stoopid Buddy Stoodios do anh đồng sáng lập cùng Matthew Senreich và series Robot Chicken mới chính là thành quả đáng tự hào nhất của anh chàng tóc đỏ này.
Robot Chicken là một series hoạt hình Stop Motion có phần khá đơn giản và khiêm tốn so với các đồng nghiệp chiếu rạp của mình. Nhưng những giải thưởng Emmy mà nó nhận được là dành cho khiếu hài hước đầy châm biếm của nó và phần hoạt hình được thực hiện vô cùng ấn tượng dù có vốn đầu tư ít ỏi. Thành công của Robot Chicken đã giúp Stoopid Buddy Stoodios giành được một hợp đồng béo bở hợp tác với Netflix – Buddy Thunderstruck.
Willis H. O’Brien và Ray Harryhausen
Nhắc đến stop-motion mà không kể tới các "ông tổ" của nghề làm kỹ xảo điện ảnh, cũng như nền móng đầu tiên cho các kỹ thuật cơ bản của phương pháp này thì thực sự là một thiếu sót khó tha thứ. Nếu như Willis O’Brien lần đầu tiên đưa loài khủng long đồ sộ lên điện ảnh trong The Lost World (1925), cũng như khiến thế giới choáng ngợp với chú linh trưởng khổng lồ trong King Kong (1933), thì Ray Harryhausen chính là người đã đặt nền móng đầu tiên cho những kỹ thuật cơ bản của phương pháp này.
Từng là học trò của O’Brien, Harryhausen đã thực sự trở thành một "đại thụ" của điện ảnh với những tác phẩm bất tử như Mighty Joe Young (1949), The 7th Voyage of Sinbad (1958), Jason and the Argonauts (1963), và đặc biệt là Clash of the Titans (1981). Đây đều là những bộ phim người đóng, nhưng qua bàn tay "ma thuật" của Harryhausen, chúng đã trở nên vô cùng sống động bởi sự xuất hiện của các nhân vật thần thoại, kỳ bí được làm bằng mô hình thu nhỏ. Những đóng góp của 2 bậc thầy này cho lịch sử hoạt hình và kỹ xảo điện ảnh nói riêng, và lịch sử điện ảnh nói chung là hoàn toàn vô giá.