Pháp luật và Bạn đọc | 13/07/2021 10:50 AM
Nhiều khán giả yêu phim hẳn sẽ không quá xa lạ với cái tên L'Amant, hay còn được biết đến với tên tiếng Việt là Người Tình. Người Tình được sản xuất năm 1992 dựa trên tiểu thuyết cùng tên của đạo diễn Jean-Jacques Annaud cùng sự tham gia của Jane March, Lương Gia Huy và Lisa Faulkner. Phim khởi quay tại Việt Nam từ năm 1986 và hoàn thành năm 1990, mang đến một hình ảnh Sài Gòn đẹp như tranh vẽ, trau chuốt đến từng đường nét.
Trailer của L'Amant - Người Tình
Thời điểm ra mắt, Người Tình còn khiến dư luận bị sốc vì các cảnh nóng quá táo bạo và "thật" của 2 diễn viên Jane March và Lương Gia Huy, có cảnh còn để nữ chính khỏa thân 100% trước ống kính. Thậm chí, nhiều người còn lầm tưởng cảnh nóng trong Người Tình là thật.
Người Tình là câu chuyện tình yêu đầy nhục cảm của một cô gái Pháp 15 tuổi nghèo khó và chàng đại gia Hoa kiều gặp nhau trên chuyến phà qua sông Mekong. Họ lao vào nhau với những cuồng si và khao khát, nhưng cũng phải giấu diếm mối tình này trong góc nhà bí mật khu Chợ Lớn tấp nập mà dơ dáy, oi ả và khó chịu. Sài Gòn của thế kỷ trước thật ẩm ướt, oi ả mà cũng mang lại một cảm giác nồng nàn trong câu chuyện tình yêu đầy hoan lạc này.
Sài Gòn trong Người Tình hiện lên với 2 mảng đối lập: là Chợ Lớn ồn ào, suồng sã và là một Sài Gòn hoa lệ ở cái thời Pháp thuộc. Bối cảnh của phim được nhà sản xuất dành phần lớn thời gian để sắp xếp và xây dựng, tạo ra sự thỏa mãn về mỹ thuật mà nhiều phim sau này cũng khó có thể bắt chước.
Bến Nhà Rồng, khách sạn Majestic, trường THPT Lê Hồng Phong và Lê Quý Đôn, chợ Bình Tây, bến Mễ Cốc, Thảo Cầm Viên, vòng quanh khu Độc Lập… thời thuộc địa là những địa điểm được miêu tả đầy chân thực qua ống kính của đạo diễn Jean-Jacques Annaud. Ông đã từng cân nhắc quay bộ phim này ở các nước châu Á khác thời đó như Malaysia hay Thái Lan với cơ sở vật chất tốt hơn, nhưng cuối cùng vẫn chọn Việt Nam vì chỉ Sài Gòn mới truyền tải được bầu không khí tốt nhất, hợp với nguyên tác nhất cho tác phẩm.
Việt Nam cũng là một trong những nước đầu tiên được thưởng thức Người Tình bằng tiếng Pháp. Tuy nhiên, phiên bản chiếu tại Việt Nam đã bị cắt lược nhiều cảnh nóng táo bạo của bộ phim gốc.
Mới đây, Người Tình và hình ảnh Sài Gòn trong phim bất ngờ được nhiều netizen "đào" lại. Nếu như khán giả Việt mê mẩn Việt Nam trong phim thì cũng vô cùng xót xa và ám ảnh vì cái kết buồn của tác phẩm. Câu chuyện của Người Tình để lại vị đắng dai dẳng mà cũng đầy lưu luyến, muốn thưởng thức mãi không thôi.
Nguồn ảnh: Tổng hợp